Nghệ nhân Tạ Thu Hương: “Bà con làm nón cho tôi, tôi nuôi bà con”

(Sóng trẻ) - Nghệ nhân Tạ Thu Hương - người phụ nữ dành cả tuổi trẻ, tâm huyết với chiếc nón lá truyền thống làng Chuông. Bà luôn trăn trở về chặng đường đưa biểu tượng Việt Nam vươn ra quốc tế. 

Làng Chuông - ngôi làng nằm tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Thành phố Hà Nội hơn 20km, nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Tại nơi đây, nghệ nhân nón lá Tạ Thu Hương đã xây dựng thương hiệu, phát triển và gìn giữ nét đẹp văn hóa mang đậm thương hiệu Việt Nam.

Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân

- Bà bén duyên với sự nghiệp làm nón như thế nào?

Hồi ấy, mong muốn của bố tôi - một Đảng viên rằng tôi học hết cấp 3 xong thoát ly, không làm nghề kinh doanh. Nhưng tôi sống và lớn lên trong làng quê nên đã hiểu được người dân nghèo, vài cái nón mới mua được cân gạo. Khi tôi đi bán, thu gom nón cùng với mẹ, ra chợ mua nón tôi mới biết dân khổ. Từ đấy, tôi quyết định học hết cấp 3, sau đó sẽ phát triển, làm ra thêm nhiều mẫu mã nón mới, trước hết là mang nón ra chợ bán. Sau này, khi có người hỏi mua số lượng lớn, tôi đều nhận. Với bản lĩnh của mình dám nghĩ dám làm, tôi nhận đơn hàng 2000 cái nón trong 10 ngày phải hoàn thành để xuất khẩu. Từ đấy, tôi thấy là mình có thu nhập và dân cũng có thu nhập, đâm yêu cái nghề này.

Những chiếc nón lá được nghệ nhân Tạ Thu Hương cùng các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện. (Ảnh: NVCC)
Những chiếc nón lá được nghệ nhân Tạ Thu Hương cùng các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện. (Ảnh: NVCC)

- Bà lấy cảm hứng từ đâu để sáng tạo ra những sản phẩm, mẫu mã ấn tượng hơn so với nón lá truyền thống?

Ý tưởng hình thành trong suy nghĩ yêu thích cái đẹp của tôi. Tôi nhìn thấy bà con 1 tháng làm được vỏn vẹn 1 triệu tới 1,5 triệu đồng tiền lương, thì tôi muốn cải tiến thêm mẫu mã khác. Bà con làm cho tôi, tôi bao nuôi bà con. Thời điểm đó, tôi đảm bảo với bà con nếu không bán được, tôi giả tiền cho bà con. Từ chất liệu vẻ đẹp quê hương đã có sẵn, tôi khắc họa những hình ảnh thiên nhiên, con người Việt Nam lên chiếc nón lá thân thuộc. Các mẫu mã sản phẩm bà con làm ra từ đó ngày càng được đón nhận, số lượng nón bán ra cũng tăng lên đáng kể.

Xây dựng thương hiệu từ những dấu ấn văn hóa

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất với bà trong gần 50 năm làm nghề?

Kỷ niệm làm ra chiếc nón lá tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 là đáng nhớ nhất với tôi. Tổng cục du lịch đã tới làng hỏi tìm người làm cái nón đường kính 3 mét 6 nhưng đi từ sáng đến chiều không tìm thấy ai. Họ phải gọi điện đặt hàng tôi làm chiếc nón đấy. Đây vừa là động lực cũng là thử thách bản thân tôi. Khi làm xong, báo chí về quay phỏng vấn suốt. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ chiếc nón trị giá từ 50,000 đến 100,000 nghìn đồng nhưng khi được trả 4 triệu đồng và  mang đến Hội nghị APEC, biểu diễn bởi 8 chàng trai khiêng nón múa hát bài “Việt Nam quê hương tôi”. tôi thấy tự hào khi làm được chiếc nón như vậy.

- Để đạt được thành tựu như hiện nay, bà đã vận hành hệ thống sản xuất của mình ra sao? 

Cách đây 20 năm ở làng Chuông này, thật quả không có ai làm được những mẫu mã sáng tạo, đổi mới như tôi. Một tháng tôi làm 70000 chiếc để đi xuất khẩu ra nước ngoài. Có những hôm đi thu nón về muộn không kịp thổi cơm, chồng tôi còn hẩy đổ cả xe, cả nón. Nhưng khổ lắm cái nghề sinh cái nghiệp, bà con còn đang sửa nón thì tôi phải chờ. Mình tâm huyết với nghề thì phải lăn lội, tuy có thuê nhân công nhưng phần lớn đều tự tay tôi làm. Những lúc đi thu gom ấy mình vừa có thêm lợi nhuận và người dân cũng thêm quý mình. Nhưng chồng tôi lúc đó làm xưởng gỗ, chưa hiểu nghề này còn có những buổi làm đổ cả xe cả người. 

Nét truyền thống và hiện đại kết hợp trong từng mẫu mã sản phẩm. (Ảnh: NVCC)
Nét truyền thống và hiện đại kết hợp trong từng mẫu mã sản phẩm. (Ảnh: NVCC)

Thời điểm đó, 5 giờ sáng bà con đã tới nhập nón, chồng ngủ con ngủ còn tôi phải rón rén thức dậy làm hàng. Có những gia đình giờ con lớn hay gặp vẫn bảo: “Không có cô Hương thì không được vay tiền trước và làm nón trả cô sau”. 

- Giữa nhiều thương hiệu nón lá truyền thống, bà cùng các nghệ nhân đã làm gì để quảng bá hình ảnh nón lá làng Chuông tới đông đảo du khách trong và ngoài nước?

Tôi có cơ hội được Nhà nước mời đi tham gia tuần văn hóa Việt Nam 2004 và 2008 tại Nhật và thao diễn nghề ngay tại đây. Đó là động lực để tôi cố gắng vì làng quê. Nếu không yêu nghề thì không duy trì được đến hiện tại và không có uy tín và thương hiệu như bây giờ. Tôi nghĩ 1 cô Hương phải thành 4 cô Hương mới làm hết việc vì những hội nghị hay sự kiện về văn hóa chính trị đều mời cô Hương đi thao diễn để quảng bá thương hiệu.

- Được đại diện Việt Nam mang hình ảnh nón lá đi quảng bá đến bạn bè quốc tế, cảm xúc của bà tại các tuần lễ văn hóa?

Bình thường, bày trí gian hàng tuy mệt nhưng đến giờ khai mạc tôi thường khoác lên mình những bộ áo dài dân tộc. Báo chí thường tới quay gian hàng, phỏng vấn tôi rất đông. Lúc đấy, tôi rất tự hào khi được đại diện cho quê hương giới thiệu trước truyền thông quốc tế về chiếc nón lá giản dị nhưng chứa đựng nền văn hóa Việt Nam. Bạn bè thường trêu tôi rằng nếu ai là người trong làng Chuông này trả lời báo chí nhiều nhất thì phải là tôi.

Thương hiệu của nghệ nhân Tạ Thu Hương được in dấu trên từng chiếc nón. (Ảnh: NVCC)
Thương hiệu của nghệ nhân Tạ Thu Hương được in dấu trên từng chiếc nón. (Ảnh: NVCC)

Nón lá làng Chuông sống mãi với dòng chảy thời gian

- Nhiều quan điểm cho rằng làm nghề truyền thống không phải là công việc “hái ra tiền”, dưới góc nhìn của một nghệ nhân, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này? 

Làm nghề truyền thống mà giữ được nghề, lại đam mê với nghề thì mới tâm huyết, sáng tạo, đổi mới nhiều mẫu mã. Nếu chỉ là một chiếc nón truyền thống thì dân không thể ổn định được. Từ năm 19, 20 tuổi, tôi nắm bắt được thị yếu của thị trường, nước ngoài họ cần hàng gì để làm ra nhiều mẫu mã khác nhau. Luôn luôn học hỏi và suy nghĩ tại sao người ta xuất khẩu được nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, nâng cao thu nhập. Từ đó, mình trăn trở làm thế nào để tạo được việc làm cho bà con. 

Giá trị dân tộc luôn được chú trọng thể hiện trên các sản phẩm nón lá làng Chuông. (Ảnh: NVCC)
Giá trị dân tộc luôn được chú trọng thể hiện trên các sản phẩm nón lá làng Chuông. (Ảnh: NVCC)

- Bà cùng các nghệ nhân đã truyền đam mê của mình cho thế hệ trẻ như thế nào để tiếp tục phát triển nghề làm nón lá này?

Tôi thường đón khách tới tham quan và trải nghiệm nghề. Đồng thời, làng Chuông cũng có một số các chương trình giúp các bạn trẻ biết tìm hiểu nghề. Tôi thường bảo các bạn trẻ trong làng dù có học cao đến đâu, đi xa đi nữa thì vẫn phải giữ được truyền thống làng mình để không bị mai một nét đẹp văn hóa riêng của nón lá làng Chuông.

Sự công nhận của xã hội với những đóng góp của nghệ nhân Tạ Thu Hương. (Ảnh: NVCC)
Sự công nhận của xã hội với những đóng góp của nghệ nhân Tạ Thu Hương. (Ảnh: NVCC)

- Trong tương lai, bà mong muốn sẽ có những thay đổi như thế nào để phát triển tên tuổi của nón lá làng Chuông?

Những năm gần đây, cơ sở sản xuất của tôi vẫn lấy nhà làm xưởng kể cả đón khách tham quan về trải nghiệm. Qua quá trình đi học hỏi tại các địa phương khác thường, tôi thấy họ sử dụng khu đất công nghiệp hoặc đất dự án để phát triển nghề. Tôi cũng mong làng nón Chuông sẽ được quan tâm hơn, có một khu đất quy hoạch để các nghệ nhân có môi trường phát triển và bảo tồn nét đẹp văn hóa này như khu chế tác, khu ăn uống, khu trưng bày, khu chụp ảnh… có quy mô lớn. 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN