Nghệ thuật truyền thống ở miền Bắc – những tín hiệu đáng mừng
(Sóng trẻ) - Nhà hát Chèo Việt Nam “đỏ đèn” trở lại, sân khấu tuồng vừa ra mắt một vở diễn "Phật hoàng Trần Nhân Tông" đầy ấn tượng, nhóm Xẩm Hà thành ra mắt MV "Xẩm Trà đá" nhiều dư vị... đó là những tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật truyền thống miền Bắc.
Giữ nghệ thuật truyền thống là giữ hồn dân tộc, tâm hồn Việt và những giá trị của cha ông. Nhiều nghệ sĩ khi đã thấu hiểu lời ca, giai điệu của chèo, xẩm đều phải đồng ý rằng, các cụ ngày xưa thông tuệ quá, mỗi câu, mỗi chữ lại hàm chứa một ý nghĩa riêng, một giá trị nhân văn riêng. Tính giáo dục trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống là không thể phủ nhận. Không những thế nghệ thuật truyền thống còn làm đẹp tâm hồn, nhân cách con người, giúp người dân Việt hiểu được khí chất Việt.
Chèo, tuồng hay xẩm tuy cách thể hiện khác nhau, với kỹ năng, kỹ thuật nói hát khác nhau nhưng đều là sản phẩm tinh túy của người dân Việt, được “bồi đắp” và phát triển suốt một thời gian dài. Chính vì vậy mà tiếp cận với nghệ thuật truyền thống là tiếp cận với di sản dân gian, di sản văn học suốt một quá trình lịch sử.
Các nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống
Thời gian vừa qua, nhà hát Chèo Việt Nam thường xuyên có những buổi công diễn, giới thiệu nghệ thuật chèo đối với người nước nài cũng như Việt kiều. Nhà hát Chèo cũng vừa ra mắt một vở diễn mới là vở “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật”. Tuy cũng có những ý kiến chưa đồng ý với cách diễn giải trong vở diễn này nhưng nhìn chung công chúng chèo dành lời khen ngợi cho nỗ lực của Nhà hát Chèo trung ương, cho các nghệ sĩ và cho cá nhân Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nan.
Tuồng cũng vừa ra mắt một vở diễn mới vào tháng 10 – vở “Phật hoàng Trần Nhân Tông”. Người chuyển thể kịch bản tuổng là nữ biên kịch trẻ tuổi Từ Hải Thành, còn đạo diễn của vở diễn này là NSND Trần Ngọc Giàu. Vở diễn nhận được nhiều lời khen ngợi của những người xem từ chủ đề, đến cách biểu hiện, diễn xuất và hóa trang của các nghệ sĩ.
Sự quan tâm của khán giả dành cho nghệ thuật truyền thống là tín hiệu đáng mừng
Nghệ thuật xẩm cũng có nhiều hoạt động nổi bật, từ những nhóm nghệ sĩ được nhà nước đầu tư đến những nhóm nghệ sĩ tự do như nhóm Xẩm Hà thành. Nhóm Xẩm Hà thành quy tụ những người yêu nghệ thuật xẩm, trong đó có nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người được cho là học trò xuất sắc nhất của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nhóm Xẩm Hà thành thường xuyên có những hoạt động biểu diễn ở các địa điểm văn hóa. Có thể nói nhóm nghệ sĩ này đã làm việc đầy tâm huyết trong một nỗ lực nhằm phục hồi, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Xẩm Hà thành.
Thông qua một vài hoạt động tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống thời gian vừa qua để chúng ta thấy được rằng, nhờ nỗ lực của các nghệ sĩ mà nghệ thuật truyền thống có thể nói là đang phát triển trở lại với nhiều tín hiệu đáng mừng. Chúng ta hy vọng rằng, trong thời gian tới nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục nhận được những quan tâm của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và đặc biệt là công chúng để hồn Việt được lưu truyền và phát triển mãi mãi.
Quang Đức