Người ‘canh giấc’ những ‘linh hồn bất tử’ – Bài 2: Trả ơn đồng đội
(Sóng trẻ) - Những ngày đến các nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội, chúng tôi lặng người trước sự tận tụy của những người quản trang. Họ lặng lẽ chăm sóc từng phần mộ, thắp nén hương tri ân, gửi gắm bao nhiêu yêu thương và biết ơn tới những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nữ thương binh lặng thầm trả nợ ân tình
Tại nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân (Thường Tín), người ta vẫn thường thấy bóng dáng bà Hoàng Thị Ánh (75 tuổi) - thương binh hạng 4/4, ngồi lặng lẽ bên những hàng mộ, đọc thơ cho đồng đội nghe. Hơn 10 năm qua, bà đã tự nguyện nhận chăm sóc nơi đây như một cách trả ơn những đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc.
Tháng 1/1967, bà Hoàng Thị Ánh lên đường nhập ngũ, mang theo hoài bão cống hiến. Trong chiến tranh, bà bị thương nặng, để lại những vết đau dai dẳng trên cơ thể. Trở về từ chiến trường, mang theo nỗi niềm về sự mất mát, bà luôn đau đáu một tâm nguyện phải tri ân đồng đội.
Năm 2013, khi nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân còn hoang vu, chỉ có vài nấm mộ đơn sơ, bà Ánh đã tình nguyện xin chính quyền địa phương nhận nhiệm vụ quản trang. Bà dọn dẹp cỏ dại, lau chùi từng tấm bia, chăm sóc từng góc khuôn viên. Không dừng lại ở đó, bà còn đề xuất trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan để nghĩa trang có thêm vẻ trang nghiêm và xanh mát.
“Những đồng đội đã hy sinh để tôi được sống. Giờ tôi phải làm gì đó để đền đáp ân tình ấy. Trông nom nghĩa trang là cách để tôi gửi lời cảm ơn tới họ,” bà Ánh bày tỏ.
Dù tuổi cao, sức yếu, vết thương chiến tranh thỉnh thoảng tái phát, bà vẫn không rời nghĩa trang ngày nào. Sau khi xong việc nhà, bà lại ra thắp hương, dọn dẹp từng góc mộ. Bà còn thuộc lòng từng cái tên, từng câu chuyện gắn liền với các liệt sĩ nơi đây, như thể họ vẫn sống mãi trong ký ức bà.
Nhờ sự tận tụy của bà, nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân đã trở thành một “công viên tâm linh” đáng tự hào của người dân địa phương. Nhiều thế hệ trẻ đến đây, không chỉ để tưởng nhớ mà còn để học hỏi từ những câu chuyện của bà – một người đã sống trọn vẹn vì nghĩa tình đồng đội.
“Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là sức khỏe. Tôi chỉ mong có thể tiếp tục chăm sóc nghĩa trang đến lúc không còn đủ sức, và sẽ giao lại cho thế hệ sau tiếp nối,” bà nói, ánh mắt sáng lên niềm kiên định.
Người cựu chiến binh 37 năm trông giấc ngủ đồng đội
Suốt 37 năm qua, ông Nguyễn Khánh Toàn (88 tuổi) - cựu chiến binh và quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên - đã coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Ông không chỉ chăm sóc từng nấm mộ mà còn coi đó như một cách gắn bó với những đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình.
Sinh ra trong gia đình cách mạng, mất mẹ và em trai trong chiến tranh, ông Toàn hiểu sâu sắc cái giá của độc lập. Năm 1967, ông từ bỏ nghề thầy lang, tình nguyện nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Dù mang thương tật nặng, ông vẫn kiên quyết ở lại chiến trường cho đến năm 1976 mới phục viên.
Sau khi xuất ngũ, ông Toàn tình nguyện nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, thay người tiền nhiệm đã già yếu. Nghĩa trang Phú Xuyên khi đó rộng hơn 1 hecta, với hơn 200 phần mộ liệt sĩ, đa số là các chiến sĩ thời chống Mỹ.
Ông Toàn tự tay làm mọi việc từ quét dọn, nhổ cỏ, tỉa cây đến chỉnh trang từng phần mộ. Ban đêm, ông thường ngủ lại nơi đây để các phần mộ “bớt lạnh lẽo”. Những ngày mưa gió, ông vẫn đội mưa thắp hương, nhặt từng cành cây rụng để không gian luôn sạch đẹp.
Không có chế độ hỗ trợ trong nhiều năm, ông Toàn dùng tiền kiếm được từ việc hái thuốc nam bán để mua hương, đèn, hoa quả, sửa sang các phần mộ. Khi được hỏi vì sao không nghỉ ngơi ở tuổi xế chiều, ông chỉ cười: “Đồng đội tôi đã hiến cả tuổi trẻ và mạng sống cho đất nước. Làm sao tôi có thể bỏ mặc họ được?”
Những việc làm thầm lặng nhưng đầy nghĩa tình của ông khiến người dân địa phương cảm phục. Nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên giờ đây không chỉ đẹp mà còn mang đậm dấu ấn của một người cựu binh tận tụy.
Người con nối gót cha giữ nghĩa tình nơi nghĩa trang
Tại xã Cổ Đô (Ba Vì), nhắc đến ông Nguyễn Quang Lai (75 tuổi), người dân đều kính trọng gọi ông là “ông già chăm giấc ngủ cho liệt sỹ”. Với 28 năm gắn bó với công việc quản trang, ông đã tiếp nối tâm nguyện của cha mình, biến nghĩa trang liệt sỹ quê nhà thành nơi linh thiêng, trang trọng.
Năm 1966, ông Lai tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trở về quê hương sau chiến tranh, ông nhận công việc trông coi nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Đô, tiếp nối cha mình – người đã dành cả đời để chăm sóc nơi đây.
Trong suốt gần ba thập kỷ, ông Lai không quản nắng mưa, tự tay quét dọn, chăm sóc từng góc khuôn viên. Hiện nghĩa trang có 263 phần mộ, tất cả đều được ông chỉnh trang sạch đẹp. Để không gian thêm xanh mát, ông tự đi xin cây từ các nhà dân, đề xuất chính quyền mua thêm và tự tay trồng. Đến nay, khuôn viên nghĩa trang có hơn 30 loại cây như tùng, liễu, hoa đại, cau cảnh.
Bên cạnh đó, ông Lai còn trồng hoa mười giờ trước mỗi phần mộ, mang lại sắc màu rực rỡ cho nơi đây. Mỗi ngày, ông dành thời gian lau chùi bia mộ, thay hoa, thắp hương và kể những câu chuyện đầy cảm xúc về đồng đội.
Dù công việc không có chế độ đãi ngộ trong thời gian dài, ông chưa từng nản lòng. “Tôi làm điều này không phải vì tiền, mà vì tình nghĩa với những người đã hy sinh để tôi được sống hôm nay,” ông Lai chia sẻ.
Người dân xã Cổ Đô tự hào khi có một nghĩa trang đẹp và trang nghiêm, nhờ vào công sức của ông. Những dịp lễ, tết, khi người dân đến thắp hương tri ân các liệt sỹ, họ đều không quên dành cho ông những lời cảm ơn chân thành.