Người đàn bà tử tế 11 năm chôn cất hài nhi
(Sóng Trẻ)- Vợ chồng cô Nguyễn Thị Nhiệm (thôn Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) làm công việc thu nhận và chôn cất hài nhi đã 11 năm nay. Công việc của cô hoàn toàn là tự nguyện, thậm chí phần đất chôn các em cũng là đất của gia đình cô. Họ là những người nông dân chân chất, hiền lành. Việc làm của cô hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, từ trái tim yêu thương trẻ em.
11 năm chôn cất hài nhi của đôi vợ chồng nông dân
Đều đặn hàng tuần cô và chồng lại lên trung tâm thành phố, đến những cơ sở y tế để xin hài nhi của các em bị bỏ rơi sau đó đem về nghĩa trang để giữ lạnh và chôn cất các em. Nhìn khu nghĩa trang hài nhi rộng và khang trang ai cũng nghĩ đây là một công trình do các tổ chức cộng đồng hay cơ quan chức năng xây dựng nhưng thực tế khu nghĩa trang này do người dân nơi đây hoàn thành. Họ chỉ là những người nông dân hiền lành, chất phác nhưng họ đã thay xã hội làm một công trình ý nghĩa như trên.
Khu nghĩa trang hài nhi trên phần đất mà gia đình cô Nguyễn Thị Nhiệm quyên tặng
Khi hồi tưởng về quãng thời gian những ngày đầu tiên đi quy tập và chôn cất hài nhi cô Nhiệm tâm sự :“ Khi chứng kiến cảnh nạo phá thai tôi đã không kìm được lòng. Những đứa bé cũng là sinh linh, cũng có khao khát được làm người. Chính vì thế tôi nghĩ rằng mình cần phải chôn cất các em dù không được tươm tất nhưng cũng không để người ta vứt các em ra bãi rác. Những ngày đầu nhiều người cũng bàn tán, dị nghị nhưng đến nay hơn 10 năm người ta hiểu công việc của tôi thì nhiều người cũng tìm đến giúp đỡ”.
Toàn bộ kinh phí xây dựng khu nghĩa trang đều do một tay gia đình cô Nhiệm tự trang trải bên cạnh sự đóng góp của các nhà hảo tâm
Từ những ngày đầu tiên chỉ có 2 vợ chồng cô Nhiệm làm công việc trên nhưng đến nay nhóm thiện nguyện “Bảo vệ sự sống” tại xã Thanh Xuân (Đồi Cốc, Sóc Sơn, Hà Nội) đã có hơn chục người. Họ thầm lặng làm công việc rửa ráy, nâng niu những sinh linh nhỏ bé ở khắp các nơi được mang về đây, giúp các em có được nấm mồ yên ổn để không phải chịu cảnh bị hắt hủi, quăng quật nơi thùng rác bệnh viện.
“Những ngày đầu, chúng tôi thường chôn các em vào trong một chiếc niêu đất, bất kể nhỏ hay to. Nhưng số lượng mỗi ngày một tăng, đất nghĩa trang lại chật, tôi phải cắt một phần đất ruộng của gia đình, xây tường gạch quây lại để có thêm chỗ đón các em. Số lượng thai nhi mỗi ngày được đem về đây cũng khác nhau. ‘Trung bình mỗi ngày có khoảng 15 tới 20 bé, nhưng những ngày thứ 7, chủ nhật con số có khi lên tới 50, 70 em. Lần đỉnh điểm nhất lên tới 3 xe cải tiến, chúng tôi vừa niệm, vừa chôn các em mà ai cũng rấm rứt khóc vì đau xót quá” cô Nhiệm tâm sự.
Chân dung người đàn bà tử tế- cô Nguyễn Thị Nhiệm
Hơn 11 năm làm công việc “ chẳng giống ai” vợ chồng cô đã tiếp xúc với muôn vàn cảnh đời, muôn và câu chuyện. Đối với cô, công việc này không vì mục đích mưu cầu điều gì cho riêng mình. Cô chỉ tâm niệm người sống thế nào thì người chết cũng thế. Người ta luôn tin rằng có một thế giới tâm linh nơi đó vẫn có những đứa trẻ biết khóc, biết cười đang hiện diện song song với thế giới của chúng ta.
Cô Nhiệm cho biết cô làm công việc này hoàn toàn không vì một mưu cầu riêng cho bàn thân. Mong muốn lớn nhất của cô là các em được siêu thoát, được nhanh chóng đầu thai làm người. Vì theo cô “ Không được sinh ra đã là một điều đau khổ. Nhưng sống với sự oán hận những điều đó mới thực sự là khổ đau lớn nhất kiếp người”.
Họ là những người tử tế
Phụ trách công việc trông nom và chăm sóc nghĩa trang bên cạnh vợ chồng cô Nhiệm còn có sự giúp đỡ của người dân địa phương. Họ là những người nông dân chân chất, thật thà nhưng hằng ngày vẫn làm thay công việc của những người có “ địa vị” trong xã hội. Khu nghĩa trang được xây dựng trên mảnh đất mà vợ chồng cô Nhiệm quyên tặng. Bên cạnh đó toàn bộ kinh phí xây dựng cũng do vợ chồng cô một tay lo liệu.
Vài năm trở lại đây khu nghĩa trang được nhiều người biết đến hơn, cũng vì thế mà kinh phí cũng đến phần nhiều từ các nhà hảo tâm nhưng chủ yếu công việc vẫn được thực hiện bởi vợ chồng cô Nhiệm và một vài người dân trong thôn.
Ông Nguyễn Văn Thạo- trưởng ban quản lý Nghĩa trang hài nhi
Cậu Toản ( 18 tuổi) được người dân trong thôn gọi là “cậu” vì Toản có căn cơ, có thể làm việc cõi âm. Cùng với vợ chồng cô Nhiệm, Toản là một trong những người đã gắn bó với công việc trên từ nhiều năm qua, khi cậu mới chỉ 12- 13 tuổi.
Công việc của Toản là trực tiếp chôn cất hài nhi. Hài nhi sau khi được tắm rửa sạch sẽ được cho vào những chiếc tiểu sau đó chôn cất. Toản chính là người tắm và cho đưa các em yên nghỉ trong những chiếc tiểu nhỏ. Công việc này nhiều người cảm thấy “rùng mình” khi nghĩ đến nhưng đối với Toản đây là một việc làm có ý nghĩa.
Toản tâm tự: Từ nhỏ “ cậu” đã có thể nhìn thấy và nói chuyện với người âm. Khi vợ chồng cô Nhiệm xây cất khu nghĩa trang hài nhi, Toản là một trong những người đầu tiên tham gia công việc và gắn bó từ đấy cho đến nay. Cậu tâm sự, mỗi lần chôn cất hài nhi là lại nghe thấy tiếng các em khóc. Các em khóc vì tiếc đời, vì chưa được thành người. Mỗi lần như thế cậu lại dỗ dành các em: “ Các em nan, để anh chôn cất các em cho linh hồn các em mau siêu thoát để được đầu thai. Khi nào rảnh anh sẽ qua nói chuyện với các em”.
Các em thật ra chỉ như những đứa trẻ bình thường đầy đủ cảm xúc. Yêu, ghét, buồn, vui và tất nhiên trẻ con thì rất…hay dỗi. Cho nên chúng thường thấy cô đơn hay chạnh lòng. Vì thế mình phải thực sự khéo léo như đang chăm 1 đứa trẻ con vậy”. Cậu Toản kết lại
Những người như cậu Toản, vợ chồng cô Nhiệm thôn Đồi Cốc bao năm nay vẫn làm những công việc mà ngay cả những người giàu có trong xã hội cũng không làm được. Vốn liếng của họ chính là cái tâm của người tử tế.
Vũ Ninh
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận