Người lính Cụ Hồ trăn trở với nghệ thuật múa rối nước 

(Sóng trẻ) - Có dịp về làng Đào Thục chơi một chiều cuối thu, tôi tìm gặp Đại tá Đinh Thế Văn, người chiến sĩ, người nghệ nhân, người đã viết nên khúc tráng ca của riêng mình, bằng cả máu lửa nơi chiến trường và niềm đam mê bất tận với nghệ thuật múa rối nước truyền thống.

Khói súng và hồn quê

“Kỷ nguyên thứ 20 trọng đại quá, cả thế giới không nước nào bắn được B52, nhưng riêng Việt Nam lại đưa nhiều B52 thành đống sắt vụn, quý quá. Thế nên tôi mới luôn nghĩ rằng những điều đáng tự hào này phải được truyền lửa cho các thế hệ mai sau”, Đại tá Đinh Thế Văn đã bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế.

Chỉnh hàng huy chương trước ngực, người lính về hưu bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu ngoan cường. "Hồi đó nhỏ con lắm, lại mới 16 tuổi, không đủ tuổi nhập ngũ, phải lén gia nhập thanh niên xung phong mới được đi", ông Văn nhớ lại, khuôn mặt hiền hòa bỗng nghiêm nghị hơn.

Từ việc "ốp mìn, phá đá" trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chứng kiến những cảnh tượng ác liệt mà suốt đời không thể nào quên. Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, chiến tranh chống Mỹ cứu nước lại bùng nổ. Ông tiếp tục gác lại việc học, trở lại quân ngũ, chiến đấu trong lực lượng phòng không - không quân. 

Đại tá Đinh Thế Văn bồi hồi nhớ lại lần Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới. (Ảnh: Lưu Hoài) 
Đại tá Đinh Thế Văn bồi hồi nhớ lại lần Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới. (Ảnh: Lưu Hoài) 

Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, với cương vị Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 77, ông trực tiếp chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B52, góp phần làm nên chiến thắng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, khẳng định chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 

“12 ngày đêm đó là 12 ngày đêm bom rơi đạn lửa, tưởng như không thể sống sót. Nhưng chúng tôi đã làm được, đã đánh thắng B52, bảo vệ bầu trời Hà Nội”, ông Văn kể, giọng nói đầy xúc động và tự hào.

Người lính mang hồn quê trở lại

Hạ cặp kính lão xuống bàn, lão Đại tá chậm rãi hồi tưởng: “Năm lên 5 tuổi, tôi đã được cha dẫn vào sau thủy đình, được tận mắt chứng kiến cách người ta điều khiển những con rối nhảy múa trên mặt nước, được chạm vào chúng, cảm nhận được sự tinh xảo, tỉ mỉ trong từng đường nét”. 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước, tình yêu với những con rối đã ngấm vào máu thịt ông Văn từ thuở ấu thơ như thế. 

“Năm đó, tôi trở về quê hương, mang theo bao kỷ niệm chiến trường và ước mong được cống hiến. Nhưng đón tôi không phải là những màn biểu diễn rộn ràng, mà là một thực tế đau lòng: Phường rối 300 năm tuổi của làng Đào Thục đang bên bờ vực mai một. Nhiều nghệ nhân già đã mất, thế hệ trẻ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống. 

Nhìn cảnh ấy, tôi thấy như mất mát một phần tâm hồn mình vậy. Múa rối nước là hồn của làng, là ký ức của cha ông", ông Văn trăn trở.

Với suy nghĩ “không thể để nghệ thuật múa rối nước mai một”, vị lão thành cách mạng bắt đầu cuộc hành trình “giữ lửa” đầy tự hào. Ngày ngày, ông rong ruổi khắp làng trên chiếc xe đạp cũ, vận động bà con, truyền dạy cho lớp trẻ. 

Đôi bàn tay run run xoa nhẹ vào nhau, ông không thôi suy nghĩ: “Công việc ấy không hề dễ dàng. Bởi lẽ, cuộc sống ngày càng hiện đại, giới trẻ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp khác, thu nhập từ múa rối nước lại bấp bênh. Các cháu ở làng bây giờ làm đồ mộc, một ngày có khi được bốn năm trăm, nhưng đi biểu diễn rối nước thì được 50 nghìn cho một lượt biểu diễn, mà các cháu phải trực ở nhà, khi nào có khách đến, khi nào cần biểu diễn là phải biểu diễn được luôn. Điều này rất khó”. 

Nhưng rồi bằng tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng, ông vẫn kiên trì truyền dạy không chỉ kỹ thuật, mà còn cả tình yêu, niềm tự hào về nghệ thuật quê hương. Ông tâm sự: “Mỗi con rối đều mang trong mình hồn cốt của ông cha, là câu chuyện về cuộc sống, về con người Việt Nam, nên mỗi người con của quê hương ít ra phải được xem, được hiểu rồi từ từ yêu lấy nó. Tôi tin là dần dần, những nghệ nhân trẻ sẽ xuất hiện, rồi thổi luồng sinh khí mới cho phường rối, tiếp nối truyền thống của cha ông chúng tôi”.

Người lính Cụ Hồ nói về nghệ thuật múa rối nước bằng tất cả niềm đam mê. (Ảnh: Lưu Hoài)
Người lính Cụ Hồ nói về nghệ thuật múa rối nước bằng tất cả niềm đam mê. (Ảnh: Lưu Hoài)

Không bằng lòng với những gì đã có, nghệ nhân Đinh Thế Văn luôn tìm tòi, thổi hồn thời đại vào nghệ thuật rối nước truyền thống. Năm 1993, ông mạnh dạn viết kịch bản mới, đưa hơi thở cuộc sống đương đại lên sân khấu thủy đình. Nổi bật nhất trong số đó là vở "Điện Biên Phủ trên không", tái hiện lại chiến thắng B52 oanh liệt.

Bồi hồi nhớ lại ngày “khai sinh” ra vở rối để đời, ông kể khi đó có đạo diễn Mạnh Hùng - người làm rối cả 20 năm đang ở nhà ông rèn nghề. Thế nên, ông đã nhờ thêm ông Hùng đạo diễn cùng. Sau khi hoàn thành, cuộc chiến đấu B52 được thể hiện một cách rất oanh liệt. Hình ảnh những chiếc B52 bằng gỗ rơi xuống mặt nước, cùng âm thanh tên lửa, pháo nổ, đã tái hiện lại chiến thắng oanh liệt năm xưa một cách đầy ấn tượng.

Vở rối gần 30 phút, biểu diễn bởi 12 nghệ nhân đã được nhân dân rất yêu chuộng: “Khi ấy, dân làng tận mắt thưởng thức ai nấy đều phấn khởi và tự hào vì trên mảnh đất quê hương họ lần đầu được chứng kiến một tích trò mới và ý nghĩa như thế. Khoảnh khắc khi biểu diễn xong, nghệ nhân ra chào khán giả, lần đầu tôi nghe tiếng pháo tay vang to và dài như thế”. Và rồi cứ mỗi lần biểu diễn, người lính ấy lại vui sướng như vừa bắn hạ tàu bay địch năm nào.

“Tôi muốn cho các cháu biết về lịch sử, về truyền thống anh hùng, và thấy rằng chính nghệ thuật truyền thống cũng có thể trở thành một phương tiện hữu hiệu để giáo dục lịch sử”, người Đại tá kiêm nghệ nhân bộc bạch.

Đến nay, múa rối nước Đào Thục đã hồi sinh, trở thành điểm đến văn hoá hấp dẫn du khách. Một nhóm các nghệ nhân đang tích cực “truyền lửa, truyền nghề” cho các em nhỏ từ 9 tuổi trở lên ở làng, tính đến nay đã có khoảng 30 người thường xuyên tập luyện và biểu diễn. Nhưng trong lòng ông Văn vẫn đầy trăn trở: "Múa rối nước cần được ‘tự nuôi sống’ bản thân, để nghệ nhân có thể yên tâm theo nghề. Làm sao để giới trẻ yêu nghề, trân trọng di sản, để rối nước có thể vươn ra thế giới?". 

Ông chia sẻ những khó khăn về kinh tế, về việc cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại, và tha thiết mong muốn nhà nước, chính quyền và cộng đồng quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, để nghệ thuật truyền thống này được bảo tồn và phát triển bền vững.

Người lính Cụ Hồ nói về nghệ thuật múa rối nước bằng tất cả niềm đam mê. (Ảnh: Lưu Hoài)
Người lính Cụ Hồ nói về nghệ thuật múa rối nước bằng tất cả niềm đam mê. (Ảnh: Lưu Hoài)

3 tháng cuối năm 2024, phường rối Đào Thục thường xuyên biểu diễn vào các buổi chiều phục vụ du khách thập phương. (Ảnh: Lưu Hoài)

Cuộc nói chuyện với người lính Cụ Hồ khép lại bằng cái bắt tay thân ái của thế hệ lão thành cách mạng với lớp trẻ đi sau. Từ cuộc đời riêng của một người lính trở về với niềm đam mê nghệ thuật quê hương, câu chuyện của Đại tá Đinh Thế Văn gắn liền với trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hoá nói chung và rối nước nói riêng. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN