Nguyễn Hữu Ngôn - Hành trình góp nhặt những dấu xưa
Hoạt động và theo đuổi lĩnh vực xuất bản đã nhiều năm, Nguyễn Hữu Ngôn lại được nhiều người nhớ tới với danh xưng khác - người sở hữu “bảo tàng mini”. Hiện tại, trong kho tàng của mình, ông có trên hàng ngàn cổ vật từ các nông cụ sản xuất, vật dụng hàng ngày tới bộ sưu tập đồng hồ, tem phiếu… hiếm có và được lưu giữ cẩn thận.
Sợi dây gắn bó đặc biệt
Cơ duyên bắt đầu hành trình hơn 30 năm “lượm lặt” của Nguyễn Hữu Ngôn không phải bất chợt mà tới. Nó được khơi gợi và bồi đắp ở những kỉ niệm xưa cũ, đặc biệt ảnh hưởng từ dấu ấn đậm nét của người bố.
Nguyễn Hữu Ngôn lớn lên trong vô vàn kiến thức từ một người cha có niềm đam mê mãnh liệt với những di sản văn hóa dân tộc. Từ nhỏ ông đã có cơ hội tiếp xúc và làm bạn với những hiện vật để rồi từ tò mò tới yêu thích rồi ngày càng trân trọng chúng. Trong bộ sưu tập đồ sộ mà ông đang sở hữu, ông cũng may mắn được thừa kế lại nhiều hiện vật hiếm có từ bố mình.
Sau này, khi đã trót lỡ “phải lòng” với những hiện vật độc đáo ấy, ông bắt đầu dấn thân vào con đường tìm hiểu và sưu tầm. Những cổ vật cứ thế mà đến với ông theo nhiều cách khác nhau. Dù chỉ bằng số lương chẳng mấy dư dả của một công chức nhưng hành trình rong ruổi khắp các miền quê, ngõ xóm vẫn chưa một ngày ngừng lại.
“Có những món, tôi xin thì người dân cho luôn, nhưng cũng có món tôi phải mất rất nhiều thời gian và cả tiền của để thuyết phục và sở hữu được. Mỗi lần mang về được một đồ là quý, là đáng lắm”
Dù có những lần vấp phải sự phản đối và đánh giá của những người xung quanh, ông vẫn kiên tâm vững vàng với đam mê của chính mình. Vì ở đó, đối với ông, những giá trị đích thực bên trong mỗi đồ vật là sự sống còn mãi mãi với thời gian, không thể thay thế.
Lắng nghe thanh âm những dấu xưa
Trong sợi chỉ thời gian nối dài của một đời người, hơn phân nửa Nguyễn Hữu Ngôn dành ra để tìm kiếm và nhận biết điều đặc biệt ẩn sâu trong những thứ tưởng chừng vô tri vô giác ấy. Từ những đồ vật tưởng chừng “bỏ đi” lại ánh hiện một câu chuyện giai thoại về một nền văn hóa xưa đầy đặc sắc.
Xuất thân từ làng quê, từng trải cuộc sống lao động nông thôn, Nguyễn Hữu Ngôn có niềm say mê với các hiện vật liên quan tới cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của người dân. Các hiện vật đều được sắp xếp thành các khu riêng biệt như về nghề nông, về lao động sản xuất, các công cụ đánh bắt, bảo quản và chế biến… Đồng thời, những đồ vật gắn với cuộc sống dung dị thường ngày đều được sưu tầm gần như là đầy đủ. Các hiện vật như tái hiện lại khung cảnh, mang lại hơi thở của nhịp sống thực của các gia đình Việt ở các giai đoạn lịch sử.
Câu chuyện về chiếc quạt thóc ngày xưa được ông kể lại một cách say mê. Chiếc quạt thóc tưởng chừng đơn giản nhưng lại cho thấy những tiến trình phát triển nông cụ của nhân dân ta trong thời kỳ xưa. Để khắc phục nhược điểm khi chỉ dựa vào sức gió, nhân dân sáng tạo nên chiếc quạt thóc có sức chứa lớn hơn, mà ngày nay hay gọi là quạt thùng. Đặc biệt là chi tiết về chiếc khóa có hình con chuột - một trong mười hai con giáp, hay gắn liền với việc ăn thóc.
“Mỗi đồ vật cho thấy những sự thú vị trong đời sống. Nhân dân ta không chỉ thông minh trong việc sáng tạo nên công cụ lao động mà còn rất dí dỏm, hài hước trong cuộc sống. Nếu không có những hiện vật ấy, ta sẽ ít nhiều không thể hình dung hay khám phá ra được những điều này” - Ông chia sẻ
Bên cạnh đó, ấn tượng nhất phải kể đến bộ sưu tập đồng hồ đến từ nhiều nơi trên thế giới và bộ sưu tập các con tem hiếm nhiều thời kỳ. Với Nguyễn Hữu Ngôn, chúng đều mang một giá trị “sống” thuộc về văn hóa không thể lãng quên. Mỗi chiếc đồng hồ là hiện thân của con người và của một nền văn hóa khác nhau. Con số, chạm khắc, khung giờ… trên một chiếc đồng hồ gợi mở thêm nhiều những hiểu biết đặc biệt. Với các con tem, nó lại là nhân chứng sống cho những thời kỳ đã qua của đất nước. Thời kỳ khi những tem phiếu còn thịnh hành và gắn bó xuyên suốt với các dấu mốc quan trọng của dân tộc
Hơi thở của lịch sử, câu chuyện của văn hóa ẩn sâu trong những vật dụng tĩnh lặng, để rồi vang vọng lên thanh âm thời đại. Và Nguyễn Hữu Ngôn may mắn trở thành người lắng nghe và nắm bắt cái hồn cốt ấy.
Hành trình không ngừng nghỉ
Hiện vật giờ đây không còn chỉ là “món quà” may mắn được nhận của riêng Nguyễn Hữu Ngôn nữa mà hơn cả là những hiện thân văn hóa chung. Chính vì thế, ông đã hiến tặng các hiện vật của mình cho các bảo tàng trên đất nước như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa,.... Với ông, đó là cách để lưu giữ tốt nhất cũng như phát huy được giá trị sống còn của những hiện vật đó.
Người đàn ông đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, giờ đây chọn nếp sống bình lặng hơn nhưng chưa bao giờ mảy may suy nghĩ về việc kết thúc hành trình hơn 30 năm qua vẫn đang theo đuổi.
“Có khá nhọc, có gian lao, có đổ mồ hôi, có đổ cả máu xương, có thể phải đánh đổi cả những đam mê khác để giữ lại đam mê chân chính này thì tôi vẫn sẽ làm, làm như một tình yêu đã được đốt cháy từ lâu. Tôi vẫn sẽ giữ cho mình một ngọn lửa ấm để truyền tới cho những thế hệ sau.”
Năm tháng cứ đằng đẵng trôi, tóc đã chớm màu hoa niên nhưng tâm hồn ông thì vẫn rực cháy và tha thiết với đam mê. Để rồi có lẽ hết một đời vẫn là một lòng một dạ với những dấu xưa.