Nhà báo phải biết tự mình phòng và chữa bệnh

(Sóng trẻ) - Có những căn bệnh nghề nghiệp tự nhiên hình thành trong quá trình hoạt động của nhà báo. Cần thiết phải nhận ra những bệnh đó và rèn luyện những điều cơ bản để phòng và chữa bệnh.

Bất cứ một nghề nghiệp nào, dù ít hay nhiều cũng đều mắc một số bệnh nghề nghiệp. Nó tự nhiên hình thành trong quá trình hoạt động. Báo chí cũng không nại lệ. Với những gì đã thấy, đã biết sau 20 năm làm báo và 10 năm làm công tác hội, tôi xin phép mạo muội chỉ ra những căn bệnh thường thấy ở người làm báo. Nếu có gì chưa đúng mang tính võ đoán thì xin các đồng chí thông cảm:

Bệnh trịch thượng: Coi nghề nghiệp của mình như một thứ quyền lực mà mọi người phải sợ. Ngòi bút, con chữ của mình như là viên đạn, mũi tên, có thể đẩy người này lên cao và có thể hạ người kia xuống đến tận cùng trong dư luận xã hội, từ đó dẫn đến thái độ trịch thượng trong khi tác nghiệp. Là nhà báo anh phải hiểu rằng nghề báo cũng như mọi nghề khác. Nó cũng chỉ là một mắt xích trong sự vận hành của xã hội. Vinh dự của những người làm báo là được đi nhiều, biết nhiều, quan hệ với nhiều đối tượng, nhiều thành phần, nhiều giai tầng trong xã hội; anh được nói, được viết và được nhiều người biết đến thông qua tác phẩm của mình. Nhưng lợi thế đặc thù ấy không phải là cái để anh tự đặt mình lên trên thiên hạ, tự cho anh cái quyền phán xét, bất chấp những qui định được ràng buộc bởi đạo đức và pháp luật. Ví dụ, anh có quyền yêu cầu làm việc với bất cứ cơ quan, đối tượng nào không nằm trong vùng cấm của pháp luật, nhưng những yêu cầu đó phải được báo trước. Anh có quyền yêu cầu mọi người cung cấp thông tin nhưng những thông tin mà anh yêu cầu phải đúng với thẩm quyền, đúng với ngành nghề và sự hiểu biết của người được yêu cầu cung cấp thông tin. Có một số nhà báo, kể cả báo TƯ khi đến cơ sở thì thái độ của họ giống như kẻ ban ơn, đòi hỏi, vòi vĩnh. Thái độ như vậy là trịch thượng, là vi phạm 9 điều qui định đạo đức người làm báo, là thiếu tế nhị trong hành vi ứng xử giao tiếp. Nhà báo mà mắc bệnh trịch thượng thì thường mắc luôn chứng bệnh vô nguyên tắc, thiếu kỉ luật lao động...

Bệnh sính chữ: Dùng những câu, từ "giật gân", khêu gợi sự tò mò không đáng có, thậm chí là không đúng với bản chất của sự kiện, sự việc. Nói quá "độ" cần nói. Thích dùng những từ không đại chúng, khó hiểu hay nói cách khác là thích khoe chữ. Ai cũng biết nhà báo là người "văn hay, chữ tốt" và từ đặc thù nghề nghiệp đã làm cho nhà báo có một thói quen hay trau chuốt câu từ. Điều này không có gì sai nhưng anh nên nhớ rằng thông tin báo chí là thông tin đại chúng. Đối tượng tiếp nhận thông tin của báo chí không phải chỉ ở giới trí thức mà còn nhiều thành phần, nhiều đối tượng với trình độ cũng như sự hiểu biết không giống nhau, vì vậy, thông tin báo chí phải được mọi người tiếp nhận và hiểu thì mới có hiệu quả và tác động tích cực. Nếu người tiếp nhận thông tin không hiểu thì thông tin đó chẳng có ích gì. Thậm chí sẽ còn nguy hại hơn nếu họ hiểu sai, hiểu lệch. Bệnh sính chữ còn ở chỗ nhà báo hay sính dùng tiếng nước nài trong khi tiếng Việt của ta không phải là không có. Nhà báo mà mắc bệnh sính chữ thường nói năng ba hoa, thiếu chiều sâu và cạn nghĩ. Điều này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã chỉ cho nhà báo từ rất lâu rồi. Nay trong khuôn khổ hội thảo nói về đạo đức người làm báo, tôi chỉ xin được phép nhắc lại để chúng ta cùng suy ngẫm.

Bệnh hời hợt: Biểu hiện của căn bệnh này là nhà báo thường cho rằng cái gì mình cũng biết, cũng hiểu nên thiếu sự tỉ mỉ, thận trọng trong khai thác, tiếp nhận và xử lý thông tin; nhà báo mắc phải bệnh hời hợt thì thường là những tác phẩm của họ thiếu chiều sâu, cái cần thì không nói còn cái nói thì mỗi mình nhà báo cần; nói không đến nơi đến chốn hoặc nói quá dài. Chính vì hiểu không thấu đáo lại hời hợt trong quá trình khai thác, tiếp nhận thông tin nên dẫn đến những căn bệnh khác đó là bệnh nửa vời thiếu tính định hướng trong thể hiện thông tin; bệnh suy diễn chủ quan, sao chép. Đi liền với hời hợt là sự thiếu trách nhiệm với tác phẩm của mình, làm cho có, còn hay dở gì thì cũng mặc. Nhà báo mắc bệnh hời hợt thường thiếu tâm với nghề, không chịu học hỏi, rập khuôn, lười sáng tạo...

Bệnh lệch thị: Môt số nhà báo thì chỉ chuyên nhìn vào mặt trái xã hội mà thiếu đi cái nhìn toàn diện. Nên nhớ rằng, qui luật của sự vận động và phát triển bao giờ cũng chứa đựng trong nó cái tốt và cái xấu. Nếu chỉ nhìn vào mặt xấu, tất yếu nhà báo đó sẽ chỉ thấy toàn thói hư tật xấu, toàn là tiêu cực. Vì chỉ chú tâm nhìn về mặt xấu, quan tâm phản ánh cái xấu nên trong quá trình tác nghiệp, nhà báo ấy sẽ vô tình phủ nhận cái tốt, cái điển hình, cái tích cực; nặng tính đa nghi, chỉ biết chê mà không biết khen. Nhà báo mà bị lệch thị lâu ngày, tất yếu sẽ dẫn đến trạng thái mất cân bằng trong tư duy, dần dần mất niềm tin rồi bất mãn, tiêu cực.

Bệnh nghễnh tai: Đây là căn bệnh mà biểu hiện rõ nét nhất là chỉ nghe một chiều mà thiếu đi sự thẩm định cần thiết khi thông tin trên báo chí. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của báo chí đó là thông tin trung thực; muốn thông tin trung thực thì nguồn thông tin đó cần phải được thẩm định trước khi đưa lên mặt báo. Thực tế, trong quá trình tác nghiệp có không ít nhà báo mắc chứng bệnh nghễnh tai, chỉ nghe phong thanh một chiều đã vội vàng viết báo mà không cần biết mức độ chính xác thông tin đó như thế nào; độ tin cậy thông tin đó đến đâu. Thường nhà báo mắc bệnh nghễnh tai thì tác phẩm của họ thiếu độ chính xác cần thiết. Khen thì quá mức, chê thì quá lời. Bệnh này mà trầm trọng thì sự không trung thực, hoặc thiếu trung thực của tác phẩm báo chí là điều tất yếu. Bệnh nghễnh tai thường đi liền với nó là bệnh suy diễn, chủ quan, ngộ nhận, hời hợt và ba phải... Nhà báo mà mắc bệnh nghễnh tai thì rất dễ bị người khác lợi dụng hoặc bị chơi khăm theo kiểu "gậy ông đập lưng ông".

Dĩ nhiên, không hẳn nhà báo nào cũng mắc phải những căn bệnh nói trên. Tùy theo sự dày công rèn luyện mà mức độ nhiễm bệnh ở mỗi người có sự khác nhau. Tuy nhiên, dù nhiễm ít hay nhiễm nhiều, thì những căn bệnh nói trên cũng đều gây ra những tác hại trong hoạt động báo chí, nó làm giảm sút vai trò, uy tín của báo chí trong quan hệ ứng xử và niềm tin của công chúng. Báo chí muốn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì theo tôi, trước hết mỗi nhà báo phải tự mình phòng và trị bệnh, phải loại bỏ cho bằng được những căn bệnh nói trên. Làm được điều đó cũng có nghĩa là nhà báo đã học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Để tự mình phòng và chữa bệnh thì theo tôi nhà báo chúng ta phải tự mình rèn luyện những điều cơ bản như sau:

1. Lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân

Lòng trung thành ấy không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động, bằng việc làm cụ thể. Đối với nhà báo, hành động ấy, việc làm ấy phải được thể hiện bằng những bài viết đảm bảo tính khách quan, trung thực, định hướng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cương quyết chống lại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Một nhà báo Cách mạng mà không thường xuyên rèn luyện lòng trung thành với Tổ quốc, với giai cấp thì tư tưởng dễ bất an, dao động, thiếu bản lĩnh... khó phân biệt thực giả.

2. Lòng tự trọng

Lòng tự trọng của một công dân Việt Nam, lòng tự trọng của một người làm báo Cách mạng, cương quyết không để ai có quyền xúc phạm đến danh dự quốc gia, dân tộc; không ai được quyền xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp thiêng liêng của mình. Nhà báo mà không tự mình thường xuyên rèn luyện lòng tự trọng thì dễ dẫn đến sự coi thường của chính mình đối với chính nghề nghiệp của mình; dẫn đến sự hời hợt, thiếu trách nhiệm đối với chính tác phẩm của mình và dễ bị sa ngã vào sự cám dỗ của cuộc sống đời thường.

3. Tính thận trọng

Một bác sĩ thiếu thận trọng có thể gây chết người; một người làm án thiếu thận trọng có thể gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, còn một người làm báo mà thiếu thận trọng thì có thể sẽ gây hại cho đối tượng phản ánh, cho dân, cho nước, thậm chí là cho chế độ (trích bài viết của nhà báo Lê Văn Thiềng - Trưởng Ban Công tác hội Hội Nhà báo Việt Nam). Rèn luyện tính thận trọng là yêu cầu số một trong nguyên tắc và đạo đức hành nghề của mỗi một nhà báo. Một nhà báo mà không tự mình thường xuyên rèn luyện tính thận trọng thì dễ dẫn đến sự qua loa, chiếu lệ, cẩu thả trong tác nghiệp và tất nhiên những thông tin mà anh ta chuyển tải đến cho công chúng cũng khó mà đảm bảo được tính khách quan, trung thực.

4. Sự khiêm tốn

Báo chí phản ánh hiện thực xã hội mà hiện thực xã hội thì luôn vận động và phát triển, vì vậy một nhà báo giỏi là một nhà báo nhận thức được rằng mình luôn ở điểm xuất phát của nghề nghiệp. Nên nhớ rằng, một bài báo hay của ngày hôm nay, chưa chắc đã là một bài báo hay của ngày mai. Nếu chúng ta không nhận thức rõ điều này thì sẽ dẫn đến sự tự kiêu, tự mãn, và sẽ đánh mất mình. Một nhà báo mà thiếu đi sự khiêm tốn thì tất yếu sẽ không còn cầu tiến, không ham học hỏi, xem thường việc nghiên cứu và không ai khác chính bản thân nhà báo sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo - một trong những yêu cầu rất cần thiết trong lao động sáng tạo tác phẩm báo chí.

5. Bình tĩnh và bản lĩnh

Nhà báo cần có "một trái tim nóng và một cái đầu lạnh". Với đặc thù công việc của mình, hàng ngày nhà báo phải nghe ngóng, săn tìm, thu nhận rất nhiều nguồn thông tin từ nhiều đối tượng khác nhau. Nếu nhà báo không rèn luyện cho mình có được "một cái đầu lạnh" thì sẽ dẫn đến tình trạng bối rối, không phân biệt rõ ràng mức độ quan trọng, mức độ đáng tin cậy của thông tin, từ đó rất khó trong việc chọn lọc, xử lý thông tin trước khi sáng tạo tác phẩm báo chí và dĩ nhiên sự tự tin, bản lĩnh của nhà báo cũng sẽ không còn.

Là một nhà báo rất yêu nghề, tự mình nghĩ ra những điều hết sức cụ thể mà mình phải nghiêm túc, phấn đấu thực hiện trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và tôi thấy rằng việc rèn luyện những phẩm chất đó hoàn toàn không khó nếu nhà báo của chúng ta có một cái tâm thực sự trong sáng.

Lê Văn Tòa
UVBCH Hội Nhà báo Việt Nam

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN