Nhà báo Việt Nam hiện đại: chữ tài phải song hành cùng chữ tâm

(Sóng Trẻ) - Trước những đổi thay của thời cuộc, chỉ những nhà báo thực sự có tài năng, lương tâm và nhiệt huyết mới có thể trụ vững trong nghề. Và chỉ đến khi xây dựng được một đội ngũ những người làm báo có“mắt sáng, lòng trong, bút sắc”  thì nền báo chí Việt Nam mới có thể trở nên chuyên nghiệp, đạo đức và nhân văn hơn. Mục tiêu thì đã rõ, nhưng làm thế nào để đào tạo nên các thế hệ nhà báo vừa có tâm, vừa có tài? Diễn đàn trẻ đang sẵn sàng chờ đợi ý kiến của bạn?

Nhà báo chuyên nghiệp làm nên nền báo chí chuyên nghiệp

Hiện nay, cả nước có bốn trung tâm đào tạo báo chí là: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ; Khoa Ngữ văn - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và khoa Ngữ văn - Đại học Khoa học Huế đào tạo cử nhân báo chí. Cả bốn cơ sở  đào tạo trên hàng năm đều cho ra đời hàng trăm cử nhân báo chí.



Tuy nhiên, bài viết của tiến sĩ Nguyễn Đức An đăng trên Tuần Việt Nam (www.tuanvietnam.net) có đưa ra một con số khá ấn tượng: Năm 2005, 75% trong số hơn 13.000 nhà báo được cấp thẻ ở nước ta chưa qua một lớp đào tạo nào về báo chí. Họ vừa làm vừa học, họ học từ đồng nghiệp, từ người đi trước, tức là chủ yếu học qua kinh nghiệm. Thi thoảng cũng có những lớp đào tạo bồi dưỡng dành cho đối tượng nhà báo này nhưng thực sự là “như muối bỏ bể”.

Như vậy, tương đương với con số trên là % các nhà báo thiếu đi kiến thức chuyên ngành, thiếu đi hệ thống tri thức nền tảng. 75% nhà báo không được đạo tạo chuyên nghiệp thì nền báo chí đó có trở thành nền báo chí chuyên nghiệp không?

Một nền báo chí chuyên nghiệp trước hết phải có những nhà báo chuyên nghiệp. Đó là những nhà báo nài khả năng viết bẩm sinh còn phải nắm được những kiến thức chuyên ngành.

Tuy nhiên, những kiến thức trên phần nhiều là khá trừu tượng, vì vậy đi liền với những bài học về lý thuyết phải là những bài tập thực hành hết sức cụ thể, lý thú và sinh động. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bên cạnh kỳ thực tế cuối năm thứ ba và kỳ thực tập cuối năm thứ 4, sinh viên báo chí thường thực hành gắn với từng môn học, từng chuyên đề.

Và đối với các em, những buổi thực hành thường là những buổi học lý thú nhất, bổ ích và hiệu quả nhất. Bởi đây không chỉ là sự làm rõ những vấn đề mà lý thuyết đã nêu như: bài học về cách quan sát, cách đặt câu hỏi, cách phỏng vấn mà còn là những bài học sâu sắc và ấn tượng về nghề như bài học về cách cư xử sao cho văn minh, lịch sự mang tác phong của một nhà báo.

Nhà báo chuyên nghiệp là nhà báo còn phải hiểu luật pháp mà trước hết là Luật Báo chí. Có một thực tế là hiện nay ít có toà soạn nào ở Việt Nam đặt ra yêu cầu là nhà báo tại cơ quan mình phải hiểu Luật Báo chí. Trong các kỳ tuyển dụng phóng viên họ cũng chẳng coi đây là một tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, đây lại là khối kiến thức hết sức cần thiết phải được mài giũa và quan tâm đúng mức bởi nhà báo mà không hiểu Luật Báo chí thì sẽ tác nghiệp như thế nào?

Cần đề cao hơn nữa đạo đức và tính nhân văn của người làm báo

Một nền báo chí chuyên nghiệp không thôi thì chưa đủ, nền báo chí đó còn  phải nhân văn và đạo đức. Báo chí có chức năng tạo dựng và định hướng dư luận, vì vậy nó có trách nhiệm rất lớn trong xã hội. Tính nhân văn của báo chí yêu cầu báo chí phản ánh cuộc sống chân thật và góp phần tạo dựng một dư luận xã hội lành mạnh, vì sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững của đất nước.

Ngòi bút của nhà báo dù dùng để phê phán, đấu tranh với những mặt trái, tiêu cực của xã hội hay là tôn vinh, khen ngợi thì cũng phải nhân văn. Bởi vì dù phê phán, đấu tranh không khoan nhượng đối với cái xấu hay tôn vinh những vẻ đẹp của con người trong xã hội thì đều nhằm mục đích vì con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, thúc đẩy xã hội phát triển.



Tính nhân văn mong muốn những người viết báo có trách nhiệm hết lòng cổ vũ, nhân lên cái tốt, chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác, cái phản bội, hướng ngòi bút của mình phục vụ người lao động, ủng hộ, khuyến khích người khó khăn, có số phận rủi ro…

Nhiều khi do vô tình hoặc cố ý mà nhà báo đã biến ngòi bút vốn có thiên chức là làm lành mạnh xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển- tức là ngòi bút nhân văn phục vụ con người, thành một thứ ngòi bút gây đau khổ cho con người. Nhiều hậu quả đau xót xảy ra làm những nhà báo có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp phải giật mình nhìn lại bản thân, nhìn lại nghề của mình.

Một số nhà báo có những lúc tự huyễn hoặc về vị thế nghề nghiệp, nên nhiều khi tự cho mình cái quyền muốn nói gì thì nói, viết những bài gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Luật pháp không cho phép; lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép nhưng do sự buông lỏng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp nên họ cứ điềm nhiên làm điều đó.

Có những vi phạm của báo chí luật pháp xử lý được, nhưng cũng có những cái chỉ lương tâm, đạo đức phán xét mà thôi. Có thể nói, dù ở xã hội nào đạo đức cũng giúp duy trì và ổn định xã hội, tạo ra sức mạnh và sự cân bằng trong cộng đồng. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức chung còn có những nguyên tắc, chuẩn mực riêng cho từng xã hội, từng lĩnh vực hoạt động trong từng thời kỳ lịch sử.

Nhà báo không chỉ cần lòng tốt như những người bình thường mà trong từng tình huống cụ thể anh ta phải biết cách cư xử sao cho đúng với các nguyên tắc chuẩn mực nghề nghiệp. Tức là nhà báo cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định về cách xử sự trong các mối quan hệ giữa nhà báo với nhà báo, giữa nhà báo với các mối quan hệ xung quanh mình. Khi báo chí trở thành một hoạt động mang tính xã hội thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng được bàn tới.

Từ cuối thế kỷ XIX, các nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…đều bắt đầu xây dựng cho riêng mình những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp. Đến nay đã có khoảng hơn 100 nền báo chí có quy ước bằng văn bản được thông qua bởi đại hội nghề nghiệp và mặc nhiên thừa nhận khi nhà báo hành nghề.

Được biết nhiều nhất là bản “Những nguyên tắc quốc tế và đạo đức nghề nghiệp báo chí” do OIJ khởi thảo và được UNESCO công nhận. Thậm chí, có những cơ quan báo chí còn xây dựng riêng bộ quy ước nhằm định hướng đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo trong toà soạn của mình như Bộ Quy tắc Đạo đức dành cho phòng biên tập và thời sự của The New York Times (Mỹ), ban hành tháng 1/2003.

Ở Việt Nam, năm 1994, Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua “Bản quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam”. Đến Đại hội lần thứ 8 (2007) Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉnh lý và sửa đổi thành 9 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”.

Có một thực tế đáng tiếc là, trong thời gian qua, một bộ phận nhà báo Việt Nam “đức không trong, tâm không sáng” đã quên mất vị trí ngòi bút cách mạng của mình, họ cũng quên mất trách nhiệm khách quan, tôn trọng sự thật của nhà báo, tự cho phép mình bẻ cong ngòi bút…

Những nhà báo này dựa vào mặt trái của kinh tế thị trường để làm việc sai trái, trở thành người cầm bút thiếu nhân cách, vào hùa với thế lực xấu để biến trắng thành đen, biến phải thành trái, làm đảo lộn sự thật, làm hoang mang dư luận. Đặc biệt, những bài viết không trung thực của họ đã dựng nên những tấm bình phong bằng công luận nhằm che chắn cho hàng loạt những hành vi sai trái, tội lỗi.

Sinh viên báo chí sẽ là những nhà báo trong tương lai của mỗi nền báo chí, vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường rất cần có sự quan tâm giáo dục về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Và công việc này cũng quan trọng không kém việc đạo tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các em.

Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức cho sinh viên báo chí là một công việc lâu dài. Vậy, liệu đây có phải là nhiệm vụ của riêng thầy cô nào, của riêng môn học nào? Phải chăng chỉ khi được học môn “Đạo đức nghề nghiệp và luật báo chí” thì sinh viên mới được biết về đạo đức nghề nghiệp, hay là tất cả các môn học chuyên ngành đều cần phải lồng ghép nội dung này vào bài giảng bằng những ví dụ, những hiện tượng tiêu biểu liên quan đến môn học của mình?

Tiếp đến, các cơ quan báo chí nơi có sinh viên ra thực tế, thực tập nài việc tạo điều kiện, sự quan tâm để các em có thể luyện nghề thì cần có cơ chế giám sát, quan tâm tới rèn nghề, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các em như thế nào?

 Để báo chí Việt Nam trở thành một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và đạo đức đòi hỏi sự chung vai góp sức của nhiều người. Đó không phải là công việc riêng của những người làm công tác đào tạo báo chí, cũng không phải là trách nhiệm của riêng các cơ quan báo chí hay các cơ quan chủ quản báo chí. Đó là trách nhiệm của nhiều người, trong đó vai trò định hướng của cơ quan quản lý báo chí và của Hội nhà báo cũng đặc biệt quan trọng.

Trong phạm vi của diễn đàn này, chúng tôi chỉ muốn bàn về những biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa cho việc đào tạo cả về chuyên môn và đạo đức cho sinh viên báo chí. Việc dạy và học cần thay đổi như thế nào để truyền đạt được cho các nhà báo tương lai những kiến thức nghiệp vụ và những quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách hiệu quả hơn? Làm thế nào để sau này khi đã trở thành nhà báo, các bạn vừa có thể phát huy được tài năng, vận dụng hết kiến thức của mình, mà vẫn giữ được lương tâm và đạo đức của người làm báo?

Nếu bạn là người quan tâm đến nghề báo, đến sự phát triển của nền báo chí nước nhà, xin hãy đóng góp ý kiến cho Diễn đàn trẻ của chúng tôi để cùng chung tay xây dựng một nền báo chí Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, đạo đức và nhân văn.

 

                                                                                                                 Diễn đàn trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN