Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: “Tôi viết về văn hóa khác với Phan Kế Bính”
(Sóng trẻ) - Sáng 6/1, tại trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền) đã diễn ra buổi tọa đàm “Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỉ 19 –20” nhân dịp ra mắt cuốn sách Tập tục đời người (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt nam thế kỉ 19-20) của tác giả Phan Cẩm Thượng. Buổi tọa đàm do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức.
Tọa đàm có sự tham dự của tác giả cuốn sách – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử (Viện Tôn giáo), điều phối viên Mai Anh Tuấn cùng đông đảo công chúng, độc giả thủ đô. Các diễn giả đã làm rõ về những nội dung cuốn sách đề cập đồng thời đi sâu bàn luận về phong tục, tập quán của người Việt xưa
Các diễn giả của buổi tọa đàm
Cuốn sách “Tập tục đời người” (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20) là cuốn sách thứ hai trong bộ sách về lịch sử văn hóa thường ngày của người Việt do Phan Cẩm Thượng biên soạn gồm bốn quyển. Trước đó, năm 2011, ông đã xuất bản cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”. Hai cuốn sách còn lại là “Mày là kẻ nào?” (dự kiến xuất bản năm 2020) và “Thế kỷ 19 – Việt Nam” (dự kiến xuất bản năm 2022).
“Tập tục đời người” chủ yếu nói về người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20 trong quan hệ cộng đồng. Đây là thời kỳ chứng kiến những biến đổi sâu sắc trong xã hội khi nền tảng phong kiến bước vào giai đoạn đi xuống và sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản. Người nông dân làng xã trong xã hội ấy cũng phải thay đổi theo những lề thói mới. Sự va đập giữa cái mới và cái cũ trong văn hóa của tầng lớp dân cư bản địa cũng là một nội dung được tác giả chú ý khắc họa.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, tác giả Phan Cẩm Thượng cho biết: “"Công trình của tôi không phải là công trình khảo cứu về tập tục bởi điều này ông Phan Kế Bính đã làm một thế kỷ nay, cũng đã khá chuẩn mặc dù có thể chúng ta còn phải bàn thêm nhiều điều. Và điều tôi muốn bàn ở đây là: Con người Việt Nam sinh ra, sống và phát triển trong những tập tục như thế nào".
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trả lời câu hỏi độc giả
Ông cũng cho biết thêm: "Tôi dẫn ra các tập tục của người Mường, người Thái, người Nùng là vì tôi đã sống với họ, kiểm nghiệm bằng các kinh nghiệm thực tế nên tôi mới ghi vào đây". Đó là điểm khác biệt so với mô hình của các bậc học giả trước như Phan Kế Bính, Toan Ánh,... bởi ông đã có những trải nghiệm cá nhân trong việc khắc hoạ, mô tả bất kì một tập tục nào".
Độc giả trẻ đặt câu hỏi cho diễn giả
Một người dân làng "chém lợn" Ném Thượng góp ý về cuốn sách
Trả lời phỏng vấn về cuốn sách, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: " Ân tượng đầu tiên của tôi là sức lao động nghiêm túc, công phu của tác giả. Phải nói thật là tôi rất khâm phục ông vì đã tự mình lựa chọn con đường đi vào nghiên cứu đời sống tinh thần, văn hoá của người Việt. Thứ hai đó là cuốn sách này hệ thống hoá lại những tài liệu, giả thiết của các nhà nghiên cứu trước và phát triển thêm nhiều điều mới nhờ trải nghiệm cá nhân của ông Phan Cẩm Thượng, do đó người đọc có thể hiểu được rõ về những tập tục, đời sống văn hoá tinh thần của người nông dân việt Nam mà không cần đọc những cuốn sách trước. Đây không chỉ là một ấn phẩm đẹp, công phu mà còn thực sự là một cuốn sách có giá trị".
Thùy Trang - Thu Phượng
Cùng chuyên mục
Bình luận