Nhớ một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Sóng Trẻ) - Tháng 7/2007, tôi tham gia Ban Tổ chức cuộc đua xe đạp về Trường Sơn. Trước ngày 12 đoàn vận động viên (có 4 đoàn quốc tế là Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Malaysia) xuất phát, Ban Tổ chức xin vào thăm để báo cáo tình hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đoàn có gần 30 người bao gồm hơn 10 thành viên Ban tổ chức, đội trưởng các đội đua, chưa kể phóng viên báo chí.

Khi đến nhà Đại tướng, bước vào khu vườn rộng, đi độ 50 mét là đến phòng khách.

Căn phòng nhỏ kì lạ. Một phần vì quá nhiều hiện vật, tranh tượng, đồ lưu niệm của nhân dân cả 3 miền gửi tặng. Một phần vì đông người, ai cũng nóng lòng được gặp vị tướng huyền thoại, chả phân biệt trưởng phó đoàn gì. Ai cũng muốn đến gần hơn nên mọi người đều muốn chen vào.

Nhưng còn lý do nữa, sau này tôi mới biết, căn phòng này vốn là căn nhà bếp. Trước Đại tướng ở tầng 2 ngôi nhà bên cạnh, tầng một dành tiếp khách. Nhưng gần đây tuổi cao, để tránh di chuyển nhiều, gia định đã đưa Ông  xuống ở tầng một. Thế là nhà bếp nghiễm nhiên chuyển thành phòng khách.

29826f68f_dochinghia_1.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban tổ chức cuộc đua xe đạp

Đại tướng bước vào phòng, có con trai và thư ký riêng dìu hai bên. Mọi người đứng dậy vỗ tay. Đại tướng khoan thai ra hiệu ngồi xuống. Nhìn nước da, dáng điệu, thấy Ông đã yếu nhiều. Dù cử chỉ có chậm chạp, nhưng đôi mắt thì vẫn ánh lên một thứ ánh sáng tinh anh.

Vị Trưởng Ban tổ chức báo cáo về cuộc đua. Mọi chuyện vẫn giống các nghi lễ thông thường nếu không có màn tặng quà.

Đầu tiên, thay mặt đoàn đua, Trưởng Ban tổ chức trân trọng tặng Đại tướng bó hoa rất đẹp. Đại tướng mỉm cười đón lấy. Trưởng đoàn lại tặng Đại tướng quà lưu niệm là một bức tranh mạ đồng. Đại tướng khoan thai nhận, chầm chậm chuyển ra cho người thư ký. 

Cuối cùng, Trưởng BTC giọng trầm lắng, nhỏ nhẹ: "Chúng cháu có món quà nhỏ kính chúc sức khoẻ Bác, xin Bác nhận cho tấm lòng của anh em chúng cháu". Ông nâng hai tay đưa lên một chiếc phong bì... Thoáng thấy Đại tướng hơi cau mày, ông gạt nhẹ tay, quay mặt sang hướng khác. Mọi người lặng đi và cả căn phòng bỗng im phăng phắc.

Đại tướng chỉnh lại dáng đứng, hướng xuống phía dưới. Người thư ký vội đưa micro sát vào. Đại tướng phát biểu ngắn gọn, trầm ấm, bằng một văn bản chuẩn bị sẵn. Không khí trở lại bình thường, ai cũng đều tập trung lắng nghe lời Đại tướng nói. 

Một luồng khí bỗng chạy dọc sống lưng. Tôi đứng rất gần, thấy rõ thái độ không bằng lòng của vị Khai quốc công thần. Thấy cả sự tinh tế của Ông trong cái nhíu mày và gạt tay rất khẽ. Không bằng lòng nhưng không làm người khác sượng; không đồng tình nhưng không quá gay gắt, chỉ vừa đủ để người đối diện thấy mình không vừa ý. Cách chuyển ngay vào nội dung chính là phần phát biểu động viên, chất giọng Quảng Bình ấm áp của Đại tướng làm ai cũng nhẹ lòng. Bài học đầu tiên về cách ứng xử.

Đoàn chụp ảnh chung với Đại tướng. Mấy chục người ken nhau đứng sát phía sau lưng Ông.

Ánh đèn flat chớp liên tục. Bỗng Đại tướng khoát tay, chỉ vào một cô gái nhỏ nhắn, đứng ở góc xa nhất, mời cô đến ngồi bên cạnh mình. Trong lúc chen nhau để đến gần đại tướng, không ai chú ý nhận ra đó là cô gái duy nhất trong đoàn. Sự lịch thiệp và tinh tế của vị tướng đã ngót trăm tuổi làm cho ai nấy giật mình. 

Chuyện này làm tôi liên tưởng đến hồi ức của nhà báo lão thành Đỗ Phượng kể về lần chụp ảnh Bác Hồ. Khi ấy, Bác Hồ đã yếu lắm, cử động chậm chạp, đầu đội mũ che kín mái tóc bạc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi bên cạnh, như thông cảm với trách nhiệm tác nghiệp của các nhà báo, nhẹ nhàng lấy mũ của Bác, tuồn xuống cho... nhà báo Đỗ Phượng chui ở dưới gầm bàn giữ lấy. Chụp ảnh xong, các nhà báo được ăn cam hái từ vườn Bác. Lúc ấy, Người  mới nhỏ nhẹ: "Mỗi chú được một quả, kể cả cái chú giấu mũ của Bác". Đỗ Phượng tá hoả, hoá ra không có gì qua được mắt Bác, kể cả khi Người đã rất yếu, chân run, mắt mờ, đi không vững nữa.

Một thế hệ gần gũi với Bác Hồ là những con người tinh anh, trí tuệ vì dân vì nước. Lo bao việc lớn nhưng lại khó có điều gì nhỏ  mà  lọt qua mắt những con người từng trải, tinh tế.

Có thể, đó cũng lại là một bài học nữa về ứng xử của Ông, người học trò xuất sắc của Bác Hồ: không đẩy ai vào thế khó xử!

Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa
Theo Ajc.edu.vn

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN