Nhà sàn - giá trị văn hóa đang dần bị mai một
(Sóng Trẻ) - Nhà sàn là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi của Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều nguyên nhân khiến cho nhà sàn đang dần bị mai một.
Để có một ngôi nhà sàn hoàn chỉnh, chủ nhà phải mất hơn 10 năm chuẩn bị gỗ, lạt. Tùy theo từng loại ngôi nhà to hay nhỏ mà số lượng cột kèo sẽ khác nhau. Sau khi hình dung được kiểu nhà muốn làm, chủ nhà sẽ tiến hành tập kết gỗ, chọn những cây gỗ to nhất, đẹp nhất mà không dễ bị mục nát để khai thác. Trên mái của nhà sàn được lợp bằng tranh hoặc lá cọ. Vì ngày xưa không có đinh để đóng như bây giờ nên người ta thường hay dùng lạt giang để buộc kiên cố nhà sàn.
Nhà sàn là loại nhà dài, hay còn gọi là nóc. Có bậc thang để lên xuống. Mỗi một nóc nhà thường có từ 7 đến 10 người. Nhà sàn của người dân tộc thường cao nên rất thoáng, mát mẻ vào mùa hè còn vào mùa đông lại ấm áp vì mọi người quây quần bên bếp lửa hồng để xua tan đi cái lạnh lẽo.
Nhà sàn nét đẹp văn hóa của dân tộc
Nhà sàn không chỉ là nơi chú ẩn, tránh những mối nguy hiểm như bị thú dữ ăn thịt mà còn là nét đặc sắc văn hóa của người dân Việt Nam. Bởi lẽ, nhà sàn không chỉ đẹp, mang tính chất truyền thống mà chính cách sinh hoạt theo kiểu “gia tộc” đã làm cho mối quan hệ giữa những người trong gia đình, họ hàng và những người cùng thôn, bản trở nên thân thiết, gắn bó hơn.
Xưa kia mỗi khi có dịp lễ hội, lễ Tết, mọi người cùng nhau múa hát quay quần bên bếp lửa hồng, cùng nhau uống rượu cần và hát vang những bài ca đặc sắc của dân tộc mình. Thông qua những buổi tiệc rượu đó con người càng yêu thương và quý trọng nhau hơn.
Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, do sự phát triển nhanh của cuộc sống, bên cạnh việc đời sống người dân được cải thiện thì những ngôi nhà sàn cũng dần được thay thế bằng những mái nhà trệt, nhà ngói.
Nhiều nhà mái ngói mọc lên thay thế cho nhà sàn truyền thống
Bóng dáng của nhà sàn trong các buôn làng thưa dần. Và có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho nhà sàn dần bị mai một. Ông Hà Văn Lá (bản Kha, Xuân Cao, Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết : “Ngày xưa ở bản Kha nhiều nhà sàn to và đẹp lắm nhưng mấy năm nay ngày càng ít đi vì cuộc sống phát triển nên người dân tộc thiểu số cũng cần phải có sự thay đổi về cách sống họ thay thế nhà sàn bằng nhà ngói. Mặt khác là do các nhà chức trách của chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức vấn đề bảo vệ nhà sàn, cũng như bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc. Chính sách hỗ trợ “xóa nhà tranh tre nứa lá” của Nhà nước cũng đã khiến cho nhiều nhà sàn bị mất đi.”
Trong những năm gần đây, rất nhiều đại gia ở thành phố bỏ ra số tiền khá lớn để lên miền núi mua nhà sàn, vì bán được giá cao nên người dân đã bán nhà sàn lấy tiền xây nhà ngói mới.
Nhà sàn được “cách điệu hóa”
Ngày nay, nhiều bản làng vùng cao đã không còn bóng dáng một ngôi nhà sàn nào nữa. Trẻ con chỉ biết đến nhà sàn thông qua lời kể của ông bà. Điều đáng nói ở đây là khi một mô hình kiến trúc nhà ở của người dân vùng cao bị mất đi thì đồng nghĩa với việc nhiều thói quen, phong tục, tập quán, sinh hoạt, bản sắc văn hóa cũng sẽ biến đổi theo. Làm sao để bảo tồn được nét đẹp văn hóa nhà sàn, để hình ảnh nhà sàn Việt mãi mãi tồn tại đến muôn đời đang là một vấn đề cấp bách cần có sự định hướng kịp thời của các cấp chính quyền.
Lương Hồng Gấm
Phát thanh K31
Ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận