Nhận diện Fake News: Biết hoài nghi và có năng lực phản tư

(Sóng Trẻ) – 7 loại tin giả, 3 cách để kiểm định tin tức hay 5 câu hỏi phản tư khi đứng trước một thông tin…là những chia sẻ thú vị của nhà báo Hoàng Nhật và bạn trẻ Hoàng Long tại toạ đàm trực tuyến ‘Fake News và đám đông trên mạng xã hội’ sáng nay. 

 

Sáng 17-2, Sóng Trẻ tổ chức toạ đàm trực tuyến ‘Fake News và đám đông trên mạng xã hội’ với sự tham gia của nhà báo Hoàng Nhật – phó Tổng biên tập báo VietNamPlusVũ Hoàng Long – Founder ‘Người Kể Chuyện’, đồng thời vừa tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia về các phong trào trên mạng xã hội. 

 

Tại buổi toạ đàm, hai khách mời đã cùng thảo luận, chia sẻ và trả lời các câu hỏi của độc giả xoay quanh vấn đề nhận diện Fake News và những tác hại của tin giả tới các vấn đề của đời sống. 

 

Sóng Trẻ cập nhật đầy đủ tới độc giả buổi toạ đàm trực tuyến:


 dfe98a84e_3.png

 

Fake News hay tin giả đã xuất hiện rất lâu, nhất là sau khi mạng xã hội và người dùng mạng xã hội phát triển. Mặc dù các cơ quan báo chí đều có quy trình kiểm chứng nguồn tin, trải qua nhiều bước kiểm duyệt, nhưng tin giả vẫn lọt qua hàng rào bảo vệ để hiện diện trên mặt báo. Vậy theo anh, những dấu hiệu nào để độc giả nhận biết được đâu là tin giả và tin thật?

 

Nhà báo Hoàng Nhật: 

 

Tin giả xuất hiện từ lúc có sự trao đổi của thông tin. Có thể nói, tin giả xuất hiện trước cả bình minh của báo chí. Đến nay khi truyền thông xã hội phát triển lại càng tạo ra môi trường để tin giả phát triển nhanh hơn.    


Thậm chí bây giờ, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, tin giả càng trở nên tinh vi. Khái niệm deepfake để chỉ việc người ta tạo ra những tin giả ‘thật hơn cả thật’. Điều này đặt ra cho người làm truyền thông nói riêng và những người dùng mạng xã hội nói chung trang bị nhiều kỹ năng hơn để phân biệt tin giả. 


Từng nghiên cứu về các phong trào trên mạng xã hội, có cơ hội quan sát về các hành vi của người dùng mạng xã hội, bạn có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về các loại fake news trên mạng xã hội?


Vũ Hoàng Long:


Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần phải khái niệm hoá các định danh mà chúng ta đã sử dụng từ trước đến nay. Ví dụ như Fake News là gì, đám đông trên mạng xã hội là gì? 

 

Đầu tiên, Fake News hay là tin giả là những thông tin đi sai sự thật khách quan. Như vậy câu hỏi cần đặt trước ra là vậy các yếu tố nào đi ngược lại hoặc vi phạm vào sự khách quan của thông tin? Trong quá trình làm nghiên cứu và tìm hiểu, tôi đã tìm thấy cách liệt kê phân chia tin giả thành 7 loại: 

 

- Hài hước biếm hoạ: mỉa mai, thông tin mập mờ 

- Thông tin giật tít

- Thông tin được đóng khung phục vụ mục đích cụ thể

- Tách câu chuyện ra khỏi văn cảnh 

- Những nguồn tin của cá nhân, thêu dệt 

- Thông tin có tính chất thao túng quan điểm thông qua cảm giác 

- Thông tin mọi chi tiết đều giả


Tuy nhiên khi nhìn vào những điểm khiến một thông tin trở thành fake news là việc thông tin đó có khách quan hay không. Nó không nằm ở việc sự việc đó có xảy ra thật ở thế giới khách quan hay không mà dựa vào tính chính danh, uy tín của người tạo ra thông tin này hơn. Như vậy khái niệm fake news, tin tức thật hay giả sẽ có đường biên giới nhập nhằng và khó khăn hơn rất nhiều.

 

Năm 2016, khái niệm fake news nổi lên khi tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống và quy những thông tin không ủng hộ mình là fake news. Sau đó, ở một số nước Châu Âu đã cấm sử dụng khái niệm Fake News trên báo chí cũng như các kênh thông tin chính thống vì họ cho rằng người ta có thể dùng nó để dán nhãn người khác hoặc để tấn công những đối thử có ý kiến khác mình. Chính vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra câu hỏi những thông tin có tính nhiễu thì ảnh hưởng như thế nào đến với dư luận xã hội nói chung.



Gần đây có thông tin được dư luận chia sẻ rất rộng rãi như sau: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong khung giờ từ 4 - 7h30 sáng mai 1/2/2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”. Thông tin này nghe có vẻ vô lý nhưng lại được rất nhiều người tin, thậm chí nhiều giáo viên, cán bộ nhà trường cũng chia sẻ thông tin và nhắc nhở phụ huynh học sinh về chuyện này. Thông tin này bịa đặt dựa trên sự thật là các trường cần đẩy nhanh việc phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh các trường học tại Hà Nội. 

 

Những tin giả dựa trên 1 phần sự thật này lại càng nguy hiểm và dễ bị lan truyền hơn đúng không ạ?


Vũ Hoàng Long:


Khi mà chúng ta bàn về môi trường báo chí trước đây, thông tin chỉ có một nguồn duy nhất để kiểm soát thông tin đó thì độc giả còn dễ nhận ra cái gì là giả hay thật. Tuy nhiên trong môi trường Internet, cái chúng ta gọi là tư duy bình thường để biết phân biệt Fake News nó rất nhỏ. Trên mạng xã hội có nhiều người có tư duy duy lý hoặc duy cảm rất khác nhau, khác biệt. Cho nên không thể chắc chắn rằng tất cả người dùng mạng xã hội đều có chung một sự hiểu được. Đôi khi họ thực sự tin vào thông tin đó thật. 

 

Hôm trước tôi có đi một chuyến Grab trên đường, ngay sau khi thông tin MC đọc được chia sẻ, anh ấy không tin điều đó là thật hay giả. Nhưng anh vẫn lựa chọn nghỉ việc ngày hôm đó vì sợ lỡ nó xảy ra thì sao? Họ phân vân và họ chọn cách đỡ thiệt hại hơn nếu thông tin đó thực sự xảy ra. 

 

Như vậy với những người không có năng lực để tiếp cận nhiều thông tin hơn như chúng ta, họ chọn cách tính toán nhiều hơn để liệu có nên tin vào và chia sẻ tin giả hay không. Bởi nó nghe rất giống với sự thật và nó còn nằm trong sự tính toán thiệt hơn ảnh hưởng trực tiếp đến họ. 

 


Tin giả có ảnh hưởng thế nào đến đời sống xã hội và tâm lý của nhân dân cũng như sự bình ổn xã hội? 


Nhà báo Hoàng Nhật:  

Tin giả còn lan nhanh hơn cả virus, tin giả có sức công phá hết sức ghê gớm đến đời sống xã hội. Khi một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đưa thông tin ra mà chưa qua bước xác nhận, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân ví dụ như là doanh số bán hàng, vụ mùa của nông dân, đồng thời gây ra sự bất ổn xã hội, nền kinh tế cũng ảnh hưởng ít nhiều. 


69f96500e_1.jpg


(Nhà báo Hoàng Nhật giải đáp những thắc mắc xoay quanh Fake News - Ảnh: HOÀNG SƠN)



Fake news ảnh hưởng thế nào đến việc tiếp nhận thông tin của giới trẻ hiện nay?


Vũ Hoàng Long: 


Thực ra khái niệm ‘mạng xã hội’ rất rộng lớn, chúng ta phải chia nó ra một cách nhỏ hơn.  Tôi có trích ra một nhận định của một triết gia truyền thông người Pháp, Jean Baudrillard (1971), ông ấy có mô tả môi trường truyền thông trong thời đại báo chí truyền thông đại chúng ‘sự thật đã trở thành một ‘simulacrum’, tức là một sự tái hiện mà điểm gốc của nó đã bị lu mờ, là đầu vào của một đường hầm này và đồng thời là đầu ra của nhiều đường hầm khác.’ Chúng rất nhập nhằng và để phân biệt giả thật rất khó’. 

 

Xung quanh những bạn trẻ tôi tiếp xúc, tôi thấy các bạn ấy chia ra 2 trạng thái: 

Một là mất niềm tin thái quá, hoài nghi rất cực đoan. Dù thông tin đã được kiểm chứng hay chưa thì các bạn ấy vẫn không tin. Một số người còn tắt báo chí, mạng xã hội đi để không tiếp nhận thông tin trên đó nữa. 


Trước đây tôi có làm nghiên cứu về việc cộng đồng mạng lên tiếng về sự việc của trường Thực Nghiệm hoặc câu chuyện chữ cải cách của thầy Bùi Hiền.Tôi có làm việc với phụ huynh và tôi có gặp một bác mà cái sự bất tin của bác ấy rất cực đoạn. Bác ấy có nuôi một bạn nhỏ tầm khoảng 2-3 tuổi và bác ấy sợ thông tin trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến bác ấy nuôi dạy con nên bác đã ngăn chặn toàn bộ thông tin bằng cách tắt Internet, xóa Facebook, chỉ đọc báo giấy. Đó là một sự cực đoan thái quá vì trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay thì nên đứng ở giữa các luồng thông tin để có thể cùng phân biệt, chiến đấu và đưa ra thông điệp của chính mình.

 

Thái độ thứ 2 là một số người cũng có thái độ cực đoan để bảo vệ quan điểm của mình đến cùng. Sẵn sàng “ném đá” những người khác trái quan điểm, không lắng nghe người khác. Khi chúng ta đang sống giữa quá nhiều thông tin nhiễu loạn như hiện nay, nhiều lúc không quan trọng thật giả nữa mà quan trọng chúng ta sống với nhau trong một khoảng trời như thế nào, chúng ta cần thấu cảm với nhau.


69f96500e_2.jpg


 (Vũ Hoàng Long (Founder Người Kể Chuyện) chia sẻ tại toạ đàm - Ảnh: HOÀNG SƠN)


Tại sao những tin tức giả lại được lan truyền mạnh mẽ đến vậy và lại có rất nhiều người tin tưởng?


Vũ Hoàng Long: Chúng ta cần định nghĩa lại thế nào là suy nghĩ bình thường. Khi nghe tin, người nghe sẽ bị rơi vào trạng thái phân vân giữa tin và không tin. Khi người ta có nhiều nỗi lo thì họ sẽ tính toán kĩ lưỡng nên tin hay không tin. Fake news không phải luôn có nguồn cụ thể. Thông tin khó tìm được bản gốc ban đầu. Có người nghe thông tin và thêu dệt dần và khiến thông tin viral. 

 

Nhà báo Hoàng Nhật:

 

Chúng ta đều biết, một trong những cơ chế để tin giả lan truyền là đánh vào nỗi sợ hãi của con người. 


Theo tôi thông tin này liên quan đến trình độ dân trí nhiều hơn. 


Rõ ràng những người có kiến thức đều cảm thấy khó tin. Nhưng do đang trong thời kì bệnh dịch, nhiều người tin vào dân gian ‘Có thờ có thiêng’, ‘Ăn quả trứng cũng chả mất gì’ nên người ta vẫn cứ làm theo. 


Theo hội chứng đám đông, một người làm thì nhiều người bắt chước. Tin giả đánh vào nỗi hoang mang của con người, trong tình cảnh đấy bắt buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. 


Đối với một người làm báo, cần phải có trách nhiệm xã hội, tuân thủ theo pháp luật. Với những người làm truyền thông và chuyên môn, chúng ta đều biết tin đó chưa chắc là Fake News mà chúng ta đang lạm dụng từ Fake News thôi.  Khi chúng ta đưa ra thông tin, ta phải biết được rằng đưa ra lúc này có phù hợp hay không? Cách đây vài hôm có rất nhiều người phản ứng với tin ‘Âm tính giả – người có viruss corona dương tính nhưng sau 1-2 lần xét nghiệm lại âm tính’. Một số ý bác sĩ, người có chuyên môn đã nói rằng đúng là có hiện tượng như thế, nhưng khi cơ quan báo chí đưa ra thông tin đó sẽ gây hoang mang cho dư luận. 


Với những dạng thông tin thế này chúng ta không thể xếp vào Fake News thông thường mà phải xếp vào loại ‘Thời điểm này đưa ra thông tin này chưa phù hợp’. Lúc này đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo, cơ quan quản lí có thẩm quyền phải vào cuộc. Trong thời điểm này, chúng ta cần tin vào những thông tin bộ Y Tế xác minh  rồi thì chúng ta mới tạm tin là thật.


Cách đặt câu hỏi để phân biệt tin giả? (Câu hỏi của khán giả trong livestream)


Nhà báo Hoàng Nhật: 


Tôi đã từng tham gia khoá tập huấn về kĩ năng phân biệt tin giả từ năm 2016. Tuy nhiên lúc ấy tin giả chưa nhiều và tinh vi như bây giờ,  khi đó các chuyên gia truyền thông hàng đầu thế giới họ đưa ra những bước xác minh đơn giản như : Check chéo, chờ cơ quan chức năng vào cuộc hay xem độ phủ rộng của tin ấy như thế nào, và phải tự mình đặt câu hỏi  "Liệu thông tin này có đáng tin cậy?”

 

Trước khi like hay share bài ,thì chúng ta có thể từ Facebook qua ogle gõ xem thông tin đấy đã được xác minh chưa, có nhiều tờ báo chính thống đăng hay không ,hiện nay Internet đã phổ biến và hầu như ai cũng sử dụng nên việc xác minh khá đơn giản.


Tôi có một lời khuyên là hãy hoài nghi khi mà chúng ta tiếp nhận bất cứ một thông tin gì. Tất nhiên là nại trừ những tờ báo chính thống.


Vũ Hoàng Long: 


Tôi muốn bổ sung về quá trình tư duy phản biện để có thể xác minh tin giả. Cuối năm 2019 tôi có tham gia một khoá tập huấn về chống tin giả ở Myanmar. Ở đó có những cách được chia sẻ như là check link, xem ảnh có bị photoshop hay không, xem thông điệp ấy có nhiều cảm xúc có nhiều hay không.

 

Ở một tầng sâu hơn, các chuyên gia có đưa ra năm câu hỏi để chúng ta có tư duy phản biện khi đứng trước một thông tin nào đó.

•        Thứ nhất : Ai là người đưa ra thông tin đó

•        Thứ hai : Thông tin đó đưa ra nhắm đến ai?

•        Thứ ba : Thông tin được đưa ra trong hoàn cảnh nào?

•        Thứ tư Thông điệp đó đưa ra nhằm mục đích gì?

•        Cuối cùng là thông điệp đó có ảnh hưởng thế nào đến xã hội?


Như vậy, với những câu hỏi sâu thì chúng ta vừa có sự chất vấn với nguồn tin, người đưa tin, Liệu anh ta có thực sự khách quan không? Và chúng ta có được giây phút tự khẳng định với chính mình? Chúng ta cần có trách nhiệm trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào.


 

Vậy thì nhiệm vụ của báo chí và truyền thông hiện nay trong cuộc chiến giữa tin giả, tin thật hiện nay đang được thực hiện như thế nào?


Nhà báo Hoàng Nhật: 


Báo chí là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền. Với những thông tin gây hại cho cộng đồng thì báo chí càng phải nâng cao trách nhiệm nhiều hơn. Ở Châu Âu có những liên minh báo chí để fact- check, xác minh những thông tin trên mạng xã hội. Trước đây sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí rất hạn hẹp vì cơ quan nào cũng muốn có thông tin độc quyền. Nhưng bây giờ người ta tạo ra các cộng đồng để check xem thông tin đấy có thật hay không.

 

Kể cả Facebook, trước sự nhiễu loạn của thông tin, đã có những động thái như report, đưa ra những tiêu chuẩn cộng đồng, người dùng sẽ đóng vai trò xác minh thông tin này có thật hay không. 

 

Ở Việt Nam, tuy chưa có liên minh như các nước Châu Âu để fact-check thông tin nhưng một số cơ quan truyền thông có manh nha hợp tác với các cơ quan thông tin để kiểm tra nguồn tin.


 

Là một người dùng mạng xã hội, có kiến thức phân biệt fake news, Long có nghĩ bản thân mỗi người cũng nên tham gia vào quá trình chống tin giả không?


Vũ Hoàng Long: Việc chống lại tin giả không chỉ của nhà báo mà còn của là mọi người, đó là một sự nghiệp chung.


Một câu hỏi tiếp theo cho bạn Long, bạn thường tiếp nhận thông tin thế nào, qua đâu? Và bạn có nghĩ một lúc nào đấy bạn sẽ tin vào tin giả không? 


Vũ Hoàng Long: Tôi nhớ cách đây chưa đến 10 năm, lúc ấy mạng xã hội chưa phát triển rầm rộ như bây giờ. Lúc ấy có hiện tượng lan tin giả qua điện thoại di động. Tôi thường nhận được các tin nhắn kiểu như “Đây là một câu chuyện xúc động, nếu bạn không chia sẻ cho 10 người nữa thì có thể gia đình bạn sẽ chết”. Lúc ấy nhiều người trong lớp mình rất hoang mang, họ gửi tin nhắn cho 9 người khác thật, khiến thông tin ngày càng lan tỏa.


Ở thời điểm bây giờ, chúng ta nên đặt mình vào trong mắt nhìn của 1 vài công chúng cụ thể trong việc tiếp nhận những cái thông tin xung quanh. Là tôi thì tôi sẽ quan tâm xem người đưa ra nguồn tin kia có quá khứ như nào, xem trước đây họ đã đưa những thông tin ra sao, cuộc sống của họ như thế nào, trước khi chia sẻ tôi cũng phải xem lại quan điểm của mình về sự việc này. Tôi thấy background cá nhân là một thứ rất quan trọng: thông tin đó do ai đưa ra, đưa ra vì ai, thời điểm nào, mục đích gì, xem xét xem trong việc đưa tin này thì ai là người có lợi, ai là người bất lợi, từ đó chúng ta có thể cân bằng hơn trước nhiều nguồn tin khác nhau.


69f96500e_3.jpg


(Toàn cảnh buổi toạ đàm Fake News và Đám đông trên mạng xã hội - Ảnh: HOÀNG SƠN)


Là phó TBT của Vietnamplus, tờ báo có chất lượng uy tín và lượng độc giả lớn thì anh Nhật có thể chia sẻ cho khán giả về quy trình xác nhận thông tin của 1 phóng viên hoặc BTV không?


Nhà báo Hoàng Nhật: Tôi sẽ quay lại vào thời điểm cách đây khoảng 5-6 năm, khi mà các cơ quan báo chí vẫn còn dè dặt với Facebook. Ở lúc ấy số đầu báo lập fanpage Facebook rất ít, khi đó tôi cũng là admin của diễn đàn Vietnamplus trên Facebook rồi. Khi ấy cũng có 1 cuộc tranh luận, đó là “Liệu các cơ quan báo chí có nên khai thác thông tin từ Facebook không?”. Rất nhiều nhà báo có uy tín công kích chuyện phóng viên lấy tin trên Facebook. Tôi còn nhớ có 1 bài báo rất viral, nói rằng nếu muốn làm nhà báo tử tế thì hãy chạy Facebook đi. Bởi vì ngay từ khi đó chúng tôi khuyến khích các phóng viên hãy cứ khai thác mạng xã hội, tuy nhiên thì phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt.


Đến hiện tại năm 2020, hàng ngày tôi mở bản tin buổi sáng của VTV thì tôi vẫn thấy họ đàng hoàng lấy video từ trên diễn đàn Oto Fun của Facebook cho mục An toàn giao thông.


Dù ở năm 2020 hay nhiều năm trước, chúng tôi vẫn có quy trình khuyến cáo các PV check chéo. Xác minh tài khoản Facebook đưa thông tin trên mạng xã hội có tương tác nhiều hay không, profile chính chủ hay không… Gọi điện cho chính quyền hay công an địa phương để hỏi có thông tin đó xảy ra tại địa bàn hay không? Để 1 thông tin trên MXH được đưa trên Vietnamplus, chúng tôi sẽ phải check chéo ít nhất qua 2 nguồn xem khi nào diễn ra, diễn ra thế nào.


Ở 1 số báo thì có thể đưa cảm xúc cá nhân vào nhưng ở Vietnamplus thì có quy định rất chặt chẽ. Chúng tôi không khuyến khích phóng viên thay mặt cơ quan chức năng. Phóng viên phải đưa tin khách quan và thông tin khách quan phải phục chế độ, cộng đồng và nhà nước.


Với quy trình chặt chẽ như thế thì làm thế nào để báo chí có thể chạy theo mạng xã hội?


Nhà báo Hoàng Nhật: Có nhiều người nói rằng thời điểm bây giờ mạng xã hội đang lấn át báo chí, tuy nhiên tôi nghĩ đây là thời điểm để báo chí thể hiện vai trò của mình. Dường như mọi người đã quá mệt mỏi với fake news trên mạng xã hội. Cách đây 2-3 năm, chúng ta có thể nói mạng xã hội ngang với báo chí, tuy nhiên bây giờ với tư cách người làm báo tôi thấy báo chí đang giành lại vai trò của mình, thế cờ của mình.


Tôi theo dõi rất nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội, những thông tin khi đưa ra mà khiến mọi người hoài nghi, họ sẽ chờ cơ quan báo chí vào cuộc để xác minh. Báo chí chính thống sẽ chống lại các thông tin trôi nổi được phát tán trên mạng xã hội.


01abf53ac_2.jpg


(BTT Sóng Trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng 2 khách mời)


Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của 2 khách mời trong buổi tọa đàm ngày hôm nay. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các độc giả trong việc tiếp nhận thông tin, phân biệt tin thật và tin giả.


 

 

 

 BTT Sóng Trẻ

 

 

 



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN