(Sóng trẻ) - Từng nổi tiếng với nghề làm than tổ ong vào những năm 90, song ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) bây giờ chỉ có duy nhất gia đình chú Vũ Minh Tuân là còn bám trụ với nghề. Thu nhập không cao, công việc vất vả ngày mưa cũng như ngày nắng, nhưng chú Tuân vẫn cố gắng theo nghề vì cái ăn, cái mặc của gia đình.
Chú
Vũ Minh Tuân – người duy nhất còn xưởng làm than ngụ tại thôn 16 phường Thượng
Thanh (quận Long Biên, Tp Hà Nội).
Từ lúc bước vào nghề đã nhiều sự vất vả…
8 giờ sáng, sau khi đã làm xong mẻ than đầu tiên trong ngày, người đàn ông có vóc dáng nhỏ và gầy bước chân ra khỏi xưởng than. Trong bộ quần áo màu xanh đã bạc với màu da sạm đi vì cháy nắng, chú Tuân kể rằng: "Ngày xưa, khu này nhà nào cũng làm than hết. Thời điểm đắt hàng nhất là từ những năm 1995 đến 2000. Bây giờ người ta bỏ đi làm nghề khác cả". Nói xong chú khẽ lắc đầu, vẻ mệt mỏi do vừa mới kết thúc công việc hiện rõ trên gương mặt.
Bước chân vào nghề từ năm 1988, khi ấy chú Tuân chỉ mới 17 tuổi. Vì kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, không thể tiếp tục đến trường nên chú đành phải nghỉ học để làm việc ở xưởng phụ mẹ. Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua. Ở tuổi 42, chú Tuân vẫn gắn bó với nghề dù nhu cầu tiêu thụ than tổ ong đã không còn nhiều như trước.
Đều đặn hàng ngày vào 6h sáng, hai vợ chồng chú Tuân lại đẩy xe đi xúc than ở bãi cách xưởng 200m. Than ở bãi đều là than có chất lượng tốt đã qua tuyển chọn. Sau đó là công đoạn trộn than. Để làm ra những viên than theo yêu cầu của khách hàng cần phải hiểu rõ về tính chất của 2 loại than là than bùn và than cám. Than bùn thì lửa cao, than cám lại tạo tiếng lớn. Việc trộn than chính là kết hợp 2 loại than này sao cho đạt tỉ lệ tốt nhất.
Rất
hiếm khi xưởng than của 2 vợ chồng chú Tuân nghỉ làm.
Sống cùng nghề với bao nỗi nhọc nhằn…
Chú kể: "Ngày xưa, việc làm than hoàn toàn bằng thủ công. Từ công đoạn trộn than, nhào rồi nặn đều làm bằng tay hết. Về sau mới có máy trộn, máy ép liên hoàn. Tôi cũng cố m góp tiền mua 2 cái về xưởng nên công việc cũng đơn giản hơn phần nào”. Nói về thời kì người ta còn ưa chuộng dùng than tổ ong, xưởng của chú vì phải chạy hàng số lượng lớn nên thuê thêm người làm. Đến giờ, than nhà chú làm ra còn bán không hết nên chỉ có 2 vợ chồng làm cùng nhau.
Công việc làm than mất khoảng 8 tiếng một ngày. Mỗi ngày chú làm 4 ca: 6 giờ sáng, 10 giờ sáng, 3 giờ chiều và 7 giờ tối. Mỗi ca 2 tiếng. Dù thời gian làm không nhiều, song vì công việc nặng nhọc, lại bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên rất vất vả. Trong suốt quá trình làm, lúc nào mồ hôi cũng ướt đẫm lưng áo và chảy thành dòng trên gương mặt người đàn ông đã 42 tuổi này. Cô Nguyễn Thị Lan, vợ chú Tuân chia sẻ: “Vào những ngày mưa, để làm kịp hàng khách đặt, 2 vợ chồng tôi thậm chí phải khoác áo mưa ra bãi xúc than về làm. Làm xong mà than chưa kịp khô thì phải quạt, phải sấy cho khô”.
Cô
Nguyễn Thị Lan – vợ chú Tuân cũng đã làm nghề được gần hai chục năm, kể từ khi
cô chú về chung một nhà.
Chiếc xe ba gác thường được dựng ở trước xưởng là bạn đồng hành của chú trong những chuyến đi giao hàng ở trong làng và cả những nơi khác như: Giảng Võ, Đê La Thành, Minh Khai… Đơn hàng nhiều nhất của cô chú một ngày là 1000 viên, với giá 2500 đồng một viên. Nhưng vì thu nhập nếu chỉ dựa vào công việc làm than thì rất bấp bênh, ngày được ngày không, nên 2 vợ chồng chú cũng chăn nuôi lợn tại gia để đủ tiền sinh hoạt và ăn học cho 2 đứa con nhỏ.
Chứng kiến sự mai một và biến mất của nghề
Xưởng than này là của mẹ chú ngày trước để lại cho 2 vợ chồng. Xưởng rộng khoảng 30 mét vuông, có một chuồng nuôi lợn và 2 kệ đựng than, 1 máy trộn và một máy ép liên hoàn. Trải qua hơn 20 năm, chiếc xưởng dần cũ kĩ, cánh cổng và những ô thép lưới cũng đã hoen gỉ. Giống như một thời hoàng kim của làng nghề làm than tổ ong đến nay đã dần xuống dốc, người chứng kiến không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối và chạnh lòng…
Trước chủ trương của Thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2020 sẽ xóa sổ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, chú Tuân buồn bã chia sẻ: “Tôi cũng có nghe qua rồi. Thực ra bây giờ tôi làm nghề cũng chỉ là cầm cự qua ngày để kiếm kế sinh nhai. Giờ thành phố có chủ trương như vậy thì cũng đành chấp nhận mà kiếm cái nghề khác. Chứ làm than mãi cũng chẳng khá lên nổi”.
Dù vất vả nhưng đã gắn bó 25 năm với nghề,
chú Tuân không khỏi buồn lòng khi nghe thông tin than tổ ong sắp bị ngừng sản
xuất.
Từ một làng nghề cung cấp than cho cả thành phố những năm cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI, đến nay, xưởng than cuối cùng ở Thượng Thanh của gia đình chú Vũ Minh Tuân cũng không còn trụ được bao lâu nữa. Khi những giọt mồ hôi nhọc nhằn còn chưa khô trên má, gương mặt 2 vợ chồng chú Tuân đã trở nên đăm chiêu lo lắng cho những chuỗi ngày về sau.
Quỳnh Mai