Những mơ ước chưa vẹn tròn – Kỳ 1: Thủ khoa của mẹ
(Sóng trẻ) -Bố mất sớm, mẹ mắc suy thận giai đoạn cuối phải điều trị tại nhà, một em trai còn đang đi học – đó những éo le, bất hạnh mà số phận đã đè nặng lên đôi vai của Nguyễn Thị Quỳnh - cô gái nhỏ trú tại thôn Yên Dương, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nghị lực kiên cường
Gần 15 năm trước, biến cố ập đến khi bố mất đột ngột, để lại mẹ Quỳnh – cô Sái Thị Thúy (40 tuổi) – một mình gồng gánh gia đình. Khi ấy, Quỳnh mới lên 5, còn em trai Tiến Anh chỉ vừa biết nói. Cô Thúy, ở tuổi 26, trở thành trụ cột duy nhất, làm đủ mọi nghề từ cấy thuê, gặt mướn đến phụ hồ để kiếm tiền nuôi hai con ăn học.
Những tưởng khó khăn chỉ dừng lại ở đó, nhưng khi Quỳnh học lớp 10, gia đình lại nhận thêm tin dữ. Mẹ em bị chẩn đoán mắc suy thận giai đoạn hai, nhưng vì không kiêng khem đúng cách, chỉ hơn sau một tháng, bệnh đã chuyển biến nặng đến giai đoạn cuối. Mẹ phải điều trị tại nhà, còn em phải trở thành người gánh vác mọi việc.
Kể từ đó, mẹ Quỳnh phải đến bệnh viện huyện hai lần mỗi tuần để lọc thận, có những ngày mẹ quá mệt không thể tự lái xe, Quỳnh và em trai lại thay phiên nhau chở mẹ đi viện. Những lúc cả hai chị em bận học, hàng xóm là những người đã giúp mẹ Quỳnh đi chạy thận.
Thương mẹ ốm đau, vào dịp hè, Quỳnh tranh thủ đi làm thêm tại các công ty trong vùng. Hiện tại, Quỳnh làm công nhân thời vụ tại khu công nghiệp Bình Xuyên, cách nhà 20km, với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, Quỳnh không thể đủ tiền để lo viện phí cho mẹ (khoảng 2,3 triệu đồng) và các khoản sinh hoạt trong gia đình. Em chia sẻ: “Số tiền này không đủ, nhưng em luôn ưu tiên chi trả cho việc chữa bệnh của mẹ, các khoản sinh hoạt phí khác có thể cắt giảm, nhưng việc chữa trị của mẹ là không thể chậm trễ”.
Biết được hoàn cảnh, thầy giáo của Quỳnh cũng đã nhiều lần đứng ra kêu gọi quý mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy nhiên, số tiền nhận được vẫn chưa đủ để lo cho mẹ và các chi phí khác. Quỳnh bộc bạch: “Bác bên ngoại thỉnh thoảng cho tiền để trang trải. Các bác, các cô hàng xóm cũng giúp nhà em nhiều, người thì cho ít gạo, người thì cho mớ rau… Những lúc hết tiền em cũng chỉ biết đi xin các bác và hàng xóm chứ cũng không xoay sở được”.
Trong những tháng ngày khó khăn đó, Quỳnh đã từng cảm thấy tủi thân và tự cô lập mình trên lớp, không muốn giao tiếp với aì. Nhưng rồi, được sự động viên từ bạn bè, Quỳnh dần lấy lại tinh thần và quyết tâm hơn. Em chia sẻ: “Em chỉ biết vùi đầu vào học, vì em hiểu rằng chỉ có học mới giúp được mình, giúp được mẹ.”
Viết tiếp ước mơ
Cơm lo từng bữa, viện phí tính từng đồng… nhưng cái khó, cái nghèo không làm Quỳnh chùn bước trên chặng đường thoát nghèo – sự học. Chính hoàn cảnh gia đình đã trở thành động lực để em tiếp tục kiên trì trên con đường học vấn.
Thời điểm Quỳnh ôn thi học sinh giỏi tỉnh cũng là lúc mẹ em phải nằm viện điều trị tích cực, chạy thận để duy trì sự sống. Quỳnh nghẹn ngào: “Khi đó, em muốn buông xuôi, nhưng em biết nếu mình không cố gắng, thì mẹ và em trai sẽ không còn ai để dựa vào nữa.”.
May mắn thay, hàng xóm đã giúp đỡ Quỳnh rất nhiều, tạo điều kiện để em có thể tiếp tục đi học. Bà Nguyễn Thị Thạch (61 tuổi, thôn Yên Dương) động viên: “Cháu cứ lo đi học đi, hôm nào được nghỉ thì vào với mẹ chút rồi về chăm em. Các cô sẽ thay phiên nhau trông nom mẹ cháu. Dù có thế nào cũng phải học, học cho cố thì mới thoát được cái cảnh này… Nhà đã không còn gì để bán rồi, phải cố học”.
Với sự quyết tâm đó, Quỳnh đã không chỉ vượt qua nỗi lo mà còn giành được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Em đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt ba năm cấp 3, giải Ba môn Ngữ văn cấp tỉnh khi học lớp 11, và giải Khuyến khích lớp 12. Trong kỳ thi THPT, em xuất sắc trở thành thủ khoa khối C00 của tỉnh với tổng điểm 29,5, trong đó Ngữ văn 9,5; Lịch sử 10; Địa lý 10.
Hiện tại, Quỳnh là tân sinh viên ngành Sư phạm Văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một trong những lý do em chọn ngành này là vì cơ chế hỗ trợ học phí của trường. Quỳnh cho biết: “Khi lên đại học, em sẽ vừa học vừa làm để gửi tiền về cho em trai chăm mẹ và mỗi tuần cố gắng về thăm mẹ một lần”.
Dẫu đã bước vào ngưỡng cửa đại học, nỗi lo vẫn đè nặng lên đôi vai Quỳnh, em sợ khi đi học xa nhà “bận quá, không có thời gian về thăm mẹ”. Em đã dạy lại em trai một số kỹ thuật cơ bản để chăm mẹ. Tuy nhiên, Tiến Anh vẫn ngại lúc tắm cho mẹ, “con gái tắm cho mẹ chứ”.
Hơn ai hết, cô Thúy, mẹ Quỳnh, rất thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của con gái. Cô chia sẻ: “Đời tôi chưa bao giờ được sống như con người, mất mẹ sớm, bố lại sống với vợ mới. Chồng mất năm tôi 26 tuổi, một nách hai con đến bây giờ thì thế đấy…”. Vậy nên, dù nhiều khắc khổ, người mẹ này vẫn luôn cố gắng giữ vững tinh thần để tạo động lực cho Quỳnh. “Cô khoẻ thì Quỳnh cũng yên tâm hơn”, cô Thúy nói.
Những lời động viên từ mẹ đã trở thành nguồn sức mạnh vô hình, giúp Quỳnh dù mệt mỏi vẫn không ngừng cố gắng. Bởi giờ đây, em đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình. Em vừa là chồng, là con của mẹ; lại là chị, là mẹ của em trai. Quỳnh chia sẻ, Tiến Anh sắp vào lớp 10 và trong cuộc họp phụ huynh sắp tới, em sẽ xin cô giáo miễn giảm học phí để em trai có thể yên tâm học tập.
Quỳnh tâm sự, nếu không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, ước mơ của em là học các ngành về chính trị tại Học viện Hành chính Quốc gia. Em mong muốn làm việc trong nhà nước để có thể giúp đỡ nhiều người. Tuy nhiên, em đã phải tạm gác lại ước mơ ấy, bởi Quỳnh đi học không chỉ là ước mơ của riêng em, mà còn là ước mơ và kỳ vọng của cả gia đình.