Những mối tình nơi biên cương Đông Bắc

(Sóng Trẻ) - Đến thăm các gia đình quân nhân ở lâm trường 155, được nghe họ kể lại những câu chuyện tình mộc mạc nhưng cũng rất lãng mạn mới thấy xúc động và càng thêm yêu quý, trân trọng những người lính vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.

Lâm trường 155 thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 (Quân khu 3) nằm trên địa bàn xã vùng sâu Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Phải mất gần 3 giờ đồng hồ theo chân Thiếu tá Nguyễn Thanh Sang - Trợ lý Tuyên huấn Phòng Chính trị trên lối mòn sỏi đá quanh co, hết lội suối lại trèo đèo, chúng tôi mới tới được khu gia đình quân nhân Lâm trường 155.

Gần 20 căn hộ nhỏ nằm trong thung lũng như chìm vào thiên nhiên xanh, bản nhạc giao hưởng muôn màu của những loài muông thú cứ diễn ra theo nhịp thời gian… càng làm cho núi rừng Đồng Văn trở nên tĩnh mịch, lặng lẽ hơn.

Từ xa, mấy đứa trẻ lấp ló, chỉ chỏ, rồi chạy ùa vào trong nhà (hình như chúng thông tin cho người thân biết về sự xuất hiện của chúng tôi); rồi chúng lại rón rén, thập thò  tiếp tục “theo dõi”.  Đến khi tiếp xúc với chúng tôi, được người thân mách  bảo chúng mới đủ “tự tin” đồng thanh: “Cháu chào các chú ạ”.  Các em đều đang trong độ tuổi mẫu giáo - “sản phẩm” của những mối tình người lính trên vùng đất biên cương gian khó này.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là gia đình Thượng úy Nguyễn Tuấn Đạt và nữ thanh niên tình nguyện, kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Thị Thắm. Hai người đến với nhau thật tình cờ. Vào những ngày đầu xuân năm 2000, Đạt và Thắm cùng tham gia trong đội xung kích của Cụm đoàn đi tuyên truyền vận động nhân dân trong xã từ bỏ các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ăn ở khoa học, hợp vệ sinh… Sự gắn bó, chia sẻ trong công việc khiến tình yêu giữa hai người nảy sinh tự lúc nào không hay. Cánh rừng đại ngàn Đồng Văn đã trở thành quê hương thứ hai của họ.

Thắm tâm sự: “Em suốt ngày bám rừng, còn anh ấy thường xuyên phải trực đơn vị, nên tuy đóng quân gần nhà nhưng phải đến hai, ba tuần chúng em mới được gặp nhau, dần dà rồi cũng quen…”.

Em đã thấy mình “sai lầm” chưa? Nếu có cơ hội chọn lại chồng, em còn dám chọn bộ đội nữa không? – Tôi hỏi đùa cho vui. Trên nụ cười hiền hậu của người mẹ trẻ đang nựng cô con gái yêu gần hai tuổi, Thắm như một lần nữa khẳng định tình yêu của mình: “Lấy chồng bộ đội là niềm mơ ước của mẹ cháu, chỉ có bố Đạt thôi các bác ạ…”. Trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Còn chuyện tình của Trung úy chuyên nghiệp Lê Anh Gia – nhân viên thông tin và cô giáo Hoàng Thị Hương  lại khác. “Trước khi lên đây dạy học, ba mẹ có kế hoạch sau 2 năm nghĩa vụ sẽ xin chuyển trường cho em về quê Hưng Yên, nhưng chẳng biết thế nào mà tính, tình yêu đã níu em ở lại với vùng biên cương này…”-  Hương tâm sự. Giờ đây, mặc dù Anh Gia thường xuyên vắng nhà nhưng chị rất hạnh phúc vì có bà nội giúp đỡ, chăm sóc con cái, trông coi nhà của.


Gia đình Trung úy Lê Anh Gia        

Còn Thiếu tá Phạm Văn Diện - Trợ lý Tác chiến Lâm trường và cô y tá La Thị Chung có câu chuyện tình đầy “sóng gió”. Quê Diện ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1999, Lâm trường 155 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế quốc phòng tại xã Đồng Văn. Khi đó Diện là chàng Trung úy trẻ, bố mẹ có ý muốn xây dựng gia đình cho anh ở quê.

Thế nhưng, tình yêu đâu phải như sự xếp đặt, Diện đã yêu Chung – một cô gái người Tày bằng cả trái tim nồng cháy. Biết chuyện, gia đình phản đối. Bởi lẽ, họ cho rằng Chung là người dân tộc, không có công ăn việc làm ổn định sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Diện.

Nhưng anh đã kiên trì, thậm chí nhờ cả chỉ huy đơn vị thuyết phục bố mẹ, gia đình, và “chiến lược” “mưa dầm thấm lâu” đã có hiệu quả. Gia đình đã chấp nhận tình yêu của họ.

Sau ngày cưới, Chung đi học bổ túc văn hóa cấp 3, rồi lớp y tá. Sự kiên trì của đôi vợ chồng trẻ đã được đền đáp. Năm 2006, Chung được về làm y tá tại xã Đồng Văn. Vượt qua “sóng gió”, họ đã chứng minh được tình yêu đích thực của mình với anh em đồng đội, với gia đình hai bên nội nại…

Còn rất nhiều câu chuyện tình cảm động khác của những người lính với những cô giáo trẻ dạy học trong các bản, những cô công nhân trồng rừng, thanh niên tình nguyện, hay những cô gái dân tộc chân chất, quê mùa… Họ đến với nhau bằng trái tim và tình yêu chân thực.

Gặp họ, không thấy những lời ca thán về điều kiện đặc biệt khó khăn như: Thiếu điện, thiếu trường, thiếu trạm… Ai nấy đều mang trong mình nghị lực của những con người biết chia sẻ cho chồng, cho con, cho cháu. Họ chính là những “trụ cột” tạo nên phên rậu vững chắc bảo vệ vùng biên cương Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.

 Nguyễn Hồng Pha

Lớp Báo chí -Hệ 2

Học viện Chính trị


 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN