Ngôi sao điền kinh xe lăn Hoàng Hồng Kiên: Đứng vững bằng nghị lực phi thường

(Sóng trẻ) - Chị không còn đôi chân lành lặn, nhưng chị có một nghị lực phi thường để đối diện và vượt qua mọi thách thức, vươn đến thành công.

Cơn sốt bại liệt từ khi mới được vài tháng tuổi đã khiến tuổi thơ của chị không thể có những cuộc nô đùa, chạy nhảy cùng bạn bè. Bò là cách di chuyển duy nhất, để rồi trong những ngày tháng sống ở miền sơn cước Đình Lập, Lạng Sơn, quãng đường xa nhất chị “đi” được chỉ là khoảng 1 km. Chị không được đi học và chỉ ở nhà phụ mẹ bán hàng. Đó cũng là những năm tháng mà cảm giác mặc cảm, tự ti thường trực trong chị bởi những lời đàm tiếu, những suy nghĩ có phần lạc hậu của mọi người xung quanh về đôi chân khuyết tật của chị. 

Nhưng cuộc đời không lấy mất của ai tất cả mọi điều bao giờ. Chị không còn đôi chân lành lặn, nhưng chị có một nghị lực phi thường để đối diện và vượt qua mọi thách thức, vươn đến thành công, “gặt hái” những tấm huy chương đủ màu của thể thao khuyết tật. Chị là Hoàng Hồng Kiên – ngôi sao trên đường đua xe lăn của làng thể thao khuyết tật Việt Nam.

Ngôi sao trên đường đua xe lăn
Cuộc đời chị có lẽ sẽ cứ lặng lẽ trôi đi nếu như không vì một lần vô tình nghe đài chị biết được Hội người mù Hà Đông có cơ sở làm chổi tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật. Một ngày năm 2000, chị trốn nhà lên thành phố tìm việc với mong muốn bắt đầu một cuộc đời mới. Chị được nhận vào làm công việc bán chổi cho cơ sở làm chổi của Hội. Công việc chẳng dễ dàng gì khi mỗi ngày chị phải lăn xe gần 50 km, đi khắp các ngõ ngách phố phường để rao bán chổi.

Một ngày năm 2002, chị đến bán chổi ở Trung tâm thể thao người khuyết tật trên phố Khúc Hạo, ở đây, chị thấy nhiều khuyết tật như mình đang luyện tập rất say sưa. Thấy chị khỏe mạnh, huấn luyện viên mời vào tập thử. Và mối duyên gắn bó với điền kinh xe lăn đến với chị như thế. 

Phương tiện đi lại không có, chị phải dậy từ 2 giờ sáng để lăn xe từ nhà trọ ở Hà Đông đến sân vận động Hàng Đẫy cho kịp giờ luyện tập bắt đầu lúc 6 giờ. Tập luyện xong, đến 11 giờ, chị lại tiếp tục lăn xe đi bán chổi đến tận 5 giờ chiều. Những ngày tháng vừa luyện tập cho thi đấu để theo đuổi đam mê đua xe vừa đi bán chổi để kiếm tiền trang trải cuộc sống không ít khó khăn nhưng chị chia sẻ rằng chưa bao giờ có suy nghĩ ngừng cố gắng.

Thành công đầu tiên đến với chị sau những ngày tháng nỗ lực không ngừng là tấm huy chương vàng điền kinh xe lăn 800m tại Paragame II được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003. Năm 2005, tại Paragame III, chị tiếp tục gặt hái thành công với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. 

7f0f2f4dc_a1.jpg
Chị Kiên và những năm tháng gắn bó với đường đua (Ảnh: tuoitre.vn)

Thể thao dường như là lẽ sống bởi dù có khó khăn đến đâu, chị vẫn quyết tâm vượt qua. Năm 2007, trong một lần trên đường vào Huế thi đấu giải quốc gia, chiếc ô tô chở chị cùng đội tuyển điền kinh khuyết tật gặp tai nạn, chị bị gãy chân, phải bó bột và nằm bất động 2 tháng. 

Sau 2 tháng, chân đỡ, chị lại âm thầm luyện tập để rồi đến Paragame IV được tổ chức tại Thái Lan sau đó vài tháng, chị lại có mặt trên đường đua, lại tỏa sáng với thành tích 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. 

Một lần gặp tai nạn trên đường đua, một bên vai của chị bị chấn thương nghiêm trọng, đến mức chị không thể nhấc nổi đôi đũa để ăn cơm. Đam mê thể thao khi ấy lại là động lực để chị không dừng lại. Trong ngày thi đấu hôm sau, chị đã đề nghị bác sĩ xịt thuốc tê ngay trước khi chị vào đua, bất chấp những rủi ro có thể xảy đến với vai và tay, bất chấp cả những ngày tháng dài dằng dặc để chữa trị sau cuộc đua.   

Hai đôi chân khuyết tật, một hạnh phúc tròn đầy
Lựa chọn gắn bó với đường đua không chỉ giúp chị thành công liên tiếp với những tấm huy chương đủ màu mà còn mang đến cho chị cuộc gặp gỡ định mệnh với vận động viên khuyết tật Phạm Hồng Thức - người cùng đội và cũng là một ngôi sao sáng của đội điền kinh khuyết tật Việt Nam. Hai anh chị đến với nhau bằng trái tim thấu hiểu, sẻ chia và một tình yêu trọn vẹn. 

Dù không nhận được sự đồng tình hay giúp đỡ của hai bên gia đình, dù gặp rất nhiều thiếu thốn ban đầu về mặt vật chất, năm 2004, chị Kiên vẫn cùng với anh Thức bắt đầu cuộc sống hôn nhân, cùng nhau từng bước trải qua khó khăn và vun đắp cho mái ấm nhỏ của mình. 

“Tài sản ban đầu chẳng có gì nài cái bếp dầu, chiếc tivi đen trắng, bộ bát đũa bằng nhựa. Tất cả đồ đạc bây giờ có được là nhờ nỗ lực của cả anh Thức và tôi trên mỗi chặng đường đua.”, chị Kiên cười khi nhớ lại những ngày tháng khó khăn khi bắt đầu xây đắp mái ấm nhỏ.  Còn với anh Thức, anh “không sợ sệt, không coi mọi điều là khó khăn” khi bắt đầu cuộc hôn nhân không được ủng hộ này.
 
Chị cùng anh chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, cùng anh chinh phục những đường đua. Anh là người bạn đời, là đồng nghiệp và cũng là nguồn động viên khích lệ rất lớn để chị chinh phục thành công những đường đua đầy thử thách. Nổi bật trong căn nhà nhỏ của anh chị là hàng chục chiếc huy chương, chủ yếu là huy chương vàng và nhiều bằng khen treo thành hàng dài trên tường. 

Từ năm 2006, hai anh chị quyết định mở một xưởng làm chổi và tăm để trang trải thêm cho cuộc sống, người làm trong xưởng của anh chị có cả người khuyết tật và người lành lăn

7f0f2f4dc_a2.jpg
Gần chục năm nay, chị Kiên vẫn hàng ngày len lỏi khắp các ngõ ngách phố phường Hà Nội để bán chổi, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 40 – 50 chiếc.

Hạnh phúc càng tròn đầy hơn khi năm 2009, chị Kiên và anh Thức chào đón thêm cậu con trai Phạm Tuấn Anh kháu khỉnh, đáng yêu. Mái ấm nhỏ nằm sâu trong làng Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) của “cặp đôi vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam” luôn đầy ắp tiếng cười. 

Sau những ngày đắn đo, chị Kiên quyết định gác lại sự nghiệp gắn bó với đường đua gần 12 năm để trở về chăm lo cho tổ ấm hạnh phúc của mình.

7f0f2f4dc_a3.jpg
Mái ấm nhỏ của “ngôi sao điền kinh của làng thể thao khuyết tật Việt Nam”(Ảnh: Đoàn Bổng)

Hiện tại, bên cạnh công việc bán chổi và công việc tại một dự án nước nài, chị Kiên có ý định mở trung tâm về kỹ năng tư duy niềm tin cho con người. Chị mong muốn bằng lời nói của mình, bằng những trải nghiệm của bản thân sau 16 năm lăn lộn để vượt lên chính mình, bằng những kiến thức có được sau những chuyến đi trong nước và quốc tế khi làm cho một dự án nước nài có thể giúp cho nhiều người có thêm niềm tin vào bản thân và thành công hơn trong cuộc sống. 

Luôn giữ mãi niềm tin, ngôi sao điền kinh của làng thể thao khuyết tật Việt Nam đã từng bước đứng vững, khẳng định mình trong cuộc sống và trong những đường đua trên đấu trường quốc tế.  Để rồi khi đã tạm biệt với những đường đua đầy thách thức, chị lại muốn truyền lại niềm tin và nghị lực sống ấy cho mọi người xung quanh. 

Ngọc Hà

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN