NNND Bùi Quốc Thi: Bậc “cung văn đại thụ” của làng Chầu văn
(Sóng trẻ) - GS.TS Ngô Đức Thịnh khi còn sinh thời gọi NNND Bùi Quốc Thi là “nhân chứng sống của Chầu văn”. Ông cũng là một trong số rất ít người trình diễn được hết các làn điệu Chầu văn 36 giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bậc “cung văn đại thụ”
Vốn dòng dõi nhà nòi, Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Bùi Quốc Thi là thế hệ thứ tư trong gia đình gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật hát Chầu văn tại Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội). Thuở nhỏ, ông đã lớn lên bên cạnh tiếng đàn nguyệt và những câu hát văn cổ từ cha mình là cụ Bùi Quốc Oanh. Bên cạnh đó, ông còn học chữ Nho và có tài năng âm nhạc bẩm sinh, nên những giá trị tinh túy của nghệ thuật này đã ăn sâu vào ông từ khi còn bé.
Khi 14 tuổi, Bùi Quốc Thi đã thành thạo đàn nguyệt và có thể biểu diễn hát văn tại các buổi hầu đồng ở các đền phủ gần nhà. Nhiều khía cạnh trong tín ngưỡng thờ Mẫu và hát văn, ông không cần cha chỉ dạy mà đã tự mình tiếp thu một cách tự nhiên.
Khi bước vào tuổi đôi mươi, ông tham gia nhập ngũ tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng TP.HCM. Trong khoảng thời gian rảnh, Bùi Quốc Thi vẫn không ngừng tập luyện và khi nghe tin có cung văn tài năng ở đâu, ông liền tìm đến để học hỏi thêm.
Trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông tham gia biểu diễn Chầu văn tại Hội thi văn nghệ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Trong hai năm liên tiếp 1982 và 1983, ông giành được giải thưởng cao nhất của Hội thi và được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng bằng khen.
Về sau, ông còn tham gia nhiều cuộc thi khác như tại Phủ Dày và luôn đạt giải cao nhất. Hiện nay, những bằng khen và giải thưởng của ông đã treo kín khắp nhà.
Đã có một thời, những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, như hầu đồng và hát văn, thường bị xem là mê tín dị đoan. Nghệ nhân Bùi Quốc Thi cũng không ít lần phải đối mặt với những chỉ trích từ xã hội. Ông chia sẻ rằng nhiều thanh đồng và cung văn đã bị chính quyền cảnh báo, thậm chí còn bị răn đe. Tuy nhiên, ông đã tìm cách truyền đạt ý nghĩa của tín ngưỡng này một cách hợp lý, thuyết phục các cán bộ hiểu rằng đây là một phần giá trị văn hóa của dân tộc.
Sự am hiểu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với niềm đam mê cháy bỏng đối với nghệ thuật Chầu văn đã giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn mà không cảm thấy chán nản. Chính nhờ những nghệ nhân như ông, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Suốt một đời tâm huyết, cống hiến, ông sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát với khoảng 50- 60 làn điệu khác nhau trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ. Ở tuổi ngoài 60, độ tuổi không phải quá cao, nhưng NNND Bùi Quốc Thi đã được xem như một cây đại thụ về hát văn. Ông là một trong số rất ít người trình diễn được tất cả làn điệu hát Chầu văn 36 giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đưa chầu văn gần hơn với công chúng
Cả một đời từ khi chào đời cho đến nay, “ngày nào thiếu hát văn là không thể chịu được”, NNND Bùi Quốc Thi hiểu hơn ai hết cái tinh hoa của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có hát Chầu văn. Ông bảo trong đó là kết hợp của sự giải phóng nữ quyền, là giải phóng mỹ cảm, là lịch sử hào hùng của dân tộc và là cái thiện căn dạy chúng ta làm người.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hay những lời hát văn răn dạy con người không ngoài những giá trị đó. Theo NNND Bùi Quốc Thi chia sẻ, người hát văn phải cảm được những giá trị đó thì câu hát mới có hồn được.
“Ví dụ trích đoạn hát hầu Đức Thánh Trần, cung văn phải hiểu được những giá trị lịch sử, phải cảm được sự uy linh, oai phong lẫm liệt của ngài thì mới lột tả hết được những câu hát đó”.
Nếu có dịp được tiếp xúc với NNND Bùi Quốc Thi sẽ thấy rất rõ con người của ông toát lên thần thái chuẩn mực của bậc “cung văn đại thụ”, của một người am hiểu, thấm nhuần những giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị đạo đức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bởi vậy mà khi còn sinh thời, cố GS. TS Ngô Đức Thịnh - người một đời miệt mài khơi lại tinh hoa đạo Mẫu cũng từng nhiều lần tìm gặp NNND Bùi Quốc Thi và gọi những người như ông là “nhân chứng sống của Chầu văn”.
Để mang nghệ thuật hát Chầu văn gần gũi hơn với công chúng, ông thường xuyên tham gia vào các buổi giao lưu nghệ thuật truyền thống cũng như các đêm diễn nghệ thuật quần chúng. Ông đã phổ nhạc một số bài thơ để hát Chầu văn như bài “Vân Đình quê ta”, hay tự sáng tác những bài có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước như “Ơn Đảng Bác Hồ”.
Năm 2017, theo lời mời của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông đã dàn dựng và biểu diễn trích đoạn giá "Ông Hoàng Mười" và "Cô đôi thượng ngàn" nhân dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ông cũng tham gia hát văn trong các buổi diễn xướng hầu đồng để Phòng Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao ghi lại tư liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu tại TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn tham gia hỗ trợ, cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian để biên soạn thành sách.
Từ năm 1998 đến nay, NNND Bùi Quốc Thi đã mở nhiều lớp dạy hát Chầu văn, truyền thụ những làn điệu cổ cùng kỹ năng chơi đàn nguyệt. Ông thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn hát văn xứ Đoài nhằm đưa nghệ thuật hát văn vào các hoạt động văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi và hội diễn.
Ngoài việc giảng dạy trực tiếp cho học trò, ông còn sẵn sàng dạy qua mạng Internet. Trong quá trình giảng dạy, ông đã có bốn học trò được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, và bản thân ông cũng được vinh danh Nghệ nhân Nhân dân vào cuối năm 2022. Đến nay, ông vẫn là Nghệ nhân Nhân dân duy nhất đại diện cho loại hình nghệ thuật Chầu văn.
NNND Bùi Quốc Thi cho biết, hiện nay, lối hát Chầu văn cổ cũng đang bắt đầu có những lệch chuẩn, biến tướng. Lão NNƯT Hoàng Trọng Kha lúc còn sống cũng luôn trăn trở với ông làm sao để giữ lại những gì là bản sắc của Chầu văn mà truyền lại cho thế hệ sau. Vậy nên, nếu sau này không thể tiếp tục hát, ông cũng sẽ dạy học, để tận hiến Chầu văn và tín ngưỡng thờ mẫu tới giây phút cuối cùng.