Bảo tàng “chuyển mình”: Khi di sản sống dậy trong không gian trải nghiệm
(Sóng trẻ) - Tại Hà Nội, nhiều bảo tàng đang chủ động thay đổi diện mạo, đổi mới cách tiếp cận và nâng cấp hình thức thể hiện để trở thành không gian văn hóa sống động, kết nối quá khứ với hiện tại qua trải nghiệm thực tế, sáng tạo và giàu tính tương tác.
Khi bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ
Ngày nay, bảo tàng không chỉ đơn giản là những không gian bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử, mà đã trở thành những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Để duy trì sự hấp dẫn và giữ vững sự quan tâm của công chúng, các bảo tàng phải liên tục sáng tạo và cạnh tranh trong cách thức tương tác với người tham quan, đặc biệt là qua những phương thức tiếp cận mới mẻ.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng… nhiều bảo tàng đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội để cập nhật thường xuyên hình ảnh và thông tin về các triển lãm, trưng bày mới. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trưng bày cố định, các bảo tàng này còn tổ chức các hội thảo, workshop và các hoạt động trải nghiệm thực tế, đồng thời sản xuất các video quảng bá sinh động để kết nối và thu hút đông đảo công chúng.

Bảo tàng Hà Nội đang nổi lên như một hình mẫu tích cực trong nỗ lực thu hút công chúng, đặc biệt là người trẻ. Không dừng lại ở các hoạt động truyền thống, đơn vị này đã và đang thử nghiệm nhiều hình thức sáng tạo, mang tính tương tác cao, từ đó biến không gian bảo tàng trở thành một “phòng thí nghiệm văn hóa” đúng nghĩa.
Mới đây, workshop “Gặp gỡ mùa xuân” với chủ đề giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội đã thu hút đông đảo du khách tham dự. Chương trình được thiết kế như một không gian trải nghiệm nghệ thuật đa chiều, nơi du khách không chỉ được quan sát mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động thủ công: từ nghệ thuật thư pháp, gấp giấy Origami, đến thưởng trà đạo và tìm hiểu quy trình làm giấy dó truyền thống. Mỗi trải nghiệm đều mang đậm giá trị văn hóa, góp phần lan tỏa tình yêu di sản và kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật Đông Á trong một không gian sáng tạo, truyền cảm hứng.

Không dừng lại ở đó, Bảo tàng Hà Nội còn đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án sân khấu kính - một không gian mở để tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngay trong khuôn viên bảo tàng. Sự kiện khởi đầu là show diễn âm nhạc “True Love Seasons” diễn ra vào ngày Valentine vừa qua với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng, được xem là bước khởi động cho chuỗi chương trình nghệ thuật định kỳ. Với việc biến bảo tàng thành nơi tổ chức âm nhạc, giao lưu nghệ thuật, ban quản lý đang hướng tới mô hình “bảo tàng - không gian sáng tạo”, nơi văn hóa không chỉ được lưu giữ mà còn được biểu đạt và lan tỏa theo những cách thức đương đại.
Theo ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, mục tiêu của các chương trình này không chỉ là thu hút người xem mà còn nhằm định hình thương hiệu văn hóa đặc trưng cho Thủ đô, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực di sản.

Chuyển mình để bắt kịp dòng chảy thời đại
Không riêng gì Bảo tàng Hà Nội, nhiều bảo tàng lớn khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ, cho thấy xu thế đổi mới đã không còn là lựa chọn - mà là tất yếu nếu muốn giữ chân du khách.
Tour đêm “Du lịch văn học chữ “Tâm” và chữ “Tài”” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam là minh chứng rõ nét cho xu hướng đó, đánh dấu bước chuyển mình trong cách tiếp cận kho tàng văn học nước nhà. Không còn đơn thuần là hành trình qua những hiện vật tĩnh hay lời thuyết minh khô khan, chương trình đưa du khách bước vào một không gian văn chương đa tầng, nơi ánh sáng, âm thanh và nghệ thuật trình diễn hòa quyện để kể nên những câu chuyện thi ca sống động.
Với cách dàn dựng công phu, kết hợp tinh tế giữa yếu tố nghệ thuật và công nghệ hiện đại, tour đêm đã mang đến trải nghiệm đa giác quan, chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời mở ra một hướng khai thác đầy tiềm năng cho sản phẩm du lịch đêm tại Thủ đô.
Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thu Huệ nhận định, việc triển khai mô hình tour đêm không chỉ giúp thu hút du khách đến gần hơn với văn học dân tộc, mà còn góp phần làm phong phú thêm hình thức trưng bày, trải nghiệm tại bảo tàng, từ đó thúc đẩy sự đa dạng hóa sản phẩm văn hóa - du lịch gắn với di sản.

Tiếp nối tinh thần làm mới cách kể chuyện lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng ghi dấu ấn với chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. Lấy cảm hứng từ câu chuyện về tiểu đội mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, tour đêm sử dụng nghệ thuật sân khấu truyền thống lồng ghép công nghệ 3D hiện đại, khiến từng khung cảnh trở nên sống động và đầy cảm xúc. Tư liệu lịch sử được truyền tải một cách gần gũi, chân thực và giàu sức lay động, đặc biệt với giới trẻ - nhóm công chúng vốn thường xa rời không gian bảo tàng.

Không chỉ có vậy, bảo tàng này còn tích cực triển khai nhiều hoạt động gắn với đời sống đương đại như trình diễn áo dài, hướng dẫn tham quan bằng audio guide hay casting tìm kiếm gương mặt tham gia các chương trình lịch sử tương tác. Những đổi mới này không chỉ giúp bảo tàng mở rộng tệp khán giả mà còn khẳng định vai trò của mình như một trung tâm văn hóa năng động giữa lòng thành phố.

Cũng theo đuổi hướng tiếp cận trải nghiệm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nơi thu hút hơn nửa triệu lượt khách mỗi năm - liên tục làm mới nội dung và hình thức thể hiện. Bên cạnh trưng bày văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, bảo tàng cũng kết hợp trải nghiệm và mở phòng trưng bày Hàn Quốc để du khách được trải nghiệm mặc thử trang phục Hanbok miễn phí.

Đáng chú ý, đơn vị này còn không ngần ngại “bắt trend” MV “Bắc Bling” khi tổ chức các buổi biểu diễn múa rối nước cùng những làn điệu dân ca quan họ của các nghệ nhân Phường múa rối nước Đồng Ngư. Đây là một bước đi cho thấy sự nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu, đồng thời khẳng định quyết tâm đưa di sản đến gần hơn với công chúng trẻ trong những hình thức thể hiện mới mẻ, hấp dẫn và cập nhật.

Hành trình làm mới di sản - chạm đến trái tim công chúng
Trong bối cảnh ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao, bảo tàng không thể chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà cần trở thành không gian văn hóa sống động, nơi di sản được “kích hoạt” bằng sáng tạo và kết nối cảm xúc.
Thực tế cho thấy, những bảo tàng dám đổi mới tư duy vận hành, đa dạng hình thức thể hiện và linh hoạt trong cách tiếp cận cộng đồng đang thoát khỏi lối mòn cũ kỹ. Các chương trình tương tác, workshop, nghệ thuật trình diễn... giúp đưa di sản đến gần người xem hơn, đặc biệt là giới trẻ. Khi kết hợp hiệu quả giữa hiện vật, công nghệ và du lịch, giá trị di sản không chỉ được bảo tồn mà còn lan tỏa mạnh mẽ.

Một trong những lợi thế lớn nhất của bảo tàng chính là kho hiện vật quý giá - vốn đã là “nam châm” thu hút du khách. Khi biết khai thác hiệu quả và đặt hiện vật trong các không gian kể chuyện hấp dẫn, bảo tàng có thể trở thành điểm đến thường xuyên trong hành trình khám phá củadu khách trong nước và quốc tế. Thành công của Bảo tàng Quảng Ninh là một ví dụ điển hình: nhờ việc kết hợp khéo léo giữa trưng bày hiện đại, công nghệ và định hướng phát triển gắn với du lịch, nơi đây đã trở thành điểm sáng văn hóa trong mắt du khách.

Không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách từ bên ngoài, hành trình đổi mới còn đòi hỏi các bảo tàng phải tăng cường gắn bó với cộng đồng địa phương. Những chương trình kết nối với trường học, hợp tác với nghệ sĩ, tổ chức hoạt động giáo dục và truyền thông văn hóa cộng đồng đã giúp bảo tàng trở thành một phần trong đời sống của chính người dân - vừa giữ gìn di sản, vừa góp phần làm giàu thêm bản sắc địa phương.
Bởi vậy, nếu bảo tàng dám đổi mới, dám bước ra khỏi “vỏ bọc trưng bày”, thì tương lai không chỉ là tồn tại mà là phát triển bền vững. Hành trình làm mới di sản, suy cho cùng, chính là hành trình chạm đến trái tim người xem - nơi văn hóa được sống tiếp, lan tỏa và phát triển cùng thời đại.