Nón lá Phú Châu – Hơi thở của một vùng đất

(Sóng trẻ) - Trải dài trên khắp mọi miền đất nước, nón lá luôn hiện diện trong đời sống thường nhật của người dân với vẻ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần thanh cao. Không những vậy, nón lá còn gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, giản dị và tần tảo. Giữa những bộn bề và tấp nập của nhịp sống hiện đại, người dân làng nghề nón lá xã Phú Châu – Huyện Ba Vì – Thành phố Hà Nội vẫn đang ngày ngày gìn giữ nét tinh túy văn hóa Việt qua những chiếc nón lá mang đậm nét Phú Châu.

Nghề làm nón tại xã Phú Châu bắt đầu hình thành từ năm 1939, xuất phát từ bà Phạm Thị Nhàn, một thợ làm nón giỏi ở làng Chuông (nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) lấy chồng ở thôn Phú Xuyên – xã Phú Châu đã mang nghề theo và truyền dạy cho dân làng. Chỉ mấy năm sau, nghề làm nón lá đã có mặt ở toàn xã, giúp người dân có thêm thu nhập và trở thành một làng nghề truyền thống. Nón lá Phú Châu mang trong mình bản sắc riêng biệt với độ hoàn thiện cao, nổi bật thương hiệu Phú Châu biết bao đời nay.

anh-1.jpg
Người thợ với đôi bàn tay khéo léo khi làm nón

 

Điểm khác biệt, cũng là điểm đặc biệt ở nón lá Phú Châu đó là chỉ có 15 lớp vòng, ít hơn 1 vòng so với nón lá làng Chuông và các làng nghề khác. Bà Nhàn và người dân nơi đây đã điều chỉnh, cải tiến để cho ra đời những chiếc nón với hình dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, nhẹ, bền và đẹp không kém cạnh các làng nghề nón khác.

anh-2.jpg
Nón lá Phú Châu với 15 lớp vòng đặc trưng

 

Để làm ra một chiếc nón cần khá nhiều nguyên liệu, gồm có nứa để làm vanh, tre để làm cạp, bẹ của nứa làm phần lót giữa hai lượt lá giúp nón được cứng cáp và cước nhựa dùng để may nón. Theo chia sẻ của người dân, lá nón sử dụng ở đây được nhập trực tiếp từ Quảng Bình. Bên cạnh đó, làm nên một chiếc nón đẹp cũng đòi hỏi một số yêu cầu nhất định. Người thợ cẩn thận trong các khâu chọn lá trắng, mỏng; chọn mo phẳng; nứa làm vanh và tre làm cạp phải được vót nhẵn, đều và khi may tránh làm đứt cước. Có như vậy chiếc nón làm xong mới đảm bảo độ hoàn thiện cao và chỉn chu nhất.

anh-3.jpg
Lá nón được chọn cẩn thận

 

Chiếc nón được ra đời cần trải qua 7 công đoạn: gỡ lá, là lá, làm vanh, quay nón, may nón, cạp vành và tra nhôi. Trong đó, công đoạn là lá được đánh giá là công đoạn khó nhất và đòi hỏi sự cẩn thận, tập trung cao độ. Bà Lê Thị Sáu, một người dân làm nghề chia sẻ: “Người thợ cần để lửa vừa phải, theo dõi nhiệt độ thường xuyên để tránh làm đỏ lá, là nên những chiếc lá phẳng, đẹp và bóng”. Bên cạnh đó, khi quay nón người thợ phải lưu ý chọn lá đồng màu, chọn mo đồng đều, cùng độ dày như nhau và khéo léo xếp lá, xếp mo sao cho kín đều, không để bị bung chóp nón.

anh-4.jpg
Công đoạn làm vanh
anh-5.jpg
Công đoạn quay nón

 

Sau khi đã quay xong thì bắt đầu may nón. Đây cũng được coi là một công đoạn khó và quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề. Khâu nón với mũi kim đều, thẳng, tròn mũi, giữ khoảng cách đều giữa các vanh. Nếu mũi khâu thưa, không đều, đâm mũi kim nhiều lần sẽ rất dễ dẫn đến thủng, nát bề mặt nón.

anh-6.jpg
Công đoạn may nón 

 

Bà Đỗ Thị Thúy, một người thợ làm nón lâu năm cho biết trung bình mỗi ngày sẽ làm được 2 - 3 chiếc nón. Nón lá Phú Châu có hai loại chính là nón chợ và nón thửa. Nón chợ là loại nón sản xuất đại trà, người lao động thường sử dụng nó trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, với mức giá bình dân dao động từ 20.000 đồng - 50.000 đồng/chiếc. Nón thửa là loại nón đòi hỏi nguyên liệu chọn lọc rất kĩ lưỡng và kĩ thuật người thợ cao, mẫu nón này thường là do khách đặt để làm quà hay làm nón cưới trong lễ rước dâu, có giá bán dao động từ 150.000 đồng – 250.000 đồng/chiếc. Bà Thúy cũng nhấn mạnh, không phải ai cũng may được nón thửa, người thợ ấy phải thật thạo nghề để tạo nên những đường may tinh xảo, trác tuyệt.  

Vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, suốt hơn 80 năm, nón lá Phú Châu vẫn đang được lưu truyền qua biết bao thế hệ và ngày càng được cải tiến, tạo nên thương hiệu riêng biệt nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Ghé thăm xã Phú Châu vào sáng sớm, chúng ta sẽ có cơ hội hòa mình vào phiên chợ với sự góp mặt của nón lá nơi đây. “Nghề nón còn tồn tại đến bây giờ cũng giống như một lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ cần chung tay gìn giữ những giá trị truyền thống để quá khứ không bị lãng quên” – ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Nghề làm nón không chỉ mang lại thu nhập cho bà con, mà còn là một sợi dây gắn kết tình làng xóm. Hình ảnh các bà, các bác ngồi quây quần dưới hiên nhà làm nón, cùng nhau kể những câu chuyện cuộc sống và cười nói vui vẻ như xua tan mọi mệt mỏi, bộn bề ngoài kia. Đó cũng chính là giá trị tinh thần vô giá mà nghề nón đã mang lại cho người dân mảnh đất Phú Châu.

anh-7.jpg
Hình ảnh các bà cùng nhau làm nón 

 

Ngày nay, nón lá Phú Châu xuất hiện ở khắp các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S và được xuất sang Trung Quốc, lan tỏa nét đẹp văn hóa của mảnh đất Phú Châu – Ba Vì nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung. Tôi vẫn luôn và mãi tự hào là một người con của mảnh đất Ba Vì, một vùng đất có con người bình dị, mộc mạc với những làng nghề truyền thống mang hơi thở của thời đại.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN