NSND Trần Tiến: "Điều quan trọng nhất là phải dám dấn thân cho nghệ thuật"

(Sóng trẻ) - Trần Tiến thường nhìn người nói chuyện với mình bằng đôi mắt lấp lánh những tia sáng hóm hỉnh. Cái kiểu nhìn, cộng với cái kiểu nói chuyện rỉ rả, nhấn nhá từng câu làm ông trở nên đặc biệt gần gũi. Chuyện đời, chuyện nghề cứ nối nhau... Ông trả lời những câu hỏi của tôi một cách chân thành và thẳng thắn...
 
-Thưa ông. Mặc dù đã được nghỉ hưu. Nhưng có lẽ cho đến nay ông vẫn chưa bao giờ ngừng hoạt động nghệ thuật?
 
(Chậm rãi) - Đúng thế. Tôi bắt đầu làm nghệ thuật từ năm 1954, đã ngót 50 năm, nghỉ hưu được 2 năm nay, nhưng có khi lại còn bận hơn khi chưa nghỉ.
 
-Thời gian qua ông đóng nhiều phim, cả những phim truyền hình?
 
- Rất nhiều. Có tháng đến 5, 6 phim. Cũng hơi chán vì chưa có cái nào mình thực sự thích. Bây giờ có làm phim chẳng qua là vì bạn bè, vì khán giả. Có những lá thư viết đến. Họ chẳng yêu cầu gì, chỉ cần mình ló cái mặt ra là đủ! Ngay cả khi tôi tham gia quảng cáo trên truyền hình, nhiều anh em cũng chỉ trích lắm. Nhưng mình làm thế để làm gì - để cho mọi người thấy cái mặt mình ló ra ( cười ).
 
Làm phim bây giờ không được kỹ như ngày xưa, nhưng được cái nhanh. Bây giờ chỉ đa số làm phim truyền hình Phim nhựa mỗi năm chỉ có một, hai phim. Phim truyền hình thì hàng trăm phim, đáp ứng ngay, trực tiếp. Nhưng giá như đừng vội vàng quá, làm kỹ hơn chút nữa thì sẽ hay hơn...
 
Với tôi kịch là chủ yếu. Phim chỉ là tay trái thôi. Nài ra còn truyền thanh. Ngày xưa mình đóng kịch truyền thanh nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ mình là người của đài phát thanh.

d946d083c_3.1.jpg
NSND. Trần Tiến trò chuyện cùng nhà báo Đức Dũng.
 
- Có lẽ vì thế nên có bài báo nói Trần Tiến là nghệ sỹ "chạy sô" đầu tiên ở nước mình?
 
- Ừ, nói thế kể cũng đúng!...
 
- Có điều là mặc dù những vai chính kịch ông diễn rất thành công, nhưng người ta vẫn cứ nói đến những vai hài...
 
(Sôi nổi hẳn lên): Ừ, đúng. Cái “gu” của mình không phải là hài kịch nhưng người ta cứ nhét cho mình những vai hài.. Thực ra diễn hài mệt hơn chính kịch rất nhiều. Ngày xưa “Quẫn” mình diễn đến hai ngàn đêm. Thành thử ra họ cũng ăn sẵn. Cứ có vai hài thì dứt khoát lại là mình. Do thấy mình có sẵn chút duyên trên sàn diễn nên các ông đạo diễn thường khai thác triệt để... Nói là thế thôi, nhưng có cái gì thành công mà không phải lao động ? 
 
Diễn hài, nhưng đến khi mình chuyển sang chính kịch thì vẫn ổn. Ở những vai chính kịch khác vẫn thấy đúng “gu” của mình. Như: “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” hay là những kịch bản của Nga chẳng hạn. Hay “Vua Lia” của Xêchxpia. Thằng hề ở đây chính là tác giả. Nó hề nhưng nó lại không hề. Thành thử họ bảo là “con dao pha”. Nói thế kể cũng đúng vì trong nghiệp diễn viên có một điều này: Có những người chỉ đóng một kiểu thôi. Chính kịch hay hài kịch cũng chỉ theo một lối mòn...
 
- Ông tham gia cả sân khấu và phim. Giữa hai loại hình nghệ thuật có nhiều khác biệt, ông điều chỉnh như thế nào?
 
- Yêu cầu chung là phải có vốn sống. Vốn sống cần thiết lắm. Khi đã có vốn sống phong phú, mình cứ cất ở đấy, khi nào cần thiết thì đem ra dùng. Phim hay sân khấu thì cũng phải tái hiện cuộc sống. Nhưng phim được lợi ở cái chỗ nếu hợp vai là đã đạt yêu cầu tới 50% rồi, còn ở sân khấu thì lại khác. Sân khấu có phần cường điệu hơn phim. Mình đã làm nhiều vai , đã hoá thân vào đủ mọi hạng người sang hèn, giàu nghèo, bình dân trí thức đủ cả... Có tờ báo nói mình là người sống với đủ loại người. Đúng là thế. Quen từ ông thủ tướng đến người quét rác. Ai cũng biết...
 
- Có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất của người nghệ sỹ?
 
- Đúng thế. Lắm khi mọi người cứ thấy mình là gọi. Có hôm bốn giờ sáng, mình xong diễn mới về. Hồi ấy mình còn ở hàng Đậu. Có một tốp các chị lao công ngồi đun nước. Các chị ấy nhận ra và hỏi: “Sao ông đi đâu mà sớm thế” . Mình bảo: “Đi diễn, bây giờ mới về". “Thế thì ông ngồi đây, ông ngồi uống nước với chúng tôi”. Thế là mình cũng ngồi. Họ quý lắm !
 
Nhiều người cứ bảo mình sướng, đi đến đâu ai cũng biết. Nhưng nói thật nhé, nhiều lúc cũng mệt lắm. Hạnh phúc nhưng không hẳn là sung sướng đâu. Lắm khi muốn giấu mặt cũng không được. Có những lần đi xem Khanh hay Vân diễn, mình phải đợi lúc tắt đèn mới cúi chạy vào chỗ ngồi. Bước vào sớm, người ta chỉ trỏ, ngượng lắm. Thật đấy. Nếu là mình ở trên sân khấu thì lại là chuyện khác...
 
- Ông có thể cho biết đôi điều suy nghĩ về sân khấu hài và tiếng cười?
 
- Riêng mình thì mình nghĩ : cái hài và cái hề nó có khác nhau. Một đằng là tiếng cười sinh lý, cảm tính, còn một đằng là tiếng cười tâm lý, nhận thức - nghĩa là tiếng cười sâu sắc. Ví dụ như hề xiếc. Anh ta chạy ra rồi bỗng bị vấp và trượt ngã. Anh ta đứng lên quay lại tìm xem mình bị vấp ngã vì cái gì ? Hoá ra anh ta đã vấp phải một sợi tóc ! Đó là cường điệu, là cái cười đơn giản có tính chất cảm tính. Cái hài bao giờ cũng phải gắn liền với tâm lý, với tính cách nhân vật và những tình huống kịch nên nó thường sâu hơn, lắng hơn... Cười đấy nhưng phải suy nghĩ. Có khi cười đấy nhưng đằng sau nó lại là nước mắt.
 
Tất nhiên hài, hề, hay chính kịch đều có những điều khó riêng của nó. Yếu tố giải trí là rất cần . Hài mà đạt đến trí tuệ, có nội dung tâm lý xã hội, lại mang thêm tính giáo dục về nhận thức thẩm mỹ nữa thì là "siêu" quá đi rồi còn gì ?. “Hài” và “Hề” do có một ranh giới, một sự điều tiết hoặc dịch chuyển cách thể hiện, nên từ đó tạo ra những hiệu quả khác nhau trong truyền cảm và nhận thức...
 
- Nhiều người cho rằng ông có những thủ pháp riêng để tạo ra tiếng cười... Theo ông thủ pháp nào là quan trọng?
 
- Có một vài yếu tố để tạo nên cái hài. Có thể là khuếch đại, có thể là cường điệu, làm ngược lại. Và cũng có nhiều cái hài: Hài cá tính, hài tình huống, hài từ khai thác mâu thuẫn. Trong sân khấu truyền thống, cái hề thường được định hình trong hình thức , mà thường là méo mó, có khi bệnh hoạn . Ví dụ như nhân vật Cu Sứt chẳng hạn. Hề lắm khi chỉ việc phóng đại, miễn sao vui là được. Nhưng ở điện ảnh thì sao? Điện ảnh đời hơn nên nếu anh làm cho nó "quá lên" là không được. Nó khó thế đấy...
 
Tất cả những cái đó ít nhiều thì vẫn phải học. Và phải tự tìm tòi. Anh sẽ thấy chân giá trị của cái hài. Khi sang Đức mình đã có dịp xem các đoàn kịch của Ý, Pháp diễn. Mỗi dân tộc đều có một cái hài riêng, rất khác nhau. Người Việt Nam cũng có kiểu riêng. Nhưng mình vẫn phải nói điều này: diễn hài ở Việt Nam “sướng” lắm...( chợt im lặng).
 
- Xin ông nói rõ hơn?
 
- Sướng vì nhìn chung khán giả Việt Nam rất yêu tiếng cười nên thường tỏ ra đồng cảm ngay trong khi đang xem... Không có gì động viên người nghệ sỹ trên sân khấu tốt hơn sự hưởng ứng của khán giả. Nhưng khán giả mình đôi khi cũng dễ dãi. Rồi lại có những người xem hài cười mà xem bi cũng cười ! Thậm chí nhìn thấy những người bị ngã xe máy cũng cười mới lạ! Ngã xe, đau đớn thì đó là cái bi chứ gì? Thế mà mấy mẹ cứ đứng nhìn rồi hềnh hệch ra mà cười !
 
Trước đây có vở kịch của Nga diễn cảnh giáo sư phải đi bán diêm, rồi ăn cắp, ăn trộm... Ở Nga, xem màn này thì ai nấy đều khóc. Còn ở ta thì lại cười khiến đạo diễn người Nga rất kinh ngạc. Mọi người phải giải thích cho ông ấy biết là ở Việt Nam thời điểm đó cũng đang diễn ra những cảnh y hệt... Người Nga đã trải qua cảnh đó trong quá khứ nên khi nhìn lại, người ta thấy đau xót. Còn mình thì cười - không đáng cười mà vẫn cười...
 
- Có phải vì thế mà ông không bằng lòng khi người ta gọi mình là một "danh hài"- dù là danh hài số một?...
 
- Họ cứ gọi thế thôi chứ mình không muốn gọi là danh hài đâu. Nhiều người viết bài cứ tự đặt ra như thế, chứ thực ra mình nghĩ thì chẳng có danh hài danh hiếc gì cả đâu. Nhiều khi cứ băng rôn, quảng cáo rồi báo chí nói lên chứ làm gì có ai phong cho tôi là danh hài đâu! Ở nước mình chỉ phong Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ xuất sắc từng đợt chứ Nhà nước có phong danh hài cho ai bao giờ. Có những người chẳng hỏi mình mà họ cứ tự viết, tự phong... Mình không biết gì cả.
 
- Nghệ thuật hài ở nước ta gần đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Có người cho rằng trong những cách tạo ra tiếng cười, yếu tố tục là một cách làm có hiệu quả ?... Ông có ý kiến gì về điều này?
 
- Trước hết phải hiểu như thế nào là cái tục trong nghệ thuật cái đã. Trong văn học dân gian cũng có nhiều cái tục lắm chứ. Nhưng tục mà thanh chứ không phải là sự tục tĩu. Nếu không thanh thì thậm chí cái tục ấy sẽ làm bẩn sân khấu. Nói như Nguyễn Tuân là “gần chợ xa trường”. Nếu trong số khán giả có một người không cười thì mình cũng phải suy nghĩ vì sao! Đây là trách nhiệm của người nghệ sỹ. Đã đưa ra món ăn cho khán giả thì phải làm sao cho tinh tế, nn lành.
 
Người nghệ sỹ có lương tâm và trách nhiệm không được đưa ra những món ăn “tạp pí lù” . Gần đây có nhiều cái tục quá. Người ta cứ tưởng mua được tiếng cười dễ lắm! Không phải thế. Vấn đề là tiếng cười đó phải có tính thẩm mỹ, giáo dục. Nếu không có khi mình lại làm giảm đi tính nghệ thuật của vai diễn, vở diễn và không nâng cao được nhận thức của khán giả lên. Riêng mình thì mình thấy điều đó (cái tục) là không nên.
 
- Nếu nói đến vai diễn đáng nhớ nhất, sâu sắc nhất trong đời của ông thì đó sẽ là vai nào?
 
- Mình nghe câu hỏi đó hàng trăm lần rồi (cười) Thực ra vai nào thì mình cũng phải luyện tập, phải tìm tòi. Nếu mình tự bằng lòng thì sẽ chẳng bao giờ khá được. Lần diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, mình là người đề xuất để cho nhân vật Đế Thích mang tính cách “pêđê”. Mình lý luận: trần sao tiên giới cũng thế. Mọi người nhiệt liệt tán thành. Khán giả cũng vậy. Khi diễn vở đó, mình diễn nói một câu là khán giả vỗ tay, nói câu nữa là khán giả lại cười ầm ầm !...
 
- Sau một đời hoạt động nghệ thuật, ông đã rút ra được nhiều điều... Trong đó theo ông điều quan trọng nhất là gì?
 
- Mình rút ra là cái gì cũng phải hết mình. Trong nghệ thuật phải say, phải mê, phải hết mình khổ luyện, phải để hết tâm huyết vào những vai diễn... Và điều quan trọng nhất mà mình rút ra được trong cả đời diễn chính là sự ham mê, sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật.
 
- Còn về mối liên hệ giữa những vai diễn với đời sống?
 
- Tất nhiên người nghệ sỹ khi nhập vai phải hiểu cuộc sống để thể hiện nó một cách chân thực. Mình vào vai nhân vật nghề gì thì người ngành nghề đó phải thấy bóng dáng của họ được tái hiện. Đó chính là sự tôn trọng khán giả . Không phải cứ mặc cái áo blu trắng vào là thành bác sỹ. Phải biết rõ ràng, biết tường tận người bác sỹ phải làm những gì để khi mình vào vai bác sỹ, khán giả phải công nhận rằng đó là bác sỹ. Nếu thế phải quan sát các bác sỹ thực sự trong công việc của họ. Mình đã quan sát trực tiếp hai ca mổ - một ca một mật, một mổ ruột trước khi đóng một vai bác sỹ...
 
Hồi mình diễn “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” thì ngay cả Tất Đạt và bạn bè thân quen, uống rượu với nhau suốt ngày cũng không biết ai vào vai Nguyễn Trãi. Rồi có lần đóng phim. Buổi trưa mọi người trong đoàn đi ăn hết, mình hoá trang râu tóc còn nguyên nên xung phong ở lại trông đạo cụ. Văn Hiệp, Nguyễn Ánh là những người mà mình tào lao suốt ngày từ đâu bước đến hỏi mình: “Bác ơi, bác cho cháu hỏi đoàn làm phim đi đâu hết rồi ạ?” Mình đáp: “Họ đi ăn cả rồi” . Khi cả đoàn quay về, Trần Phương mới hỏi Văn Hiệp: Có biết ai đây không? Văn Hiệp nhìn mình chăm chăm, lắc đầu. Mọi người nói: Trần Tiến rồi cười ầm lên. Thế là Văn Hiệp đấm mình thùm thụp!...
 
- Nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại - nhất là lặp lại chính mình... Ông nghĩ gì về điều này?
 
- Mình rút ra điều này: Anh có thể đóng bất cứ ai nhưng miễn sao những vai diễn ấy phải để lại dấu ấn, phải có cái riêng không lẫn vào nhau. Cái kiểu sáng tạo này chỉ có thể ở người này mà không có ở người kia. Muốn thế anh phải tập trung vào nó, phải yêu nó, phải tìm tòi vì nó. Chứ có người diễn cả trăm vai - cả phản diện lẫn chính diện nhưng người ta vẫn chỉ trông ra có mỗi một tính cách như nhau . Nhưng cũng có người yêu nó thật, xả thân vì nó thật, nhưng phương pháp không có và khả năng có hạn thì cũng đành chịu.
 
- Có ý kiến cho rằng sân khấu trong cơ chế thị trường hiện nay phải đứng trước những áp lực khác trước. Vì thế, người nghệ sỹ cũng phải thích ứng?
 
- Hồi xưa bọn mình lao vào hoạt động nghệ thuật như là một niềm vui thôi. Tập trung vào nó và không làm bất cứ việc gì khác. Bây giờ thì nhiều người làm nghệ thuật không có được những điều ấy. Có lẽ bây giờ người ta thấy các thế hệ đàn anh hoạt động say mê như thế nhưng vẫn nghèo nên họ không muốn bắt chước chăng ?
 
Bây giờ họ còn phải tự kiếm sống, ai không mở được nhà hàng thì buôn bán cái này cái kia. Và họ chơi nghệ thuật, chơi thôi! Có lẽ chính vì thế nên không trọn vẹn. Mình bị cái nghèo nó làm cho cuộc sống vất vả, nhưng cũng chính trong cái nghèo ấy mà mình hết lòng cho nghệ thuật. Không biết có phải vậy không ?...

- Cảm ơn ông!

(Nguồn: Trích từ bài phỏng vấn của PGS, TS. Nguyễn Đức Dũng - "Nghệ sĩ Nhân dân Trần Tiến: Tiếng cười từ chiều sâu trí tuệ"; Lamthanhkytu.com).

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN