Ông giáo già làng “che chở” vạn thân cò
(Sóng trẻ)-Ông Đặng Đình Quyển (tại thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) - là chủ nhân của vườn cò lớn nhất cả nước. Chia sẻ về những chú cò “ruột thịt” của mình, ánh mắt người giáo già tuổi 70 tuổi ánh lên sự tự hào, xen lẫn nỗi trăn trở về việc bảo tồn và phát triển vườn cò.
Người giáo già hơn 30 năm gắn bó với vườn cò
Vườn cò nhà ông Quyển được hình thành một cách tự nhiên cách đây khoảng 30 năm. Bởi khu vực xung quanh có nhiều ruộng sâu, sông ngòi, ao hồ thuận lợi cho việc kiếm ăn, lại được gia đình ông trông giữ cẩn thận, trồng thêm cây cho cò làm tổ. Do đó, vườn cò ngày càng phát triển.
Lúc đầu chỉ có vài chục chú cò đến làm tổ. Đến nay số lượng cò trong vườn đã lên tới vài chục nghìn cò, vài nghìn vạc. Có nhiều loại cò khác nhau cùng kéo đến làm tổ sinh sống tại vườn nhà ông Quyển như: cò ốc, cò bợ, cò đen, cò ruồi, vịt trời...
“Cò có thể chết đi, nhưng chúng không rời đi.” Đó là sự khích lệ lớn nhất để ông Quyển tiếp tục công cuộc bảo tồn và phát triển đàn cò
Nói về những ngày đầu tiên hình thành vườn cò, ông Quyển không khỏi xao xuyến, hoài niệm: “Cả một quả đồi tôi trồng vải, lại đúng mùa vải đang được giá. Nhưng thấy cò kéo nhau về làm tổ ngày càng đông, tôi đánh liều chặt hết vải đi trồng bạch đàn và keo cho chúng làm tổ. Mọi người bảo tôi hâm. Nhưng lúc đó tôi đã quyết rồi thì không lay chuyển được. Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn không một chút hối hận về quyết định lúc đó.”
Khi nắng gắt tháng năm, tháng sáu, cò bố, cò mẹ dang rộng cánh như chiếc ô che nắng cho con. Khi trời bão, chúng lại dùng cánh và mỏ quặp chặt vào tổ để giữ chắc cho khỏi rơi con, rơi trứng.
Đôi mắt hiền từ của ông Quyền ánh lên sự âu yếm khi nhắc đến những “đứa con tinh thần” của mình: “Cò ưa thích sự yên tĩnh nên không được gây ra tiếng động mạnh, không được chiếu ánh sáng vào ban đêm và khi cò cắp rác về làm tổ thì chúng ta không nên đến gần.”
Vườn ông Quyển - nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò
Số lượng cò ngày một vơi dần và những thách thức đặt ra
Đôi mắt ông Quyển bỗng đỏ hoe khi nhắc đến sự khó khăn, nỗi thống khổ đã từng trải qua trong quá khứ cùng với đàn cò. Trước hết phải kể đến là vấn đề an ninh. Những ngày đầu, vườn cò của ông thường xuyên bị “cò tặc” nhòm ngó. Nạn săn bắn chim, cò chưa bao giờ bùng nổ mạnh mẽ đến thế tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Có những đêm ông mắc võng nằm trên cái chòi ở đỉnh đồi trông cò, chốc chốc lại hắng giọng để bọn “cò tặc” biết có người đang trông coi mà rút lui. Nhưng cũng có những ngày chúng chẳng những không rút mà còn chửi bới, dọa nạt ông Quyển, đòi được săn cò. Hiện nay, an ninh tại vườn cò đã được thắt chặt hơn.
Vườn được rào bằng dây thép gai và được bảo hộ bởi chính quyền nên có bất kì dấu hiệu nào của sự xâm nhập, săn bắn, người dân xung quanh sẽ báo ngay với địa phương để xử lý kịp thời.
Khi được hỏi về sự khủng hoảng lớn nhất trong suốt 30 năm nuôi cò, ông Quyển bồi hồi nhớ lại: “Đó là cái năm mà dịch H5N1 bùng nổ. Người thân, hàng xóm ai cũng khuyên tôi bỏ vườn cò đi. Nhất là khi có một con cò trong vườn chết, họ kéo chính quyền địa phương đến thiêu hủy xác cò, giục tôi tránh xa chúng. Tôi chỉ nói có một câu thôi: “Sống thì cùng sống, mà chết thì cùng chết”.”
Đàn cò trở về “bến đỗ bình yên” sau một ngày kiếm ăn xa
(Nguồn ảnh: vietbao.vn)
Với ông Quyển, tuy vườn cò chưa mang lại cho gia đình ông lợi ích về kinh tế nhưng ông vô cùng phấn khởi vì vườn cò của mình được nhiều người biết đến. Mỗi một đoàn khách đến thăm đều tay bắt mặt mừng, dành nhiều tình cảm cho ông và vườn cò.
Ông Quyền trải lòng về đàn cò của mình: “Phần thưởng quý giá nhất đối với tôi là đàn cò được nhiều người quan tâm, chú ý bảo vệ hơn. Còn tôi bây giờ tâm niệm muốn sống với đàn cò này, cho đến khi nào không sống được nữa thì thôi rồi.”
Giờ đây, ông cũng không còn cảm thấy đơn độc trên hành trình bảo tồn và phát triển đàn cò nữa vì luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương. UBND xã Đào Mỹ đề xuất khôi phục hồ 7 mẫu trước mặt vườn và xây dựng vườn cò kết hợp hồ 7 mẫu thành một khu sinh thái tạo điều kiện cho cò sinh sống.
Ngọc Mai
Báo chí Đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận