Phim tư nhân – phim nhà nước: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
(Sóng trẻ) - Điện ảnh Việt Nam đang tồn tại hai thực thể trong một cuộc đua không cân sức là phim nhà nước và phim tư nhân. Trong khi phim nhà nước được đầu tư khủng thì chật vật bán vé còn phim tư nhân loay hoay kinh phí làm phim thì lại thường xuyên có được doanh thu “khủng”.
Phim nhà nước - chậm chạp giữa cuộc đua
Dư luận đang xôn xao về hai bộ phim Đam mê và Sống trong lịch sử khi số tiền đầu tư lên tới 10 tỷ và 20 đồng nhưng không bán nổi một chiếc vé. Hai tuần nằm trong lịch chiếu của Rạp Kim Đồng, rạp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vẫn được coi là “sân nhà” của phim công nhưng khán giả chẳng mấy ai quan tâm nhòm ngó, càng không có ai bỏ tiền túi ra mua vé để xem. Một lần nữa cán cân đầu tư lại không thể cân bằng với doanh thu của nó.
Sống trong lịch sử kinh phí hơn 20 tỷ không bán được vé
Không chỉ điện ảnh mà ngay cả phim truyền hình nhà nước cũng đang mắc phải tình trạng tương tự, thậm chí phim truyền hình còn khó khăn gấp bội trong việc ra mắt công chúng. Phim Thái sư Trần Thủ Độ là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng đắp chiếu của phim truyền hình nhà nước. Do là phim truyền hình lại là phim cổ trang nên số tiền mà Nhà nước đầu tư cho Thái sư Trần Thủ Độ lên tới 57 tỷ đồng. Bộ phim được hoàn thành vào đúng dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng phải đến 3 năm sau phim mới được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam. Mặc dù kinh phí đầu tư cán mốc kỷ lục nhưng cũng chẳng mấy ai biết tới Thái sư Trần Thủ Độ và do vậy cũng chẳng mấy ai chờ đón. Đến khi đã phát sóng thì cũng chẳng làm nóng các diễn đàn phim ảnh.
Thái sư Trần Thủ Độ phát sóng sau 3 năm đắp chiếu
Nhiều người cho rằng phim nhà nước chỉ là phim của ngày hôm qua, có nghĩa không theo kịp thời đại. Thực tế không phải vậy, có không ít những bộ phim nhà nước có giá trị thời sự, đậm chất thẩm mỹ, đề cao tính nhân văn nhưng vẫn không thu hút được người xem chủ yếu là do không chú trọng tới truyền thông. Nhiều hãng phim và nhà sản xuất phim nhà nước vẫn nghĩ rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ phim hay thì ắt sẽ có khán giả. Đây là một suy nghĩ sai lầm vì trong thời buổi kinh tế thị trường và bùng nổ thông tin như hiện nay nếu không quảng bá, giới thiệu cũng đồng nghĩa với việc phim sẽ “chết”.
Nài ra, việc phim nhà nước thiếu đổi mới, khả năng nắm bắt thị trường kém, cách sản xuất phim còn quá truyền thống cũng là nguyên nhân khiến phim nhà nước kém hấp dẫn. Trong số 3 phim nhà nước ra rạp vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 thì có một phim về lịch sử (Sống cùng lịch sử), một phim về đề tài miền núi (Mộ gió). Đây cũng là những đề tài thường thấy ở hãng phim nhà nước. Tuy nhiên một điểm hạn chế của phim Việt Nam nói chung và phim nhà nước nói riêng là không lột tả được hết cái hay của lịch sử và nhân vật lịch sử, đóng phim về miền núi nhưng cũng không thấy chất của các dân tộc miền cao. Nếu không mạnh dạn đổi mới thì phim nhà nước ắt hẳn vẫn sẽ chậm chạp giữa cuộc đua mang tên điện ảnh, nếu không muốn nói là “đắp chiếu” hoặc “dật dờ”.
Phim tư nhân – “khó” kinh phí nhưng “bội” doanh thu
Trái ngược với phim nhà nước, phim tư nhân không hề nhận được khoản kinh phí hỗ trợ từ bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Các hãng phim tư nhân phải đặt lên vai gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, do vậy tư duy làm phim hiện đại và nhanh nhạy hơn hẳn các hãng phim quốc doanh. Chủ động nắm bắt thị trường và thị hiếu của khán giả là tiêu chí của tất cả các nhà làm phim tư nhân. Không ít phim còn sẵn sàng ăn theo một số các sự kiện thời sự để tạo sức hút với độc giả, như phim Mất xác vừa ra mắt đầu tháng 9 cố tình bám vào vụ “Thẩm mỹ viện Cát tường” để PR dẫu nội dung phim chẳng mấy liên quan.
Không ít phim tư nhân có doanh thu khủng, vượt xa số tiền đầu tư, dẫn chứng tiêu biểu là phim Mỹ nhân kế với doanh thu 52 tỷ gấp 3 lần kinh phí làm phim (17 tỷ). Các rạp tư nhân Megastar, Galaxy, BHD, Lotte Cinema, CGV Vincom City Towers,… ngày càng đông khách, nhiều bộ phim được săn đón ngay sau khi có lịch chiếu. Các hãng tư nhân còn gần như nắm toàn bộ thị trường phim nhập khẩu, mang lại nguồn lợi nhuận vô cùng lớn.
Mỹ nhân kế - bộ phim có doanh thu khủng
Tuy tự lực cánh sinh, tự sản xuất, tự phát hành nhưng phim tư nhân có khá nhiều các bộ phim có chất lượng. Trong Liên hoan phim Quốc tế, Liên hoan phim Việt Nam, Cánh diều vàng,… không ít các bộ phim tư nhân đoạt giải như phim Áo lụa Hà Đông; Hotboy nổi loạn, cô gái điếm và con vịt,… Nhiều bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao từ kịch bản đến cảnh quay, diễn viên.
Doanh thu là mục tiêu hàng đầu nên phần lớn các bộ phim do tư nhân sản xuất có chiến dịch truyền thông bài bản với vô số các “chiêu trò” quảng cáo, PR. Mỹ nhân kế, Nụ hôn thần chết, Tèo em,… hay mới đây là Scandal đều vận dụng hết khả năng có thể để phủ sóng thông tin trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, trang tin điện tử, báo chí. Trailer chủ yếu là những thông tin và hình ảnh hấp dẫn, tạo sự tò mò tới công chúng. Nhiều bộ phim đánh vào thị hiếu giải trí của không ít độc giả nên nhanh chóng bán được vé.
Scandal “hot” nhờ khai thác dao kéo của giới showbiz
Làm phim tư nhân giống như một canh bạc, có thể được, cũng có thể mất. Khi không có có ai chống lưng thì các nhà sản xuất phải tự hạch toán để có thể thu lại lợi nhuận cao nhất, dàn diễn viên đề cao độ “hot” hơn là kỹ năng diễn xuất. Không ít các ca sĩ, người mẫu đang nổi có thể được mời làm diễn viên. Vì thế kinh phí có thể không thoải mái như phim nhà nước nhưng phim tư nhân vẫn “bội” doanh thu.
Cuộc đua mang tên phim nhà nước – phim tư nhân vẫn đang diễn ra. Trong khi kinh phí đầu tư cho phim nhà nước “ăn không hết” thì phim tư nhân “lần chẳng ra” và ngược lại trong khi doanh thu phim nhà nước “bèo bọt” thì phim tư nhân lại thu về một lợi nhuận “khủng”.
Lê Quang Đức
Nguồn ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận