Phóng sự điều tra trên truyền hình: Vinh quang thầm lặng
(Sóng trẻ) – 9h00 ngày 21/12, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Phóng sự điều tra trên truyền hình: Ánh sáng sau ống kính". Tọa đàm là cầu nối giữa những phóng viên điều tra kỳ cựu cùng độc giả trẻ, đam mê báo chí của trang tin.
Báo chí được xem như “ngọn đuốc” soi sáng trên mặt trận thông tin, phơi bày các tội ác nguy hiểm, góp phần bảo vệ công lý và trật tự xã hội. Tuy nhiên, để có được những manh mối quý giá sản xuất các tác phẩm báo chí điều tra chất lượng, các phóng viên, nhà báo phải đối mặt với không ít khó khăn và nguy hiểm.
Tọa đàm trực tuyến “Phóng sự điều tra trên truyền hình: Ánh sáng sau ống kính" được tổ chức với mục đích truyền cảm hứng cho những bạn trẻ có niềm đam mê với báo chí, đặc biệt là thể loại báo chí điều tra. Chương trình có sự tham gia của hai khách mời là phóng viên Anh Tuấn và quay phim Chu Thanh, đến từ Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV 24.
MC: Điều gì đã thôi thúc các anh theo đuổi lĩnh vực phóng sự điều tra trên truyền hình?
Phóng viên Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng với cá nhân mình đối với công việc có 3 lý do:
Thứ nhất, khi làm công việc gì cũng phải yêu thích công việc đó, có niềm đam mê với công việc đó thì mới có kết quả như mong đợi. Thứ hai, khi mình làm công việc thực hiện phóng sự điều tra thì tôi tìm thấy cảm hứng thông qua việc tìm hiểu góc khuất. Quá trình đó mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi một câu chuyện, vấn đề là một góc nhìn khác nhau.
Thứ ba, việc làm phóng sự khiến tôi thấy rằng bản thân đã đóng góp điều gì đó có thể làm cho xã hội tốt hơn. Mỗi phóng sự tôi thực hiện luôn hướng đến mong muốn đưa các vấn đề tiêu cực diễn ra theo chiều hướng tốt hơn. Đó là ba lý do khiến tôi theo đuổi nghề phóng sự điều tra.
Quay phim Chu Thanh: Trong quá trình làm nghề, hoặc đơn giản hơn là trong chính quá trình sống, tôi nhận thấy xã hội có nhiều điều không tử tế. Và với mỗi cá nhân trong xã hội, mình phải có chức trách làm cho xã hội phát triển hơn. Vì vậy, bản thân tôi luôn muốn mình phải là người ghi lại những thước phim để làm tròn được chức trách đó.
MC: Các ảnh cảm thấy công việc này có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội và cá nhân mình?
Phóng viên Anh Tuấn: Theo đuổi công việc này trong hơn 10 năm qua, tôi luôn nhớ đến câu nói của một vị danh nhân: "Mọi chuyện trở nên tốt đẹp hay không, đôi khi không phải do hành động của những kẻ xấu mà đôi khi do sự im lặng của những người tốt". Trong bất kỳ vấn đề gì tôi luôn đặt câu hỏi nếu lên tiếng thì sao? Không lên tiếng thì sao? Kết quả của hành động đó sẽ như thế nào? Khi trả lời được những câu hỏi này, tôi quyết định thực hiện các phóng sự điều tra. Tôi muốn đưa đến sự thật cho các khán giả, những người chưa biết đến câu chuyện đó. Đó là động lực quan trọng nhất giúp tôi và anh Chu Thanh thực hiện thể loại này.
Ẩn họa rình rập
MC: Trải qua nhiều năm làm nghề, các anh đã đối mặt với những rủi ro pháp lý hay mối đe dọa an toàn đối với cá nhân như thế nào?
Phóng viên Anh Tuấn: Công việc chúng tôi đang làm luôn có những rủi ro nhất định và không ai muốn đưa mình vào thế nguy hiểm. Chúng tôi luôn bàn bạc, trao đổi với nhau để không bị đưa vào tình thế bị động. Vì xét cho cùng muốn thu thập được thông tin thì chúng tôi phải an toàn trước. Thực tế trong quá trình tác nghiệp không ai muốn gặp rủi ro. Bởi khi bản thân gặp nguy hiểm khi chính mình lại làm cho người khác phải lo.
Anh Chu Thanh là một trong những quay phim rất cẩn thận, tính toán kỹ trong các tình huống để đảm bảo an toàn. Có vài lần tác nghiệp bản thân rơi vào tình huống nguy hiểm nhưng lúc đó cũng phải xử lý nhanh làm sao để tránh ảnh hưởng đến bản thân và giảm thiểu rủi ro nhất có thể.
Quay phim Chu Thanh: Tuỳ từng đề tài, về kinh tế, chính trị,... mỗi lĩnh vực sẽ có những điểm “nóng” tương đối nguy hiểm. Bởi lẽ đó, khi tiếp nhận đề tài, bao giờ tôi cũng sẽ đọc trước những thông tin mà mình tiếp xúc và dự trù các phương án, giải pháp để tránh được các rủi ro nguy hiểm. Chính vì vậy, trong suốt quá trình tác nghiệp tôi may mắn chưa gặp bất kỳ nguy hiểm nào.
MC: Trong quá trình tác nghiệp, mặc dù đã đề phòng tất cả các rủi ro nhưng cũng không thể đảm bảo 100% an toàn. Trong trường hợp gặp nguy hiểm, các anh sẽ xử lý như thế nào?
Quay phim Chu Thanh: Về bản chất, thể loại phóng sự điều tra là một trong những thể loại báo chí có mức độ tác động lớn đối với quyền lợi, hoạt động của đối tượng điều tra. Cho nên, thay vì liều mình, nhà báo phải có kiến thức về kinh tế, chính trị… đặc biệt là phải có một sức khoẻ thật tốt, một đôi chân chạy thật nhanh để ứng phó kịp thời với các tình huống như vậy.
MC: Làm thế nào để thu thập thông tin từ những nhân vật không muốn tiết lộ sự thật?
Phóng viên Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nghề báo là luôn luôn giữ góc nhìn khách quan, nhìn câu chuyện dưới nhiều góc khác nhau. Các bạn cần đặt mình vào đối tượng đang bị điều tra nghĩ xem họ sẽ phản ứng như thế nào và tìm hướng xử lý. Chúng ta cần ghi nhớ quan điểm đó. Nhà báo là người ghi lại những sự việc đang diễn ra hằng ngày và không nên tác động đến nó. Khi chúng ta có góc nhìn đa dạng sẽ định hướng được thông tin đúng.
MC: Để cuộc điều tra đi đến đích, phóng sự phát sóng thành công, những người thực hiện đã phải chuẩn bị kế hoạch như thế nào?
Phóng viên Anh Tuấn: Phóng sự trên truyền hình là lĩnh vực rất đặc thù. Vai trò của phóng viên hay quay phim đôi khi là như nhau. Chúng tôi luôn luôn bàn bạc với nhau kỹ trước khi thực hiện, hỗ trợ nhau. Để quy trình chuẩn luôn có những nguyên tắc nhất định.
Đầu tiên vẫn phải trả lời câu hỏi tại sao làm đề tài đó? Làm vì mục đích gì? Chính câu trả lời của hai câu hỏi này sẽ định hướng được nội dung, thông điệp của phóng sự sẽ triển khai. Sau đó lên kế hoạch thu thập dữ liệu từ các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan chức năng. Bước hai là đi thực tế, tìm thêm dữ liệu. Khi có đủ thông tin sẽ lên kế hoạch đi tác nghiệp như các tác phẩm bình thường.
Ví dụ phóng sự về "Nỗi đau sông mẹ" phản ánh các vấn đề trên sông Hồng, cả tôi và Chu Thanh cùng chung quan điểm là có cảm hứng với đề tài đó. Từ lúc có ý tưởng, hai anh em bắt tay vào nghiên cứu thông tin. Cuối năm 2023, chúng tôi làm phản ánh rất nhiều về sông Hồng. Đây là con sông huyết mạch, và ảnh hưởng lớn tới đồng bằng Bắc Bộ và con sông đang bị thay đổi, tác động theo chiều hướng tiêu cực. Chỉ một cú cự cựa mình của dòng sông cũng có thể gây tác động rất lớn đến rất nhiều người.
Từ những câu chuyện đó của sông Hồng chúng tôi lựa ra nhiều góc độ và chọn góc độ tốt nhất để phản ánh. Chúng tôi liên tục theo dõi thông tin về sông Hồng, càng nghiên cứu sâu càng có nhiều câu chuyện để nói về nó.
MC: Khi thực hiện những phóng sự điều tra có yếu tố nhạy cảm, thậm chí phóng viên có thể đối diện với những nguy hiểm, lãnh đạo cơ quan đã có hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào cho phóng viên?
Quay phim Chu Thanh: Việc được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện theo tôi là quan trọng nhất. Sau này các bạn làm việc tại bất kỳ đơn vị nào, sẽ rất may mắn khi chúng ta được ủng hộ, tạo điện kiện về thời gian, phương tiện tác nghiệp để mình làm đúng kế hoạch. Tôi nghĩ anh Chu Thanh cũng giống tôi dù anh làm ở phòng khác. Chúng tôi luôn bàn với nhau kỹ và nhận được điều kiện tốt nhất của lãnh đạo.
MC: Vậy hai khách mời có thể kể về một tình huống nguy hiểm cụ thể nằm ngoài kế hoạch dự kiến của ekip khi thực hiện sản xuất phóng sự điều tra?
Phóng viên Anh Tuấn: Kỹ năng để sinh tồn, bảo vệ bản thân… là những kỹ năng rất quan trọng và chúng ta luôn phải cố gắng để lường trước mọi thứ. Chúng ta không nên để bản thân vào tình huống khó. Mình không bao giờ đánh đổi mạng sống của mình để lấy những thước hình hay phóng sự. Có rất nhiều cách để đưa sự thật ra ánh sáng mà vẫn an toàn.
Tôi rất ngưỡng mộ anh Thanh khi anh đã có một tháng ăn, ngủ với lâm tặc trong rừng sâu. Tôi nghĩ lúc đó anh đã "nhập vai" rất tốt. Thủ pháp này nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Mình phải có các kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn, tính toán kỹ năng đề phòng trường bị lộ thân phận. Đó là trường hợp nguy hiểm nhất, phải học cách che giấu bản thân.
Quay phim Chu Thanh: Trong hai phóng sự lớn mà tôi vừa thực hiện trong thời gian gần đây thì có một tình huống là tôi bị một bác bảo vệ đẩy và đuổi tôi ra ngoài. Dựa vào tính cách và hành vi có vẻ côn đồ đó, các bạn có thể đưa ra phán đoán rằng họ là một doanh nghiệp trá hình, hoạt động kinh doanh không rõ ràng và những đối tượng ở sau cũng có tính “côn đồ” tương tự. Đã biết nguy hiểm thì không vào, chắc chắn sẽ bị tác động, mạnh nữa là khác.
Ví dụ, với phóng viên Anh Tuấn, là người đã có kinh nghiệm thì anh ấy có khả năng phán đoán đủ tốt để biết nhóm lừa đảo tập kích ở đâu, tình huống xảy ra như nào và đặc biệt là Tuấn có ekip bảo vệ. Còn các bạn, khi chưa có thẻ nhà báo, đừng dại mà liều lĩnh bắt chước. Mình có thể không giỏi về kỹ năng nói, viết nhưng mình bắt buộc phải có kỹ năng sinh tồn, bảo vệ bản thân.
MC: Trong quá trình đưa vụ việc ra ánh sáng, người phóng viên phải làm gì khi bị cản trở hoặc gây áp lực từ các đối tượng liên quan đến vụ việc?
Phóng viên Anh Tuấn:
Câu hỏi này rất rộng, các đối tượng có thể cản trở dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là cản trở quá trình tác nghiệp của mình. Như bản thân tôi cách đây hai năm, tôi đã nhận được một cuộc gọi của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi tác nghiệp bên ngoài. Bạn bị “dằn mặt”, dọa hành hung. Với những tình huống như thế để giải quyết cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để trình báo sự việc trước tiên.
Còn với những tình huống bất ngờ hơn, mình không thể kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng, mình cần phải làm thế nào để hạn chế sự tác động nhiều nhất, hạn chế rủi ro ở mức tối đa để tránh thiệt hại. Còn trong quá trình tìm hiểu các vấn đề lỡ không may bị phát hiện, tôi nghĩ sẽ có nhiều cách đối phó, các bạn cần tuy cơ ứng biến linh hoạt. Những điều đấy sau này khi đi làm các bạn có thể gặp nhiều hơn.
Lằn ranh đạo đức
MC: “Táo tợn ổ nhóm lừa đảo trước cổng bệnh viện K” là một trong những phóng sự gây tiếng vang của các anh trong thời gian gần đây. Đối tượng phản ánh của phóng sự là nhóm đối tượng cực kỳ nguy hiểm và manh động. Khi tiếp xúc với những đối tượng này, các anh đã gặp phải những cản trở nào? Và cách xử lý của các anh ra sao?
Phóng viên Anh Tuấn: Điều khó khăn nhất khi thực hiện phóng sự này là thu thập bằng chứng. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao thu thập nhiều bằng chứng nhất có thể, có giá trị về mặt thông tin, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng. Chúng tôi thâm nhập cần phải xác định rõ cần lấy dữ liệu gì, thông tin gì... Và các bạn cần phải xác định rằng các đối tượng lừa đảo thì chắc chắn sẽ có sự tinh quái, lưu manh nhất định.
Để điều tra vấn đề tại bệnh viện K, anh Thanh đã giả làm người bệnh để thâm nhập. Chúng tôi luôn trao đổi với nhau trước khi triển khai các bước. Trong quá trình điều tra, anh em ở ngoài luôn theo dõi, liên lạc với nhau thường xuyên. Nhờ vậy, anh Thanh đã ghi được những thước phim, câu thoại “quý” của các đối tượng.
Quay phim Chu Thanh: Tác phẩm đó tôi và phóng viên Anh Tuấn thực hiện trong 1 tháng. Để dễ dàng thu thập bằng chứng, mỗi ngày chúng tôi phải đóng 1 vai. Có lúc thì tôi vào vai người đi khám bệnh, dành nhau để vào khám; có lúc lại nằm ở vỉa hè; khi quay thì bị một số người dân vô tình che lấp ống kính, lúc đó tôi còn phải giả là làm người nghiện để xua đuổi họ, tiện cho hoạt động quay chụp.
Và thực sự, hồi làm phóng sự đó, tôi cảm thấy quá chua xót. Có những người, ung thư, hấp hối rồi nhưng chỉ vì tin vào câu nói “có người quen trong bệnh viện” của những đối tượng lừa đảo mà tiền mất tật mang.
MC: Đó là những chia sẻ từ khách mời Anh Tuấn. Vậy còn đối với quay phim Chu Thanh, người thực sự đi vào “hang cọp” để ghi lại những thước phim quý giá, làm thế nào để thu thập được hình ảnh của đối tượng mà vẫn đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình?
Quay phim Chu Thanh: Thực ra, vai trò của chúng tôi trong các phóng sự điều tra cũng không lớn lao đến mức vào được “hang cọp”. Những khu “hang cọp” có lẽ chỉ dành cho lực lượng chức năng, những đơn vị có thẩm quyền để có thể xâm nhập sâu nhất có thể.
Đứng ở vai trò quay phim, điều quan trọng nhất là ghi lại được bằng chứng về sự sai trái của các đối tượng trong “hang cọp”. Với các bạn sinh viên, khi đang tập tễnh vào nghề, nếu các bạn muốn tìm hiểu, muốn ghi lại, hãy lựa chọn những phương án xâm nhập đủ an toàn, đừng để đưa mình vào thế khó.
MC: Có lần nào một kế hoạch tác nghiệp điều tra hiện trường tưởng như thất bại lại vô tình mở ra một câu chuyện mới hoặc một hướng đi bất ngờ không?
Phóng viên Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng chưa, chúng ta thất bại, đi tiếp và đừng dừng lại. Khi chúng ta đã có định hướng nghiên cứu, có đầu mối làm sẽ không có thất bại. Chúng ta chỉ thất bại khi không thu thập thêm bằng chứng câu chuyện định làm. Tôi nghĩ rằng việc tìm hiểu đề tài và định hướng đề tài là rất quan trọng.
MC: Đã có khi nào các anh phải lựa chọn giữa hai sự lựa chọn “trách nhiệm đưa tin” với “quyền riêng tư của nhân vật” trong câu chuyện đó?
Phóng viên Anh Tuấn: Câu chuyện này tôi đã trải qua rồi nhưng nó chưa đến mức phải day dứt, suy nghĩ rất nhiều về nó. Những câu chuyện như thế này hẳn anh Thanh đã trực tiếp trải qua rồi. Có một câu chuyện tiêu biểu như Anh Thanh theo hành trình của 1 cô gái từ lúc cô gái là con nhà lành đến lúc bị lừa bán vào động đến khi cô gái hoàn lương. Tôi “khơi mào” một chút như vậy, cụ thể câu chuyện anh Thanh sẽ bật mí cho các bạn.
Quay phim Chu Thanh: Điều tra chọn tôi, chứ tôi không chọn điều tra. Từ những ngày đầu đặt tay lên ống kính, tôi thích làm phim tài liệu hơn nên thường các phóng sự của tôi, góc nhìn sẽ khá đa chiều. Và tôi luôn cố gắng làm sao đạt đến được cái chuẩn chân - thiện - mỹ trong từng tác phẩm.
Câu chuyện mà anh Anh Tuấn chia sẻ là một phóng sự làm tôi day dứt mãi. Tôi luôn nhớ về một cô gái, bạn này không phải con nhà lành, mà quá lành. Bạn ấy chỉ 13, 14 tuổi, xuống Hà Nội xin việc, được hứa hẹn cho đi làm ở quán cafe và xui sao lại dính phải một quán cafe trá hình với vô số cạm bẫy.
Bằng nhiều phương thức khác nhau, người ta ép bạn phải học cách son phấn, thẩm mỹ, hứa hẹn lương cao… Đến lúc các khoản nợ để “đầu tư cho nghề” nhiều quá, họ “lật mặt”, ép bạn bán dâm. Khi thực hiện phóng sự này, tôi không chỉ quay phim mà bản thân đã thực sự xâm nhập vào đó, cướp bạn đấy ra, có cả người nhà bạn đi tìm. Đó là một bộ phim tài liệu có tính phong sát rất cao, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bạn trẻ.
Khi bàn bạc với các đồng nghiệp trong tòa soạn, người đồng ý người không. Tôi đã dành thời gian, tâm huyết thuyết phục được cả ekip, phân công mỗi người có một trách nhiệm và rõ ràng đây là một trách nhiệm tốt đẹp.
Tôi cũng khuyến khích bạn nữ, bạn làm 5 năm, quá khứ của bạn không sai, bạn vẫn có cơ hội làm lại. Đến giờ, mình gặp Tuấn là mình cứ nhắc lại câu chuyện đó.
MC: Có khi nào các anh cảm thấy muốn từ bỏ hoặc quá áp lực khi làm phóng sự điều tra hay chưa?
Phóng viên Anh Tuấn: Thật ra thì có chứ. Có những câu chuyện, vấn đề đã thu thập thông tin được rồi, làm xong hết rồi thì cả đêm hôm đấy có thể không ngủ được. Nhiều khi đã thực hiện xong hết rồi những tôi vẫn suy nghĩ nhiều lắm, nó có thể ảnh hưởng đến ai, như thế nào, có ảnh hưởng đến bản thân không. Nhưng khi nghĩ một cách thấu đáo thì lại sẽ đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Có những phóng sự đã sắp sửa hoàn thành nhưng vẫn quyết định để lại vì sự an toàn cho bản thân mình đầu tiên, cho đơn vị của mình. Có những câu chuyện như thế chúng tôi lưu lại, âm thầm theo dõi tiếp trong suốt một năm. Khi nào có hướng rõ ràng chúng tôi sẽ công bố. Những vụ việc như thế là đều phải suy nghĩ rất nhiều và người làm rất áp lực. Nhưng vì chúng tôi yêu thích theo đuổi những đề tài mà chúng tôi cảm thấy là trách nhiệm của mình, trách nhiệm của nhà báo nên vẫn quyết tâm làm.
Quay phim Chu Thanh: Trách nhiệm của nhà báo và người viết báo, nó khác xa nhau lắm. Các bạn, khi thực hiện một tác phẩm, trách nhiệm của các bạn đang là trả ơn thầy cô, bố mẹ vì đã dạy dỗ; tận dụng trọn vẹn vốn kiến thức mình có thể xâm nhập, để viết, để quay. Nhưng, điều đó chẳng có gì là vĩ đại cả khi đích cuối của nó chỉ là số lượng và đồng lương. Trong khi đó, trách nhiệm của một nhà báo lại chính là trách nhiệm với quê hương, đất nước để làm cho xã hội tốt đẹp lên, đó mới là điều thực sự có ý nghĩa.
MC: Với kinh nghiệm của mình, hai anh có lời khuyên nào cho các phóng viên trẻ hay quay phim trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này?
Phóng viên Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng công việc nào cũng thế, nhất là nhà báo, không phải mỗi việc thực hiện phóng sự cũng đều phải có nguyên tắc là “trái tim đủ nóng” - để chúng ta biết rung động, chọn im lặng hay lên tiếng. Ví dụ khi bạn nhìn thấy những người công nhân quét rác, lương của họ có 6 triệu/ tháng nhưng điều kiện làm việc nguy hiểm, ô nhiễm. Khi họ bị bỏ rơi, quỵt lương trong gần một năm. Chúng tôi thấy là họ gần như chạy ăn từng bữa.
Những lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ là trái tim của nhà báo mà trái tim của con người đều mong muốn phải làm gì đó giúp họ, để họ được hưởng đồng lương xứng đáng với công sức của họ. Khi chúng ta làm gì cũng cần suy nghĩ xem những thông tin mình đưa ra sẽ tác động như thế nào đến các đối tượng phản ánh trong câu chuyện, đến xã hội, và đảm bảo an toàn cho bản thân. Đặc biệt, các bạn phải lưu ý những rủi ro về pháp lý.
Nếu không có “đầu lạnh”, không đủ sự tỉnh táo thì bạn có thể đối mặt với rủi ro về pháp lý. Cái này mình phải tránh để đảm bảo an toàn cho bản thân. Tôi nghĩ nên cânh nhắc kỹ lưỡng, hằng ngày đi làm luôn dặn mình liệu quá trình thu thập thông tin có vi phạm pháp luật không.
Quay phim Chu Thanh: Phóng sự điều tra, nhất là thể loại truyền hình có độ phức tạp cao. Để ra được một tác phẩm hực sự sâu sắc và có tính thời sự cao, nhiều khi, biên tập cũng là quay phim và quay phim cũng là biên tập. Có những thước phim nó diễn ra quá nhanh, và để bắt kịp những khoảnh khắc đó thì biên tập và quay phim có thể làm thay nhau.
Tôi thấy, các bạn trẻ thế hệ ngày nay thì có lẽ các bạn đã có phần quen thuộc với tính “đa-zi-năng” nên cả quay, cả biên tập là việc hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ngay từ hôm nay, các bạn nếu thực sự đam mê, hãy học và hiểu thêm về pháp luật, nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh. Và đôi khi, hãy đặt bản thân vào những tình huống giả lập để cân đo bản thân trước pháp luật, liệu mình có sẵn sàng trả giá hay không.
Bởi, hoạt động điều tra khi xâm nhập đủ sâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, cơ quan, thậm chí là gia đình và đôi khi còn kéo theo bao nhiêu người vô tội khác. Do đó, nếu chỉ nhìn nhận vấn đề ở góc độ cảm quan, cảm tính, phiến diện thì mình sẽ không nhìn rõ nhìn vấn đề, và đôi khi dễ sa vào “bẫy”.
MC: Giả sử hai anh là phóng viên đang thực hiện một phóng sự điều tra về nạn buôn lậu dược liệu ở biên giới. Trong một lần tiếp cận hiện trường, anh bị phát hiện bởi một nhóm người liên quan đến đường dây. Họ yêu cầu giao nộp toàn bộ tài liệu và cam kết dừng điều tra, nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng của bạn hoặc người thân. Trong tình huống này, hai anh sẽ làm gì?
Phóng viên Anh Tuấn: Như tôi nói an toàn là quan trọng nhất vì đây là tình huống quá nguy hiểm rồi. Còn nếu có thêm tư liệu nào quý thì nhanh chóng giấu vào đâu đó, nghe theo lời của đối tượng và sau đó cố gắng quay lại tìm hiểu. Cần phải đam bảo an toàn cho bản thân trước.
Quay phim Chu Thanh: Ở góc nhìn của tôi, chúng tôi không bao giờ đưa mình vào thế khó. Giống như Anh Tuấn nói, phải giữ được thông tin của mình trước tiên. Có một lần, tôi tác nghiệp ở cửa khẩu Tây Ninh và tôi bị tổ chức trái phép đó phát hiện. Việc đầu tiên tôi làm là rút thẻ nhớ, vứt máy để giữ lại các thông tin quan trọng. Một lần khác, tôi thâm nhập vào xưởng gỗ ở Thanh Hoá vào ban đêm, tôi đứng tỉnh bơ tôi quay bình thường. Sau đó có lái xe vào hỏi: "Anh là ai?", tôi nói: "Em là bảo vệ mới" thế là anh em trò chuyện bình thường. Từ hai trường hợp này, kinh nghiệm của tôi là các bạn nên giữ "cái đầu lạnh", đừng hoảng sợ, đảm bảo an toàn cho mình, nhanh chóng đưa ra các phương án. Bạn phải nghĩ trước phương án ở nhà, đừng đến nơi mới nghĩ phương án khi đó có thể sẽ khiến kế hoạch bị đổ bể.
Độc giả Quỳnh Anh (Hà Nội): Trong quá trình sản xuất, làm thế nào để cân bằng quyền riêng tư của nhân vật và quyền tiếp cận thông tin của khán giả?
Phóng viên Anh Tuấn: Trường hợp này tôi gặp rất thường xuyên. Đầu tiên, nếu họ là nhân vật của mình thì phải xin phép họ, được sự đồng ý của họ để khai thác thông tin. Nếu họ bày tỏ lo lắng thì mình cần cân nhắc, thuyết phục họ bằng các lý lẽ phù hợp. Sau đó, họ đồng ý thì mình sẽ tính đến phương án để không lộ danh tính như che mặt, làm méo giọng. Nhà báo chỉ có trách nhiệm tiết lộ thông tin cá nhân của họ với các cơ quan điều tra, những cơ quan khác thì không cần phải tiết lộ.
Quay phim Chu Thanh: Vấn đề về quyền riêng tư tương đối nhạy cảm, mình phải được sự đồng ý của họ và thể hiện điều đó qua bằng chứng cụ thể. Như ở nước ngoài, các nhà báo, phóng viên sẽ có biên bản để nhân chứng kí, chứng minh họ cung cấp cho nguồn tin cho mình. Việc này rất nhạy cảm nên các bạn quay phim, nhà báo tương lai phải ghi nhớ cho tôi điều đó để tránh các tranh chấp về pháp luật. Vì vậy, các nhà báo tương lai phải biết và có bằng chứng cụ thể khi tác nghiệp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của hai khách mời!