Phỏng vấn chuyên gia: Thay đổi ứng xử với con trong mùa dịch Covid-19
(Sóng trẻ) - “Cùng với những hoạt động giáo dục con trẻ như thường ngày, cha mẹ phải trở thành những người bạn của con, tôn trọng những nhu cầu, sở thích và không nên áp đặt gây thêm sự ức chế cho trẻ.” - Tiến sĩ Tấm lý Hà Bình Hòa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PV: Xin chào Tiến sĩ Tâm lý Hà Bình Hòa, cảm ơn bà đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã làm thay đổi rất nhiều thói quen sống và hoạt động của các tầng lớp trong xã hội. Vậy bà nghĩ như thế nào về quãng thời gian này đối với các em học sinh đang trong độ tuổi phát triển?
TS Hà Bình Hòa: Cùng với học tập thì hoạt động vui chơi, giải trí giữ một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Từ khi dịch COV19 bùng phát đã đảo lộn rất nhiều thói quen sống của mọi người trong xã hội, đặc biệt là học sinh các cấp. Thay vì trước đây, mỗi ngày các em được đến trường đi học được gặp thầy, gặp bạn thì nay đã không còn. Các em phải học độc lập qua các thiết bị điện tử, đòi hỏi phải tự giác, phải chú ý nhiều hơn mới mong có kết quả. Bên cạnh đó những bất cập về phương tiện, đường truyền gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập cũng như tâm lý của các em học sinh. Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn đối với hoạt động của các nhà trường, các bậc phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh.
Do phải sống và học tập trong một không gian chật hẹp quá dài, hệ quả là nhiều em cảm thấy bí bách, khó chịu, thậm chí là bực bội vô cớ vì mọi thứ không được như ý. Bên cạnh đó, bố mẹ của các em cũng vừa phải làm việc, vừa phải giám sát các con học tập và vui chơi tại nhà. Chính vì vậy, đây là khoảng thời gian khó khăn cho các bậc phụ huynh và các em học sinh.
PV: Tại sao càng vào dịp cuối năm các em lại càng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực như vậy ạ?
TS Hà Bình Hòa: Đối với các em học sinh thì khoảng thời gian cuối năm là thời điểm để các em chờ đợi được cha mẹ đưa đi chơi vào những dịp như Noel, Tết Dương lịch. Song, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Những mong đợi không được thực hiện, thêm vào đó là quãng thời gian dài sống trong không gian chật hẹp của gia đình, phải học online đã làm cho các em cảm thấy quá tải, mệt mỏi: một số em vào học không đúng giờ, tìm cách trốn tránh việc học tập như: mở máy cho có mặt nhưng lại làm việc khác hoặc ngủ gật…nhiều học sinh nói lên cảm xúc buồn chán khi phải học như hiện nay. Lễ Noel, nghỉ tết dương lịch đang đến gần, những chuyến đi xa chắc chắn không được thực hiện, sự hụt hẫng, khó chịu ở các em càng lớn… Bên cạnh đó, do áp lực công việc và kinh tế, quan hệ của cha, mẹ, con cái trong gia đình cũng không tránh khỏi có những lúc xung đột…tác động không nhỏ đến đến tâm lý tiêu cực ở các em.
PV: Thời gian gần đây, số ca mắc covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, điều này tác động như thế nào đến trẻ em thưa bà?
TS Hà Bình Hòa: Cuộc sống cho thấy, những hoạt động được con người lặp lại nhiều lần, lâu ngày sẽ trẻ thành thói quen. Thời gian để chấm dứt dịch Covid-19 chưa có lời hẹn, có thể tiếp tục kéo dài hoặc nhanh chóng chấm dứt. Việc kéo dài gian học tập trong tình trạng có dịch Covid-19, tâm lý của các em sẽ diễn biến theo hai chiều hướng: Chiều hướng tích cực là các em sẽ thích nghi dần với điều kiện mới: Không còn cảm thấy bức bí khi phải hoạt động và học tập qua các phương tiện điện tử.
Chiều hướng tiêu cực: Một số em có thể không thích nghi được sẽ dẫn đến việc chểnh mảng và không thích học qua các phương tiện điện tử, dẫn tới các biểu hiện như trầm cảm, hung hãn vô cớ, bỏ học, bỏ ăn. Thực tế, phụ huynh có thể thấy một số dấu hiệu từ con như hay phàn nàn, không vâng lời, hoặc giờ giấc sinh hoạt của con thay đổi, con thức khuya hơn, bỏ bữa, ăn vặt nhiều lên. Tệ hơn, vì ở trong nhà quá lâu mà không được vận động, không có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, các em cảm thấy bứt rứt, khó chịu với mọi thứ dù là nhỏ nhất ví dụ như ném điều khiển khi không hoạt động theo ý của mình, la hét không có lý do, hoặc cảm thấy cáu tức, văng tục khi món ăn không hợp khẩu vị.
Tình trạng trên kéo dài, sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của trẻ: Ích kỉ, các hoạt động có xu hướng thiếu sự tương tác giữa người với người...
PV: Khi thấy con có dấu hiệu bất thường như vậy thì cha mẹ nên làm gì thưa bà?
TS Hà Bình Hòa: Trước hết, cha mẹ phải thấu hiểu và thông cảm những khó khăn mà trẻ đang gặp phải, không vội vàng trách phạt.
Mỗi ngày bố mẹ có thể dành ra một khoảng gian cần thiết để tâm sự và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con. Bố mẹ cũng nên dành thời gian chơi cùng con, tổ chức những hoạt động vui chơi hoặc làm việc nhà. Các hoạt động trên vừa giúp gắn kết thành viên trong gia đình, vừa giúp con khắc phục được những tác hại tiêu cực của các thiết bị điện tử.
Cùng với những hoạt động giáo dục con trẻ như thường ngày, cha mẹ phải trở thành những người bạn của con, tôn trọng những nhu cầu, sở thích và không nên áp đặt gây thêm sự ức chế cho trẻ.