Người trẻ ngày càng ngại sinh con

(Sóng trẻ) - Ngày nay, xu hướng kết hôn muộn với những nỗi lo về kinh tế, áp lực cuộc sống, công việc… là nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ mang tâm lý ngại sinh con.

Ngại sinh con vì nhiều lý do

Đỗ Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết bản thân chưa có ý định kết hôn hay sinh con: "Mặc dù bố mẹ cũng có thúc giục nhưng tôi vẫn chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Tôi đang rất bận với việc vừa đi làm, vừa đi học cao học vì thời gian tới, tôi có một số mục tiêu nhất định cần đạt được trong công việc. Hiện tại thời gian tôi dành cho gia đình và chính bản thân mình còn eo hẹp nên tôi chưa nghĩ đến việc kết hôn hay sinh con".

Ngọc Anh chia sẻ bản thân muốn hướng đến trở thành mẫu người phụ nữ độc lập, tự chủ tài chính và có vị trí nhất định trong công việc: "Nếu bây giờ lập gia đình và sinh con, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế phần nào khả năng thăng tiến trong công việc, ít nhất là trong 2-3 năm. Chính vì thế tôi muốn xây dựng một sự nghiệp ổn định trước, rồi mới nghĩ đến kết hôn và những chuyện khác sau".

Không chỉ những người chưa lập gia đình như Ngọc Anh, một số cặp vợ chồng trẻ hiện nay cũng ngần ngại trong việc sinh con. Thu Trang (29 tuổi) chia sẻ dù đã kết hôn được 3 năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa sinh con vì lo lắng về vấn đề kinh tế. Vợ chồng Trang đều làm nhân viên văn phòng với tổng thu nhập một tháng khoảng 20 triệu.

anh-1.jpg
Vợ chồng Trang chưa có ý định sinh con vì áp lực kinh tế. (Ảnh: NVCC)

"Bây giờ chi phí ăn ở, sinh hoạt ngày càng tăng, 2 vợ chồng còn đang thuê nhà nữa nên càng phải tính toán kỹ lưỡng. Chúng tôi cũng muốn phấn đấu mua được một căn nhà trước khi có con để ít nhất đảm bảo được chỗ ở. Nhưng giá đất hiện tại thì ngoài tầm với của tôi. Nếu bây giờ sinh con, thêm tiền ăn uống, bỉm sữa rồi học hành, nuôi dạy con thì vợ chồng tôi sẽ rất khó khăn và không thể cho con điều kiện phát triển tốt nhất được", Thu Trang bộc bạch.

Hoàn thiện chính sách khuyến sinh

Theo Tổng cục Thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, từ tổng tỷ suất sinh là 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2006. Mức sinh thay thế này được duy trì trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên đến năm 2023, lần đầu tiên mức sinh của Việt Nam giảm còn dưới 2 con. Đáng chú ý, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận mức sinh thấp nhất cả nước với 1,32 con.

anh-2.png
Năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức sinh thấp kỷ lục. (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Tổng cục Thống kê dự báo thời gian tới, tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và có thể đạt trạng thái “dừng”. Theo đó, sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Ngày 15/10 vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn”, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa 15, dự báo dân số của Việt Nam chỉ còn 46 triệu người vào năm 2200 nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số.

Trên thực tế, Việt Nam đã có đưa ra nhiều chính sách để cải thiện mức sinh. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 558 về "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mong muốn các thanh niên nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và có nhiều chính sách hỗ trợ cho gia đình sinh đủ hai con ở các thành phố có tỷ suất sinh thấp.

Năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 01//TT-BYT bao gồm chính sách khen thưởng, hỗ trợ với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một số tỉnh, thành phố có mức sinh thấp đã nhận được hỗ trợ, khuyến khích bằng tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân,…

Tuy nhiên đến nay, những chính sách trên vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Mức tăng dân số vẫn đang chậm lại, nguy cơ già hóa và khủng hoảng lao động vẫn đang hiện hữu. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, chính sách khuyến sinh cần có những thay đổi để hoàn thiện và mang tính thiết thực hơn, đặc biệt là gỡ bỏ được tâm lý ngại sinh con của nhiều bạn trẻ hiện nay.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về hành vi của người trẻ. Đồng thời sớm đưa ra những giải pháp chăm lo, hỗ trợ cấp thiết từ y tế, giáo dục, việc làm, thu nhập, chính sách an sinh xã hội cho trẻ em,...để giảm bớt áp lực cho người trẻ. Từ đó giúp họ có đủ tự tin để sinh con và nuôi dạy con trong điều kiện phát triển tốt nhất, góp phần tạo nguồn nhân lực khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN