Từ nhà nho đến nhà văn, nhà báo Việt Nam hiện đại
(Sóng Trẻ)-Khi nghiên cứu những đặc điểm của đời sống báo chí nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cần phải chú ý đến vai trò của các nhà nho, nhất là các “nhà nho tài tử” như một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào sự xuất hiện, hình thành và phát triển của nền báo chí và nền văn học hiện đại Việt Nam
1.Sự cáo chung của nền Hán học ở Việt Nam
Chúng ta biết rằng nền văn học viết Việt Nam bắt đầu định hình và phát triển liên tục từ cuối thế kỷ thứ X với hai bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm (từ thế kỷ XIII). Ngay từ đầu, nó chưa phải là một nền văn học Nho giáo. Điều này có nguyên nhân ở chỗ: sự hình thành và phát triển của bất cứ nền văn học dân tộc nào trước hết cũng đều là sản phẩm tinh thần của chính dân tộc đó để phản ánh tư tưởng và tình cảm của mình. Trước khi diễn ra quá trình vận động đi vào quỹ đạo văn học thế giới, văn học Việt Nam đã vận động gia nhập vào quỹ đạo vùng của văn học Đông - Á.
Sự cáo chung của nền Hán học là một tất yếu lịch sử. Các trí thức tiến bộ Việt Nam ngay từ cuối thế kỷ XIX đã nhìn nhận chữ quốc ngữ như một công cụ vô cùng hiệu quả của công cuộc đổi mới văn hoá trước một bối cảnh rộng lớn của sự giao lưu giữa phương Đông và phương Tây. Điều này được thể hiện trong ý kiến của Phạm Quỳnh từ năm 1931: “Nước Nam ta đời trước không thể có quốc học bằng chữ Hán được; nước Nam ta sau này cũng không thể có quốc học bằng chữ Pháp được. Muốn cho nước Nam có quốc học thì phải có quốc văn bằng tiếng An Nam” [1] .
Công cuộc La-tinh hoá tiếng Việt đã bắt đầu từ thế kỷ XVI với sự có mặt của các giáo sỹ phương Tây. Từ thế kỷ XVII, XVIII, xã hội Việt Nam đã xuất hiện đội ngũ thương nhân người Việt, người Hoa và sau đó là các thương nhân phương Tây và chính những đối tượng này là những nhân tố báo hiệu cho một nền kinh tế đô thị (và đời sống văn hoá tinh thần đô thị). Tuy còn ít ỏi, nhưng đã bắt đầu hình thành một xã hội thị dân, một môi trường kinh tế - văn hoá phi cổ truyền. Theo TS. Trần Ngọc Vương, đó là những yếu tố quan trọng để hình thành một loại nhà nho mới - nhà nho tài tử bên cạnh hai loại hình nhà nho vốn rất phổ biến trước đó là nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật.
Đặc điểm chung của loại hình nhà nho mới này là: mặc dù cũng đã từng là môn sinh nơi “cửa Khổng sân Trình” nhưng họ không chọn con đường khoa cử để cầu công danh phú quý. Họ coi trọng “tài” và “tình” (chứ không phải đạo đức như Nho giáo vẫn thường quan niệm) và coi văn chương là một trong những phẩm chất để tạo nên con người tài tử...
Ngay từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Các tài tử ra đời để thay thế cho các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Các tài tử ấy học đạo thánh hiền, nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều tự xưng là tài tử. Con người tài tử là điển hình mới của thời đại. Con người quân tử bị chế giễu, đạo đức sống khắc kỷ phục lễ bị mạt sát. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong lòng những chàng trai giỏi nhất của thời đại” [2]. Điều cần lưu ý là một bộ phận của loại hình nhà nho tài tử sau này đã tham gia vào một lớp người chưa từng có trước đó là các nhà báo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên, chữ quốc ngữ không nhận được thiện cảm của cả giới trí thức và bình dân ở nước ta vì nó gắn với sự có mặt của “người Tây” và là nguyên nhân làm mất dần vai trò độc tôn hàng nghìn năm của nền Hán học.
Theo tác giả Trần Thị Trâm, chính quyền thuộc địa Pháp cũng có vai trò nâng cao địa vị chữ quốc ngữ. Chúng mở trường dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. “Pháp chính thức đưa ra một đạo luật khuyến khích học quốc ngữ: Kể từ ngày 01-01-1882, nhà nước Pháp sẽ không tuyển dụng bất cứ một người nào nếu không biết chữ quốc ngữ. Nếu một công chức hay binh lính nào biết quốc ngữ được thưởng 100 quan tiền”[3]. Tất nhiên, việc khuyến khích học chữ quốc ngữ như vậy trước hết là để phục vụ công cuộc xâm lược và quá trình truyền bá văn hoá Pháp ở nước ta.
Từ cuối thế kỷ XIX và đặc biệt là sang những năm đầu thế kỷ XX, cùng với phong trào canh tân văn hoá và sự xuất hiện của máy in, của công nghệ sản xuất giấy, chữ quốc ngữ mới thực sự có một vai trò quan trọng và trở thành phương tiện của báo chí và nền văn học mới. Đến lượt nó, chính báo chí và nền văn học hiện đại cùng với nhà in, trường học... đã tác động trở lại khiến cho chữ quốc ngữ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Với sự nhạy bén và với tinh thần canh tân xứ sở, các nhà trí thức nước ta khi đó đã nhanh chóng nhận thấy vai trò quan trọng của chữ quốc ngữ. Trong cuộc tranh luận về quốc học (từ 1924 đến 1939), tuy còn nhiều bất đồng nhưng riêng về chữ quốc ngữ, hầu hết các ý kiến đều nhận thấy những ưu thế vượt trội của nó so với chữ Hán và chữ Nôm. Họ đã hăng hái cổ vũ cho chữ quốc ngữ với tư cách là một công cụ văn hóa có những tác động tích cực và cơ bản đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc. Công cuộc này đã bắt đầu với lớp trí thức cuối thế kỷ XIX như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản... và được nối tiếp một cách mạnh mẽ với những lớp sau như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Triệu Luật, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Tích Chu v.v... Trên báo chí thời kỳ đó có khá nhiều những ý kiến đầy nhiệt tâm như lời kêu gọi của Phan Khôi năm 1929: “Này, hỡi người An Nam ta hãy bắt đầu từ nay học viết chữ quốc ngữ cho đúng đi ! Có như vậy mới xứng đáng là người An Nam” [4]. Chính tinh thần ấy đã tạo ra một cuộc cách mạng về văn hoá ở nước ta trong giai đoạn bản lề quan trọng này.
Ở nước ta, tờ báo tiếng Pháp đầu tiên được xuất bản tại Sài Gòn từ ngày 29-9-1861. Tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo ra số đầu ngày 15-4-1865, chủ báo là Ernest Potteau và chủ bút là Trương Vĩnh Ký. Tờ báo này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau đó. Từ thời điểm đó đến năm 1934 khi Nam Phong - tờ báo lớn nhất do Phạm Quỳnh làm chủ bút bị đình bản, đã có tới 186 tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản trên toàn quốc.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, ban đầu các trí thức Việt Nam chưa thực sự có ý thức sáng tạo văn học mà chủ yếu chỉ dịch thuật tác phẩm của nước nài. “Những nhà văn lớp đầu, dù thuộc nhóm Đông dương tạp chí, dù thuộc nhóm Nam phong tạp chí, hay dù là những nhà văn độc lập, không viết riêng hẳn cho một cơ quan văn học nào, phần nhiều đều khuynh hướng về biên tập, dịch thuật hay khảo cứu cả”[5]. Phải bước sang những năm đầu thế kỷ XX, công việc sáng tạo các tác phẩm văn học và báo chí mới dần dần trở nên phổ biến. Đó là thời kỳ mà sự phát triển của báo chí cũng đồng thời là sự phát triển của văn học. Sự xuất hiện của nền văn hoá phương Tây đã tạo ra những tác động quan trọng trong việc hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại, gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của nền báo chí chữ quốc ngữ ở nước ta.
Trước khi có các nhà xuất bản, báo chí là phương tiện duy nhất để truyền bá văn học. Sự xuất hiện của các nhà xuất bản như Tân Dân, Hàn Thuyên, Minh Đức, Châu Phương, Nam Ký, công nghệ sản xuất giấy, sự phát triển của mạng lưới bưu điện và các hiệu sách... càng tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển của cả văn học và báo chí. Thời kỳ này nhìn chung không có sự phân biệt giữa “nhà văn” và “nhà báo”. Sự khác biệt có lẽ chỉ là ở chỗ: “Nếu đa phần cánh văn sỹ Nam kỳ là những nhà báo viết văn thì cánh Bắc Hà ngược lại phần đông là nhà văn viết báo”[6]. Tuy nhiên không thể nói rằng loại hình nhà nho tài tử không để lại dấu ấn gì trong đời sống văn học hiện đại và báo chí Việt nam thời kỳ này.
Trong lịch sử văn học và lịch sử báo chí Việt Nam, có thể coi những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là một thời kỳ phát triển đặc biệt - thời kỳ bản lề trong lịch sử văn hoá dân tộc. Để hiểu rõ những nét đặc trưng trong sự phát triển của báo chí Việt Nam ở thời kỳ “văn - báo bất phân” này, cần phải nhìn nhận toàn bộ tiến trình phát triển trước đó của nền văn học, xem xét những thành tựu, làm rõ những vấn đề đa dạng và phức tạp đã xuất hiện trong quá khứ đã tạo nên một truyền thống quy định sự vận động của văn học và sau đó là báo chí.
2.Những nhà nho viết báo tiêu biểu
Theo tác giả Thanh Lãng trong cuốn sách Nhà văn thế hệ 32, có thể chia các nhà văn trước năm 1945 thành ba thế hệ: thế hệ 1858; thế hệ 1913; thế hệ 1932 thì thời kỳ khởi thuỷ, những gương mặt tiên phong trong làng văn làng báo (như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cường…) đều là các nhà Tây học Nam bộ chứ không phải những bậc túc Nho (như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…). Điều này có lý do xuất phát từ những khác biệt quá lớn trong văn chương truyền thống và văn học, báo chí hiện đại. Tuy nhiên, đến “thế hệ 1913”, các nho sỹ Bắc Hà tân tiến sau một thời gian dài nghe ngóng, học tập đã tham gia làm văn, làm báo. Đó là những nhà nho thức thời như: Tản Đà, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tiến Lãng…
Có thể lấy ví dụ bằng trường hợp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông không thuộc lớp những nhà thơ mới mà là “con người của hai thế kỷ”, là người nối tiếp giữa hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại Việt Nam. Ông “đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản một người thời trước”[7]. Trong bối cảnh hỗn độn của Nho học và Tây học thời đó, ông vẫn chịu ảnh hưởng của Nho học nhiều hơn mặc dù ông cũng đã tham gia làm báo (và có lúc còn xoay sang cả nghề thầy tướng) để kiếm sống.
So với hai thế hệ kể trên, các nhà văn, nhà báo thuộc “thế hệ 1932” có những khác biệt. Tuy vẫn thông thạo hoặc ít nhiều có biết về chữ Nho nhưng họ còn là sản phẩm của trường Tây nên biết tiếng Pháp. Đó là một thế hệ hùng hậu mà những anh tài chủ yếu tập trung ở phía Bắc như: Tam Lang, Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Vỹ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam v.v…
Ngô Tất Tố là một trường hợp tiêu biểu. Ông đã trải qua những thập kỷ của thế kỷ XX với hai cuộc chiến tranh thế giới, trong một xã hội thực dân phong kiến với những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Là một nhà Nho, ông lớn lên trong cảnh nền Hán học đang lụi tàn nhưng đã vươn lên để trở thành “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho” (Vũ Trọng Phụng), trở thành một cây bút hàng đầu với những đóng góp xuất sắc không chỉ cho văn học mà cả cho nền báo chí Việt Nam trước cách mạng. Lịch sử văn học tôn vinh ông như một cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực với những tác phẩm viết về nông thôn Việt Nam như Tắt đèn, Lều chõng. Lịch sử báo chí cũng ghi công lao của ông với những tập phóng sự xuất sắc như Việc làng, Tập án cái đình và hàng trăm tiểu phẩm vạch trần bản chất của xã hội thực dân phong kiến tàn bạo.
Xét trên nhiều phương diện, Ngô Tất Tố không chỉ là một nhà văn, nhà báo lớn mà còn là một nhà văn hoá nổi bật của nước ta những năm đầu thế kỷ XX với những công trình dịch thuật, khảo cứu có giá trị. Ông đã thành công xuất sắc ở cả ba loại văn chương: văn chương báo chí, văn chương phóng sự tiểu thuyết và văn chương khảo cứu.
Riêng về “văn chương báo chí”, di sản của Ngô Tất Tố cho thấy ông không chỉ viết mỗi tiểu phẩm, mặc dù tiểu phẩm được coi là xương sống” trong sự nghiệp báo chí của ông. Điều đáng kinh ngạc nhất là ông đã vận dụng cái vốn Nho học của mình để viết báo một cách đặc biệt xuất sắc với văn phong hiện đại, hoàn toàn Việt Nam. Riêng về thể loại tiểu phẩm, ông là người đứng đầu trong đội ngũ những cây bút thời kỳ đó. Trong đó, với cái nhìn hiện thực tỉnh táo, với sự sâu sắc và dũng cảm của một tài năng và nhân cách lớn, ông đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phong kiến và bọn tay sai.
Tuỳ vào từng loại đối tượng cụ thể là kẻ thù của dân tộc hay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà Ngô Tất Tố có lối châm biếm, trào lộng thích hợp với một vốn ngôn ngữ rất quần chúng. Từ những chuyện thời sự như Gôđa sang thăm Đông Dương; chuyện Tôlăngxơ về nước; cuộc tranh cãi để bênh vực thuyết “bảo hộ” hay “trực trị” của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh; chuyện Phạm Huy Lục tranh cử nghị viện... đến rất nhiều điều lố lăng nực cười khác như nạn thầy lang giả, nạn mê tín dị đoan, nạn rượu lậu, thuốc phiện, nạn buôn bán văn chương… đều được tác giả vạch trần bản chất và phê phán một cách mạnh mẽ thông qua ngòi bút châm biếm vô cùng sắc bén. Chính vì thế, cũng giống như đối với tác phẩm của Lỗ Tấn, bọn đế quốc và phong kiến ở nước ta trước đây cũng có thái độ hằn học ra mặt đối với tiểu phẩm của Ngô Tất Tố.
Cũng cần phải khẳng định rằng: Ngô Tất Tố là một hiện tượng tiêu biểu nhất trong số các nhà văn, nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đã góp phần nâng tiểu phẩm lên địa vị ngang hàng với những thể loại khác và mở ra cho nó một chân trời phát triển rộng rãi trong đời sống văn học và báo chí hiện đại ở nước ta.
Nói tóm lại, việc nghiên cứu nền báo chí nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với cuộc chuyển mình của báo chí đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức đến vai trò của các nhà nho, nhất là các “nhà nho tài tử” trong giai đoạn bản lề này. Đó là một đòi hỏi khách quan của công tác nghiên cứu về lịch sử xuất hiện, hình thành và phát triển của nền báo chí (và kể cả nền văn học hiện đại) Việt Nam. Đây là một công việc có tính chất đa ngành, đòi hỏi việc khảo sát không chỉ trong lĩnh vực báo chí, văn học mà còn trong các lĩnh vực gần gũi như lịch sử và kể cả triết học.
Hy vọng trong một tương lai không xa sẽ có những công trình đề cập đến vấn đề lịch sử quan trọng này. Điều đó cần phải được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hội nhập của đất nước, khi chúng ta cần phải khẳng định và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống trước sức ép của quá trình giao thoa văn hóa, dưới tác động của toàn cầu hóa và khu vực hóa.
PGS-TS ĐỨC DŨNG
Khoa Phát Thanh Truyền Hình
Tài liệu tham khảo:
(1) Nhiều tác giả- Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2002. Tr.161.
(2) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989. Tr. 345.
(3) Trần Thị Trâm, Văn học và báo chí từ một góc nhìn, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2003.Tr. 213.
(4) Nhiều tác giả- Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002. Tr. 95.
(5) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (Sđd). Tr. 401.
(6) Trần Thị Trâm, Văn học và báo chí từ một góc nhìn (Sđd).Tr. 225.
(7) Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998. Tr. 12.