Phỏng vấn trực tuyến: “Hiểu đúng về việc bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình”
(Sóng trẻ) - Chiều 31/10, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến: “Hiểu đúng về việc bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình”. Chương trình có sự tham gia của TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Vấn đề trật tự và an toàn giao thông luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Với sự ra đời của quy định mới về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, một thay đổi quan trọng đã được đưa ra đó chính là hình thức giám sát lực lượng công an thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã chính thức bị loại bỏ. Sự thay đổi này đã và đang được tranh luận rất nhiều trong thời gian gần đây.
Chính vì vậy, nhằm làm rõ quy định loại bỏ hình thức giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình cũng như những ảnh hưởng pháp lý mà quy định này mang lại, nhóm sinh viên Báo Mạng Điện Tử K41 đã tổ chức Phỏng vấn trực tuyến: “Hiểu đúng về việc bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình” với sự tham gia của TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm tham gia tố tụng, bào chữa tại Tòa án Việt Nam và từng tham gia bào chữa cho các bị cáo trong các đại án kinh tế tại Việt Nam.
PV: Thưa TS. Luật sư Đặng Văn Cường, ông nghĩ nguyên nhân nào dẫn đến việc loại bỏ quy định người dân được giám sát CSGT qua ghi âm, ghi hình?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Có thể thấy Thông tư số 67 đã được thực hiện gần một năm nay. Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều clip do cư dân mạng quay lại cảnh sát giao thông kiểm tra hành chính, và các hội nhóm thường xuyên đăng tải những clip này. Một số người khi thấy cảnh sát giao thông liền bật livestream với lời lẽ không hay, xúc phạm lực lượng chức năng, tạo ra tâm lý tiêu cực trên mạng xã hội. Khi một người xem những clip như vậy, họ dễ bị ảnh hưởng và có suy nghĩ tiêu cực về lực lượng chức năng. Việc gỡ bỏ các clip đó không thể thực hiện trong một sớm một chiều, và điều này đã gây ra những suy nghĩ trái chiều, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Hậu quả là một số cảnh sát giao thông cảm thấy e ngại khi làm nhiệm vụ và thậm chí bỏ qua các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông".
PV: Thưa luật sư, việc loại bỏ hình thức giám sát qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã tạo ra nhiều tranh luận. Nhiều người dân cho rằng quyết định này có thể ảnh hưởng đến quyền giám sát của mình trong quá trình tham gia giao thông. Ông đánh giá như thế nào?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Trước tiên, cần đánh giá tính chất của văn bản này, mục đích là để làm gì, phạm vi ảnh hưởng và điều chỉnh là gì. Đây là thông tư do Bộ Công an ban hành ngày 30/9, dự kiến có hiệu lực trong vài tuần nữa, quy định một số nội dung quan trọng và sửa đổi một số điều của thông tư cũ. Hai điểm đáng chú ý là: bỏ quy định về hình thức ghi âm, ghi hình.
Theo dõi các thông tin trên không gian mạng, tôi thấy nhiều người cho rằng quy định này cấm người dân theo dõi lực lượng công an, nhưng đó là quyền cơ bản đã được Hiến pháp ghi nhận. Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo và thực hiện các hình thức dân chủ khác. Những quy định về cấm đoán chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế, chứ không phải là quyền của các cơ quan cấp dưới.
Thông tư này chỉ là một trong hàng trăm thông tư cấp bộ, và mỗi cơ quan ban ngành có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Không phải thông tin nào cũng được công khai".
PV: Sau khi quy định này bị loại bỏ, liệu có hình thức nào khác để người dân vẫn có thể giám sát công an khi họ làm nhiệm vụ không, thưa Luật sư?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Theo Điều 11 của Thông tư, đã có quy định về các hình thức giám sát, cụ thể là việc tiếp cận thông tin công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng, các chủ thể của cơ quan nhà nước, kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư tố cáo, và thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ chiến sĩ. Thông tư không có quy định cấm ghi âm, ghi hình mà chỉ không đề cập đến biện pháp này. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện đúng quy định pháp luật, tuân thủ các quy định về quyền tự do dân chủ trong Hiến pháp.
Pháp luật ghi nhận quyền nhân thân của công dân, đồng thời bảo vệ an ninh thông tin, đảm bảo bí mật nhà nước và hỗ trợ việc thi hành công vụ. Nếu việc ghi âm, ghi hình vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh hoặc bôi nhọ uy tín, những hành động đó sẽ bị xử lý nghiêm. Mọi công dân không được lợi dụng việc ghi âm, ghi hình để hạ thấp, bôi nhọ, hoặc chống phá chính quyền.
Trong trường hợp công dân tiếp xúc với cơ quan nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng hoặc tiêu cực, việc ghi âm, ghi hình để tố cáo là có giá trị, thậm chí có thể được khen thưởng nếu hành động tố cáo giúp phát hiện và ngăn chặn tiêu cực".
PV: Vậy chúng ta nên có biện pháp nào để xoa dịu dư luận, củng cố niềm tin của người dân khi quy định này chính thức được thực hiện, thưa Luật sư?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Khi Thông tư này được ban hành, đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ quy định về ghi âm, ghi hình thì liệu lực lượng cảnh sát giao thông có thực hiện đúng nhiệm vụ hay không. Tôi cho rằng Bộ Công an đã có những câu trả lời chính thức về vấn đề này, bởi lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong Thông tư này có quy định rằng lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thực hiện nhiệm vụ ở những nơi có thiết bị ghi âm, ghi hình. Vì vậy, người dân có thể yên tâm rằng dù không có sự giám sát trực tiếp của người dân, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn sẽ thực hiện đúng vai trò của mình.
Trong trường hợp lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ ở những nơi không có thiết bị giám sát và có bằng chứng về hành vi không đúng mực, thì hình ảnh, video có thể được sử dụng làm bằng chứng tố cáo. Tuy nhiên, người dân không được lợi dụng thông tin đó vào những mục đích không phù hợp".
PV: Chị Hải Ly có câu hỏi như sau: "Giám sát thông qua quan sát trực tiếp rồi phản ánh như thế nào? Sự việc là khoảnh khắc, diễn biến ngay tức thì mà không có gì lưu lại thì làm sao phản ánh được?"
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) có nhiệm vụ điều khiển giao thông, điều tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm. Khi CSGT sử dụng phương tiện để thực hiện biện pháp xử lý đối với chúng ta, họ sẽ tuân thủ ngôn ngữ ứng xử và quy trình theo đúng nghị định hướng dẫn khi phát hiện vi phạm. Nếu chúng ta nghi ngờ hoặc không đồng ý với quyết định đó, có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc quan sát trực tiếp. Bên cạnh đó, còn có các lực lượng chức năng và các phương tiện giám sát khác hỗ trợ, không chỉ có một mình chúng ta giám sát".
PV: Anh Duy có câu hỏi như sau: "Nếu không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông, vậy tôi tự ghi hình, ghi âm chính mình khi làm việc với Cảnh sát giao thông có được không?"
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Không phải là cấm, mà là không có quy định cụ thể. Điều này không có nghĩa là người dân bị cấm ghi âm, ghi hình. Trong trường hợp có nghi ngờ, hoàn toàn có thể ghi âm làm bằng chứng để kiến nghị hoặc tố cáo. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra mạo danh. Việc ghi âm, ghi hình ở đây không phải là để tự ý đăng tải hoặc bình luận, mà là để giữ làm chứng cứ phục vụ cho việc khởi kiện nếu cần".
PV: Độc giả Tuấn Anh có thắc mắc như sau: "Tại sao không đưa ra quy luật chỉ xử phạt những trường hợp quay video để làm xấu hình ảnh của cơ quan chức năng thôi? Những người phản ánh đúng lại bị phạt cùng?"
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Tôi cho rằng, khi xã hội phát triển và người dân có ý thức pháp luật cao thì quy định về việc có ghi hình hay không sẽ không còn là vấn đề quan trọng. Đối với những người hiểu biết pháp luật nhưng lại có thái độ đối kháng, thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, họ thường ghi hình ngay khi bị kiểm tra. Lợi dụng điều này, một số thế lực thù địch đã đăng tải các video đó, khiến người dân có những nhận thức chưa đầy đủ.
Việc ghi âm, ghi hình vẫn được phép thực hiện, miễn là không ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng thì không có vấn đề gì".
PV: Trong trường hợp các phương tiện truyền thông hay báo chí tác nghiệp, họ có được phép ghi âm, ghi hình CSGT mà không vi phạm quy định không?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Các phóng viên thực hiện phóng sự điều tra đều phải được cơ quan phê duyệt. Những phóng sự điều tra này, khi quay lại các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ được chấp thuận nếu tuân thủ đúng nghiệp vụ báo chí theo quy định của Luật Báo chí. Các nhà báo sẽ biết cách phản ánh vụ việc ở mức độ nào, dưới hình thức nào, và những nhà báo chuyên nghiệp sẽ xử lý nội dung theo đúng quy định pháp luật".
PV: Quy định này có áp dụng với người nước ngoài đang sinh sống hoặc du lịch tại Việt Nam khi họ vô tình ghi lại hình ảnh của CSGT không?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Về hiệu lực của văn bản, điều này áp dụng trong không gian và thời gian nhất định. Công dân Việt Nam, người nước ngoài không có quốc tịch, cũng như du khách trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu trong trường hợp người nước ngoài ghi âm, ghi hình lực lượng cảnh sát giao thông mà không vi phạm quy định về thu thập thông tin trái phép hay quyền tự do dân chủ, thì hành động này hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu việc ghi âm, ghi hình đó nhằm mục đích cản trở thi hành công vụ, thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Dù là công dân nước ngoài hay Việt Nam, nếu có hành vi phạm tội thì đều sẽ bị xử lý nghiêm".
Cảm ơn TS. Luật sư Đặng Văn Cường đã có những chia sẻ cũng như giải đáp thắc mắc về chủ đề ngày hôm nay. Cảm ơn các bạn khán giả đã theo dõi! Hẹn gặp lại trong các chương trình tiếp theo.
Vì thời lượng có hạn nên khách mời của chương trình khó có thể trả lời hết câu hỏi của độc giả. Ban biên tập sẽ tổng hợp câu hỏi của quý độc giả và gửi tới TS. Luật sư Đặng Văn Cường để thể giải đáp cho quý độc giả vào thời gian tới.