Ròm: Trò đen – đỏ trong màn ảnh Việt
(Sóng trẻ) – Với việc khai thác chủ đề đen đỏ trong cuộc sống những người dân nghèo, Ròm không chỉ thu về doanh thu khủng chỉ trong 2 ngày đầu công chiếu tại Việt Nam mà còn nhận được sự đánh giá rất cao từ điện ảnh quốc tế.
Tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - một trong những liên hoan phim quốc tế lớn nhất châu Á, Ròm đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả nước ngoài. Sau hành trình chu du quốc tế và giành được giải thưởng cao nhất, Ròm trở về Việt Nam để gặp gỡ các khán giả tạo nên cơn sốt phòng vé trên toàn quốc.
Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy chiếm được cảm tình của hội đồng chuyên môn và báo chí quốc tế khai thác đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh – Số đề. Phim đưa khán giả đến một khu chung cư cũ, sắp bị giải tỏa ở TP.HCM. Tại đây, nhiều người dân muốn đổi đời bằng cách chơi đề. Mỗi buổi chiều, họ hồi hộp trông chờ những con số may mắn, gửi vào đó ước mơ về một tương lai xán lạn hơn. Ròm là cậu bé vô gia cư, chuyên đi bán số đề hàng chiều cho người dân. Mọi người trong khu ổ chuột thành phố sống và trông chờ khả năng trúng số để đổi đời, họ cần ai đó có thể cung cấp những "con số may mắn" này. Ròm (Trần Anh Khoa) cung cấp những con số, cậu bé hiểu rõ bản chất bấp bênh của việc mình đang làm: "Khi con thắng, con sẽ được khen ngợi nhưng khi con thua, họ đánh con cũng là bình thường".
Những trò đỏ đen vốn thân thuộc với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam nhưng chưa từng trở thành đề tài chính cho một tác phẩm điện ảnh. “Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề. Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này", Trần Thanh Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu chỉ là những thước phim than phận thì Ròm khó lòng thu hút đạt được một vị trí cao như vậy trong làng điện ảnh vốn đã nhiều cạnh tranh khốc liệt. Đạo diễn Trần Thanh Huy đã kể câu chuyện của Ròm đầy mạnh mẽ với những cuộc chạy trốn khỏi những gã nghiện cờ bạc hay xô xát với đối thủ của Ròm. Những đứa trẻ trong Ròm là những thiếu niên đường phố, tuy không có cuộc sống đủ đầy nhưng không hề nguội tắt ước mơ. Dù đối mặt với hiện thực tàn khốc, song vẫn có những đứa trẻ gắng hết sức để biến điều mình mong muốn thành sự thật. Cậu bé vẫn lạc quan và mang niềm tin hy vọng, dù dần càng hiểu ra trong thế giới nhỏ của cậu, chẳng thể tin tưởng một ai. Bởi vậy “Chạy” không chỉ là bài hát được sử dụng trong bộ phim mà còn là từ khóa xuyên suốt bộ phim đặc biệt này.
Ròm mang chút âm hưởng của Triệu Phú Khu Ổ Chuột. Toàn bộ phim đã tái hiện một hiện thực nhức nhối và sát thực của xã hội. Một thế giới mà phải chà đạp lên nhau để kiếm sống, những ngôi nhà ổ chuột chật chội, những con sông bị ô nhiễm nặng nề mà có những con người đánh cược mọi thứ để có tấm vé trúng số đổi đời đầy hão huyền. Cờ bạc dường như là một chứng nghiện phổ biến trong một xã hội nghèo đói, nơi con đen bất lực trước những kẻ cho vay nặng lãi và nhà cái tham lam.
Biên kịch - đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy của phim từng nói: "Ròm là toàn bộ tuổi trẻ của tôi", và quả thực, tác phẩm đầu tư tận 7 năm đầy tâm huyết này của anh đã có màn ra mắt không thể phụ lòng anh. Mất 8 năm để hoàn thành, Ròm đã trải qua một hành trình đi từ trải nghiệm tuổi thơ đến đỉnh cao vinh danh tại nước ngoài, để rồi lại trở về với quê nhà. Đối với Trần Thanh Huy, việc đưa được Ròm đến với khán giả quê nhà chính là mảnh ghép cuối trong bức tranh thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình. Hiện phim đang được công chiếu trên toàn quốc.
Phạm Ngọc Hà
Nguồn ảnh: CJ Entertainment VietNam