Sau lưng trường là biên giới

(Sóng trẻ) - Những ngày này, ở trường phổ thông dân tộc Bán trú - THCS xã Sán Chải (Simacai, Lào Cai) xuất hiện những “thầy cô” đặc biệt. Họ phần nhiều là sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội. Nội dung bài giảng mà họ mang đến không phải là những kiến thức về Toán, về Văn mà về nạn buôn bán người. Và đó là những bạn trẻ đến từ dự án Moving to Raise – nghĩa là “Đi để thay đổi”.

Ám ảnh nạn buôn người 

Thầy Trung Kiên, giáo viên dạy Toán của trường thường đùa như vậy khi nói về khoảng cách chỉ 8 ki-lô-mét từ trường sang nước bạn. Và mặc dù trong những năm qua, nhà trường chưa ghi nhận một trường hợp nào là nạn nhân của mua bán người, nhưng điều này không có nghĩa là khái niệm đó hoàn toàn xa lạ với những học sinh nơi đây. Khoảng cách gần gụi kia khiến nó vẫn được biết đến và trở thành nỗi ám ảnh theo nhiều cách khác nhau.    

Đôi mắt đượm buồm, Giàng T. D. (học sinh lớp 6B) lí nhí kể với các tình nguyện viên: “Mẹ nói mẹ đi lấy củi, nhưng chiều em đi học về thì cửa đóng hết rồi, em không có cơm ăn”. Đó là năm D. học mẫu giáo. Và bà nội là người đầu tiên nói với em về mua bán người, khi bà cho biết mẹ em đã bị bán qua biên giới bởi chính người hàng xóm. Cú sốc tuổi thơ khiến cô bé luôn thu mình lại trước mọi người.

ea5906d6c_anh_1.jpg

Các em học sinh trong tiết học 

Trong một lớp học khác, Nguyễn Cẩm Hà (thành viên Ban Nội dung, giảng dạy lớp 8-9) đang chăm chú lắng nghe câu chuyện của cô bé Giàng T. S. (học sinh lớp 9A): “Bạn em đã bị bán đi Trung Quốc. Bạn nói là rất sợ. Giờ bạn về rồi, chỉ ở nhà thôi, không đi học nữa. Em rất thương bạn ấy”.

Không khí lớp trùng xuống. Hà bước đến gần S., nhẹ nhàng cảm ơn cô bé đã chia sẻ câu chuyện và tặng em một món quà. Quay ra nhìn cả lớp, Hà căn dặn: “Các em đã nghe S. kể về bạn của bạn ấy. Rõ ràng nạn mua bán người đang xảy ra rất gần chúng ta. Bởi vậy tất cả các em cần luôn hết sức cảnh giác”.

 “Chúng tôi sẽ không bỏ các em…”

Những chia sẻ của D., của S. không phải là quá hiếm gặp với tình nguyện viên của dự án Moving to Raise. Là dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn mua bán người, họ hiểu rõ đây là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”. “Nóng” không chỉ ở những số liệu thống kê, mà còn “nóng” ở chính những câu chuyện đơn lẻ như của D., của S.,… Đặng Thanh Quý (Phó trưởng Ban nội dung) bảo rằng: “Có cảm tưởng sau khi nghe những chuyện ấy, mình không thể bỏ các em được”.

745163469_anh_1_1.jpg

Kiến thức về nạn buôn người được mang tới các em 

Nhắc đến hai từ “thay đổi” trong tên dự án, Quý nhớ lại em học sinh tên G. ở A Lù (Bát Xát, Lào Cai) – người 2 lần bị bán đi bởi chính bố đẻ của mình. Tiếp xúc với em, Quý nhận ra những nạn nhân như G. luôn trở nên rất rụt rè không chỉ vì bị ám ảnh bởi quá khứ mà còn bởi sự dị nghị của những người xung quanh. “Chúng tôi đã dạy cho tất cả các em biết rằng không nên làm vậy với các nạn nhân, họ thực sự rất đáng thương và mình cần giúp đỡ để họ vượt qua được cú sốc đó. Kết quả là đến buổi cuối dự án, khi viết cảm nhận về các tiết học, rất nhiều em đã viết rằng em cảm thấy rất có lỗi với G. và muốn xin lỗi G.”, Quý chia sẻ.

“Em cảm ơn các anh chị đã dạy cho chúng em biết về buôn bán người”, “Em đã biết ai cũng có thể là thủ phạm của buôn bán người và em sẽ cảnh giác hơn”, “Em rất thương các nạn nhân”,… Đó là một vài trong số hơn một trăm lời cảm nhận, nhắn gửi của các em học sinh gửi tới thành viên của dự án khi buổi học cuối cùng kết thúc. Chị Thanh Ngân, cán bộ huyện Đoàn Simacai nói: “Các em học sinh trên này thiếu thốn nhiều, mong các bạn sẽ trở lại đây nhiều lần nữa”. 

765b1e01e_anh_5.jpg

Tình nguyện viên của dự án chụp ảnh với các em học sinh Sán Chải

Cô Thu Hà, Tổng phụ trách Đội của trường đưa ra những con số biết nói: ở buổi học thứ 2, dù danh sách đăng ký ban đầu chỉ là 180 em nhưng sau đó con số tham dự đã vượt mốc 200. Ở một ngôi trường vùng cao, việc duy trì sĩ số còn gặp nhiều khó khăn, (“85% học sinh đi học đủ đã là đáng quý” - thầy Duyệt, GV dạy Hóa - Sinh), việc gia tăng sĩ số “bất thường” như vậy đã minh chứng cho sức hút, sức lan tỏa của những tiết học “đi để thay đổi”.

Trong bài hát tặng đoàn của các em học sinh Sán Chải, có câu rằng: “Hôm nay đi học xa, đường tương lại càng gần”. Hi vọng rằng, những buổi học mà “Đi để thay đổi” mang đến hôm nay, sẽ giúp tương lai của các em không chỉ gần hơn mà còn an toàn và vui vẻ hơn, dù cho “sau lưng trường là biên giới”./.

Nguyễn Hải





Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN