Sinh viên sống thử: lợi ít, hại nhiều

(Sóng trẻ) - Mặc dù đã có nhiều chuyên gia cảnh báo, thậm chí những bi kịch đáng tiếc của cuộc tình sinh viên thường xuyên được đưa lên mặt báo, nhiều người trẻ vẫn lựa chọn sống thử như một phương pháp trải nghiệm, tự do bên nhau mà không cần bất cứ sự công nhận nào từ pháp luật.

Sống thử là khái niệm không còn xa lạ đối với giới trẻ ngày nay, khi hai người sống chung với nhau như vợ chồng mà không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Ở các quốc gia phương Tây, đây là lựa chọn thoải mái của người trẻ, và ở Việt Nam, nó cũng đang dần phổ biến. 

Chia sẻ về trải nghiệm sống thử của bản thân, bạn Hạ Thu, sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội cho biết: "Thực sự khoảng thời gian đầu với mình thì thấy rất vui, được ở cạnh nhau cả ngày, trò chuyện và chia sẻ với nhau về mọi thứ, có nhiều thời gian bên cạnh nhau, cảm giác được sống như một cặp vợ chồng thật. Ngoài ra tụi mình cũng học cách quản lý tiền bạc tốt hơn, số tiền kiếm được của cả hai được tụi mình chia thành 2 phần, một phần để tiết kiệm và phần còn lại thì để sắm sửa và mua đồ dùng hàng ngày". Tuy nhiên chỉ sau một khoảng thời gian ngắn sống chung mọi thứ đã không như tưởng tượng và cả hai đã quyết định chia tay. Theo Thu, sống thử đã giúp cả hai hiểu ra là họ không dành cho nhau.

Sau khi sống thử hai người tiến tới hôn nhân là một tiền đề tốt cho hạnh phúc sau này, còn nếu không may mắn, không hợp nhau thì không phải tất cả đều có thể chia tay trong êm đẹp và tìm một đối tượng phù hợp hơn như trường hợp của bạn Hạ Thu.

Cũng bàn về câu chuyện sống thử và những ảnh hưởng tiêu cực nó có thể mang lại sau đó, bạn L.N.H, sinh viên năm 4 Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết: "Cách đây khoảng hai năm mình và người yêu cũng quyết định sống thử. Bọn mình dự định sau này ra trường sẽ tổ chức đám cưới, nên vun vén cho cuộc sống từ lúc đó. Nhưng một thời gian sống chung như vợ chồng, cả hai phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến chán nản. Cô ấy có người mới và dọn đồ đạc bỏ đi. Lúc đó, mình không biết phải làm sao, bởi bọn mình chưa kết hôn, không có ràng buộc về pháp lý nên không thể nói cô ấy ngoại tình được. Khi chuyện tình cảm đổ bể, mình bị sốc nặng và phải bảo lưu chuyện học hành để đến gặp bác sĩ tâm lý giúp ổn định lại cuộc sống".

Sống thử trước hôn nhân không phải điều pháp luật ngăn cấm nhưng cũng chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến hình thức chung sống này. Nếu mối quan hệ không thành và cả hai quyết định chia tay thì hậu quả của việc sống thử có thể rất nghiêm trọng. Những cú sốc sau chia tay, ảnh hưởng tâm lý, khó mở lòng với những mối quan hệ tiếp theo, người mới khó chấp nhận việc bạn trai/gái mình từng sống chung như vợ chồng với người khác, đặc biệt nếu cả hai để xảy ra có thai ngoài ý muốn và có tài sản chung, lúc đó các bạn trẻ sẽ gặp những rắc rối về mặt pháp lý.

Ông Lò Văn Chung - Trưởng phòng pháp lý, công ty luật TNHH Toàn Quốc cho biết: "Trong trường hợp nếu sống thử với nhau mà có con chung thì bố mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái, không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của bố mẹ (có hay không đăng ký kết hôn). Tuy nhiên, khi đi đăng ký khai sinh cho con, nếu muốn đứng tên cả bố và mẹ thì bố phải làm thủ tục xét nghiệm ADN và thủ tục nhận cha con chứng minh là cha con đẻ. Cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên. Tuy nhiên, do sống thử không được pháp luật bảo hộ nên trên thực tế nếu không có đăng ký kết hôn thì dễ dẫn đến chuyện người bố bỏ mặc con. Việc yêu cầu cấp dưỡng sẽ gặp khó khăn nếu không có sự tự nguyện. Thậm chí phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu người bố có trách nhiệm. Ngoài ra, theo nguyên tắc của luật hôn nhân và gia đình, kết hôn là phải tự nguyện vì vậy có con cũng không phải lý do để ép người kia kết hôn".

251961457_292397646070308_2724830558342223048_n.png
Ông Lò Văn Chung - Trưởng phòng pháp lý, công ty luật TNHH Toàn Quốc

Do chưa có quy định cụ thể về sống thử nên khi có mâu thuẫn không thể tự giải quyết, việc làm rõ vấn đề trách nhiệm là rất khó khăn. Đặc biệt có thai ngoài ý muốn trong lúc sống thử cũng kèm theo nhiều hệ lụy không mong muốn. Thực tế có không ít các trường hợp bạo hành trẻ em khi đó là kết quả của việc mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó cũng có nhiều cặp đôi sẽ chọn cách phá thai khi mang thai ngoài ý muốn, góp phần không nhỏ dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam tăng cao.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Cũng theo Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam, mỗi năm, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 250.000 - 300.000 ca nạo phá thai mà chủ yếu rơi vào độ tuổi 15-19. Trong đó, có 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% mới chỉ là học sinh, sinh viên. Con số biết nói này là hồi chuông báo động khẩn cấp về xu hướng sống lệch chuẩn trong giới học sinh, sinh viên.

254129858_3115862411992978_717601214075161656_n.png
Mang thai ngoài ý muốn là một trong những hệ lụy của sống thử có thể để lại tổn thương sâu sắc nếu cuộc sống thử không thành (Sưu tầm)

Không phải hoàn toàn các trường hợp nạo phá thai đều từ do sống thử nhưng chắc chắn sống thử trước hôn nhân sẽ làm gia tăng các trường hợp nạo phá thai vì có thai ngoài ý muốn, vì mới chỉ sống thử chưa sẵn sàng làm cha làm mẹ, chưa có đủ kinh tế và vô số lý do biện minh khác. Không chỉ vậy việc này còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý của phụ nữ.

Theo BS. Trần Thị Bích Thu (CK1 Sản - Phụ khoa, Nguyên trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), nạo phá thai có nguy cơ cao dẫn đến viêm nhiễm. Nạo phá thai nhiều lần sẽ dễ gặp các biến chứng như rau tiền đạo, dính buồng tử cung, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sinh sản của người phụ nữ sau này. Các viêm nhiễm phụ khoa gây hẹp tắc vòi trứng có thể dẫn đến tình trạng chửa ngoài tử cung trong những lần mang thai sau hoặc thậm chí vô sinh.

Mặt khác, việc nạo phá thai làm cho tâm trí người mẹ không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Nạo phá thai vừa làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình, vừa làm cho họ luôn cảm thấy mặc cảm do những vết thương mà mình đã gây ra. 

Vì vậy, các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên còn đang đi học, trước khi quyết định về chung một nhà nên cân nhắc và xem xét thật kỹ những hệ lụy của sống thử để không đặt mình vào tình thế khó khăn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN