Sinh viên với nỗi lo thực phẩm bẩ
(Sóng trẻ) - Những mớ rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt thối, thịt tăng trọng, trứng giả... đang chạy từ các sạp thịt, gánh rau... vào các quán cơm bình dân, vào bữa ăn hàng ngày của sinh viên.
Biết, nhưng vẫn phải ăn thôi!
Khi được hỏi về chiến dịch Chống thực phẩm bẩn đang được phát động rộng rãi trong cộng đồng, Hoa (quê Thái Bình, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trả lời: “Có biết, có quan tâm nhưng vẫn cứ mua thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc ở chợ cóc gần khu trọ vì sinh viên túi tiền hạn hẹp”.
Nhiều sinh viên như Hoa hàng ngày cập nhật những thông tin về thực phẩm bẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ để… biết chứ không thể “ăn sạch” như mong muốn. Bởi lẽ, với khoản tiền bố mẹ ở quê gửi lên, trừ đi các khoản học phí, mua sách, tiền thuê trọ..., nhiều sinh viên sống xa gia đình chỉ dư lại một khoản ít ỏi đủ để mua những thực phẩm rẻ ở chợ cóc, chợ đầu mối.
Bạn Nguyễn Thị Hoa chia sẻ thêm: “Mình hay mua thịt lợn nài chợ, không dám mua trong siêu thị vì đắt. Thực ra mua nài chợ cũng lo lắm nhưng vẫn phải ăn thôi”.
Túi tiền sinh viên eo hẹp, nhất là sống ở thành phố đắt đỏ, chưa kể bão giá… nên việc sinh viên “nhắm mắt” ăn thực phẩm bẩn là dễ hiểu. Những sạp bán thịt, gánh rau trôi nổi nơi chợ cóc gần khu trọ vẫn là nơi được sinh viên lựa chọn để mua hàng ngày. Trong khi đó, thành phố vẫn chưa có chế tài quản lý về số lượng cũng như kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm ở những khu chợ tạm như thế này.
Thịt lợn nái được hô biến thành thịt bò
Bạn Đặng Thị Nga (quê Hà Nam, ĐH TM) vẫn cảm thấy sợ khi nhắc lại: “Hôm đấy mình mua thịt bò về đổi bữa, lúc nấu thì không ngửi thấy mùi thịt bò mà thịt lại rất trắng. Vì tiếc tiền nên vẫn cố ăn. Thế là một lúc sau khi ăn mình đau bụng, buồn nôn, đến trạm y tế người thì họ bảo bị ngộ độc rồi”.
Thực phẩm sạch: thịt sạch O2, rau tiêu chuẩn Gap, rau an toàn... - những thương hiệu đang được người tiêu dùng thành phố hướng tới sử dụng, vẫn là “giấc mơ xa vời” đối với đại đa số sinh viên trọ tại Hà Nội. Chỉ có một số sinh viên ít gia đình có điều kiện tìm đến những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, siêu thị để mua. Giá thành thực phẩm ở các địa chỉ này cao hơn so với giá trên thị trường nhưng câu hỏi mua thực phẩm ở đây có thực sự an toàn vẫn còn chưa rõ. Việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra.
Dè dặt chọn thực phẩm sạch
Để hạn chế nguồn lây bệnh do thực phẩm bẩn, nhiều sinh viên đã chọn cách nhận nguồn tiếp tế ở quê. Bạn Xuân Hòa (ĐH Bách Khoa HN) chia sẻ: “Tuần nào bố mẹ ở quê cũng gửi đồ sạch ở quê lên sử dụng. Rau sạch nhà trồng nhiều, mẹ cắt, gửi lên cho, mình trữ tủ lạnh nấu dần; thịt trứng cũng mẹ mua ở những chỗ yên tâm gửi lên. Mình hầu như không cần đi chợ nữa, ăn đồ quê vừa tươi, vừa rẻ lại vừa yên tâm.”
Nhiều bạn khi bố mẹ không có điều kiện gửi lên cũng dựa vào kinh nghiệm của bản thân để lựa thực phẩm sạch. Hương Giang (SV HVBCTT) chia sẻ bí quyết săn đồ sạch như sau: “Mình nhìn người bán hàng để mua đồ. Mình thường chọn những bác nông dân mang nông sản từ quê lên bán, đồ của các bác không nhiều và rau thì thường không quá tươi xanh, mập mập như rau ở các chợ đầu mối. Thi thoảng mới có trứng gà nhà bác nuôi mang lên bán, mình phải hẹn bác trước để bác để dành đồ cho mình”.
Tuy nhiên, theo tư vấn của lãnh đạo ngành chăn nuôi, người tiêu dùng nên tìm mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín và được cung cấp từ nguồn cơ sở đáng tin cậy. “Người tiêu dùng cần xuất phát từ những lựa chọn đích thực của dinh dưỡng thực phẩm, chứ không nên lệ thuộc nhiều vào những cảm quan mơ hồ, dễ bị gian thương đánh lừa”- ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng cục chăn nuôi bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo.
Nguyễn Thị Phương Thúy
Báo đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận