Giữa mùa dịch, khu trọ gọi nhau bằng một cái tên “Nghĩa Tình”
(Sóng trẻ) – Chục gói mì, chục quả trứng và 5 cân gạo cho mỗi một túi quà. Hơn 100 túi như thế cùng chiếc biển hiệu đơn giản đã sẵn sàng để những người dân trong khu trọ, ai cần thì đến lấy.
Đã gần 1 tháng nay, công trường nơi chị Dì Thị Áo (công nhân xây dựng tại Hà Nội) làm việc đã phải ngừng lại do thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Không được đi làm lại chẳng thể về nhà, chị Áo và những công nhân khác chỉ có thể ở yên trong khu nhà trọ VIFAHO và trông chờ vào 40.000 đồng tiền hỗ trợ mỗi ngày từ chủ xây dựng.
Không phải lần đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhưng có lẽ là lần giãn cách lâu nhất và cũng là lần phức tạp nhất. Thủ đô bao dung cho bao người tứ xứ đổ về, có kẻ mong đổi đời lại có kẻ ước xây giấc mơ. Giờ đây thủ đô đổ bệnh, nhọc nhằn và chật vật hẳn chẳng ai bằng những người “lấy phố làm nhà” như những người công nhân này.
Những lời nói như nghẹn lại của chị Lư Thị Hằng – cũng là một trong những công nhân mắc kẹt lại Hà Nội trong khu trọ - nghe còn thương hơn cả chục chữ “thương” gom lại với nhau. Bởi vậy mà thương nhất lúc này không phải là những người “phải” ở nhà mà là những người không có nhà để về hoặc có nhà cũng chẳng thể về.
Mùa dịch khiến người ta biết, có được cuộc sống bình thường cũng là một điều phi thường. “Phi thường” là khi tháng này vẫn có đủ lương, nhà máy không phải đóng cửa vì dịch, vẫn có đủ tiền đóng học cho con hay vẫn trụ được tiền thuê nhà cho tháng tới. Thương Thủ đô, thương cả những người đang lao đao vì dịch.
Giữa lúc Hà Nội chốt chặn tứ bề để căng mình chống dịch, một câu chuyện tử tế tại khu trọ VIFAHO (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) đã khiến cuộc sống của những lao động chị Áo, chị Hằng giảm bớt đi đôi phần. Khi thủ đô ngày vài lần phải nín thở trước những ca nhiễm dịch thì ở đây vẫn có bao nhiêu người ngày đêm miệt mài thầm lặng gửi trao tình yêu thương và lòng nhân ái. Đó không chỉ là công việc để chung tay giúp Hà Nội đẩy lùi dịch bệnh, chóng khỏe lại mà còn là để từng con người trên mảnh đất này không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo chia sẻ của đại diện khu nhà trọ VIFAHO, khu trọ hiện đang có hơn 1000 sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học lân cận thuê trọ. Một số đã về nhà tuy nhiên một số vẫn đang mắc kẹt tại Hà Nội do giãn cách xã hội. Để hỗ trợ các bạn sinh viên cũng nhưt những người lao động trong và ngoài hệ thống, ban quản lý đã huy động hơn 1,5 tấn gạo; 3.000 quả trứng; 1.000 ngói mì tôm để chia đều cho các phần quà.
Dù dịch bệnh nhưng ban quản lý khu trọ dường như cũng tất bật hơn bởi những chuyến hàng để hỗ trợ cư dân, rồi thậm chí có những người đi ngang cũng thấy vậy mà vội vàng gửi chút quà cho bà con đỡ cực.
Hoa lệ, xa xỉ vốn là những từ mà người ta thường dùng cho một thành phố. Nhưng phía trong sự hào nhoáng và lộng lẫy đó vẫn luôn tồn tại một Hà Nội dung dị và biết yêu thương tất cả mọi người. Nhất là trong lúc dịch bệnh hoành hành, người góp sức, người góp yêu thương, người góp chút xíu vật chất,... rồi không xa nữa hết dịch, ta lại được mỉm cười vì Hà Nội đã đi qua những ngày khó khăn mà vẫn ấm tình người.
Không chỉ hỗ trợ những người trong khu trọ, Sạp hàng 0 đồng còn ghé thăm đến từng thôn trong xã để đem những suất hỗ trợ đến người cần. Nào thôn An Trai, nào Hậu Ái, nào Kim Hoàng,… người dân nhận được hỗ trợ cũng phấn khởi.
Và phải chăng, giữa xám xịt của đại dịch, từng chút niềm vui được chở những chuyến hàng thiết yếu đến bà con khó khăn gom góp lại cũng đủ để làm ánh nên sắc cầu vồng?
Mọi người đều đang cố gắng làm tốt nhất việc của mình để giảm đi những gánh nặng Thủ đô. Đại dịch đem đến không ít tổn thương nhưng chúng ta cũng đã tìm ra cách biết ơn đại dịch khi nhận ra những giá trị ẩn dưới hiểm nguy - giá trị đến từ tình yêu thương và giá trị đến từ sự tử tế.