Suýt xoa với những món ăn đặc trưng hương vị Tết
(Sóng trẻ) – Tết cổ truyền còn được gọi là Tết đoàn viên – ngày mà cả đại gia đình sum họp bên những mâm cơm ấm cúng, quây quần với những câu chuyện vui đầu năm. Các món ăn trong mâm cơm ngày Tết luôn mang đậm nét đẹp truyền thống của dân tộc, như một biểu tượng cho những ngày đầu xuân năm mới.
Các món ăn trong ngày Tết thường được mọi người chuẩn bị từ sớm, ngay từ những ngày cuối trong năm. Với tâm niệm “cả năm mới có một cái Tết” nên các món ăn luôn được chọn lựa những loại nn nhất, làm sao để cho mâm cơm ngày Tết được khang trang đủ đầy. Dưới đây là một số món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới, biểu tượng sự cho sự may mắn và là “nỗi nhớ” trong những ngày cận Tết.
1. Bánh chưng
Bánh chưng là nét đẹp văn hóa có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực Việt Nam. Theo truyền thuyết, bánh chưng ra đời từ thời vua Hùng thứ 6 liên quan đến hoàng tử Lang Liêu. Truyền thuyết nhằm giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của bánh chưng bánh dày. Bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho mặt đất. Bên trong bánh được làm chủ yếu bằng gạo và đỗ - hai nguyên liệu chính từ tự nhiên, để thể hiện sự biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, một năm tươi tốt.
Các nguyên liệu để làm bánh chưng
Khi làm bánh, gạo bọc lấy đỗ, đỗ bọc lấy thịt lợn, sự đùm bọc này được ví như các anh em dân tộc Việt Nam luôn gắn kết, sẻ chia và giúp đỡ nhau. Từ những ý nghĩa này mà vào mỗi dịp Tết bánh chưng đều được bày trang nghiêm trên bàn thờ của mỗi gia đình Việt Nam. Cứ vào những ngày cuối năm người người, nhà nhà lại quây quần bên những tàu lá dong, chậu gạo,… để cùng nhau gói những chiếc bánh chưng ấm cúng, mang đậm tình người.
Không khí ấm cúng của gia đình khi cùng nhau gói bánh chưng những ngày cận Tết
2. Xôi gấc
Theo quan niệm của người xưa màu đỏ luôn được cho là màu may mắn, sung túc. Vì vậy mà trong ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị một đĩa xôi gấc trước hết là để thắp hương gia tiên, sau là cho con cháu thụ lộc với mong muốn mọi người có một năm mới bình an, hạnh phúc.
Đĩa xôi gấc dẻo thơm ngày Tết
Gạo để nấu xôi thường được các bà, các mẹ chọn lựa cẩn thận, hạt gạo phải còn nguyên, không bị vỡ. Quả gấc thường phải là gấc nếp, dẻo và đỏ tươi, để khi trộn cùng gạo sẽ có một đĩa xôi đậm màu và bắt mắt. Vị dẻo của gạo và vị béo ngậy của nước cốt dừa sẽ trở nên ngọt ngào khó quên thay cho những lời chúc tốt đẹp và đầu xuân mới.
3. Giò
Những khoanh giò đủ loại khác nhau được cắt hình tam giác và bày trên mâm cơm vào ngày Tết luôn là một điểm nhấn không thể thiếu. Giò thường được xếp ở vị trí trung tâm của mâm cỗ, giống như những cánh của ngôi sao, có ý nghĩa “trong ấm, nài êm, phúc lộc đầy nhà”.
Giò được gói trong lá chuối mang ý nghĩa đặc trưng
Giò có rất nhiều loại khác nhau, đặc biệt trong dịp Tết thường có giò lụa, giò xào, giò me,… Loại giò phổ biến nhất là giò được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, gói bằng lá chuối và luộc chín. Những miếng giò trắng mịn, giòn dai là hương vị không thể thiếu mỗi khi nhắc về ngày Tết.
Những miếng giò được trang trí đẹp mắt trong mâm cơm ngày Tết
4. Thịt gà luộc
Thịt gà luộc dường như đã quen thuộc với các dịp như đám cưới, đám hỏi và các buổi tiệc quan trọng. Nhưng trong dịp Tết, món ăn đơn giản này lại không thể vắng mặt trên mâm cơm tất niên hay mâm cơm sáng mồng 1. Món thịt gà luộc được xếp ngay ngắn, vàng óng trên đĩa thể hiện sự thành kính, đủ đầy như để tổng kết và báo cáo cả năm vừa qua.
Gà luộc vàng óng – món ăn "quốc dân" trong dịp Tết
Về mặt tâm linh, người Việt thường hay có tín ngưỡng xem chân gà vào đầu năm. Chân gà được luộc vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ dự đoán trước những vận mệnh của gia đình trong năm, nên nhiều gia đình luộc gà vào sáng mồng 1 thường để lại chân và ngâm rượu với niềm tin vào tín ngưỡng lâu đời này.
5. Nem rán
Món nem rán được chấm chìm trong bát nước mắm chua ngọt vào ngày Tết được nhiều người ví như một “tuyệt phẩm” trong mâm cơm, để xua đi vị ngán trong những đồ nếp dẻo. Nhân nem thường được các bà, các mẹ chuẩn bị rất đa dạng từ thịt nạc vai, mộc nhĩ, miến đao, cà rốt, hành, rau thơm,… tất cả đều được băm nhỏ và trộn với trứng và gia vị. Các món nem ngày càng được cho thêm nhiều rau củ, tùy theo nhu cầu của từng gia đình.
Nem rán với nước chấm đậm đà và ăn kèm rau sống tránh ngán ngày Tết
Do làm nem cần nhiều nguyên liệu nên các gia đình thường làm từ trước Tết và rán vừa chín tới, khi cần dùng chỉ cần đem ra rán nóng để thuận tiện hơn trong ngày đầu xuân bận bịu. Sự hòa quyện của nhân trong món nem rán cũng là niềm tin gắn kết trong năm mới của người Việt, nem vàng rụm chính là màu sắc khởi đầu cho những điều suôn sẻ, hanh thông.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại và biến chuyển nhiều hơn, xuất hiện nhiều những món ăn mới trên mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình. Nhưng những món ăn truyền thống, gắn bó với người dân từ nhiều đời nay vẫn như một nét đẹp ẩm thực, giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người Việt Nam. Chúng vẫn ngồi bên những câu chuyện tổng kết năm cũ, lời chúc năm mới, vẫn là điều giúp các thành viên trong gia đình hàn huyên, gắn kết sau một năm vất vả, bộn bề,…
Như Quỳnh (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Bình luận