Thắp con chữ nơi miền biên viễn

(Sóng trẻ) - Dù phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, song vì tình yêu dành cho nghề giáo và sự nỗ lực vượt khó của các thầy cô ở vùng cao Thượng Trạch, công tác giáo dục nơi đây đã có thêm niềm tin, thầy cô có thêm động lực để tiếp tục bám bản, gieo chữ cho các em với hy vọng giúp cho tương lai các em rộng mở và tươi sáng hơn. 

Dọc theo con đường 20 Quyết Thắng lịch sử, tôi tìm đến xã Thượng Trạch, một xã biên giới của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào một ngày trời nắng như đổ lửa. Khi đến đây, thật không khó để tôi có thể bắt gặp những cô bé, cậu bé Ma Coong trong mấy bộ quần áo lấm lem bùn đất, trên tay còn mê mẩn chiếc bánh gạo của thầy cô mới mang từ dưới xuôi lên cho các em. Hiện trên địa bàn xã có 4 trường học với hơn 950 em, trong đó Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú có 280 em từ lớp 6 đến lớp 9, Trường Tiểu học Số 1 có 153 em, Trường tiểu học số 2 có 213 em và Trường Mầm non Tân - Thượng có 311 em. 

Trong cái khó…

Cách biên giới Việt Lào chỉ 3km, điểm trường Tiểu học bản Troi hiện có 3 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy. Khi thấy tôi đến, cô Lê Thị Chuyên, người có hơn 4 năm công tác tại đây, vừa tranh thủ cuốc đất trồng rau để cải thiện bữa ăn, vừa chia sẻ với tôi về cuộc sống của thầy cô nơi phên dậu Tổ quốc: “Dàn điện năng lượng mặt trời đã sập hết rồi cho nên cuộc sống ở đây rất vất vả. Tủ lạnh không có, đồ ăn đưa lên đây thì phải hâm đi hâm lại ăn cả tuần đến khi về luôn, hết 11 ngày rồi ra”.

Trong nhiều năm qua, dù đã được chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động dạy và học trên địa bàn, song khó khăn, thiếu thốn vẫn là điều không thể tránh khỏi, thầy Cao Minh Thương, người đã có 11 năm công tác tại Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết: “Cơ sở vật chất trường thiếu thốn nhiều nên cũng chưa tạo cho học sinh sự hứng thú. Khi có đầy đủ cơ sở vật chất, dồ dùng dạy học thì công tác giảng dạy được dễ dàng hơn.”

anh-1-3.JPG
Thượng Trạch là một xã biên giới chưa có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn

Không chỉ tại các điểm trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, việc cơ sở vật chất chưa đủ để tạo hứng thú cho các em đến lớp luôn là vấn đề khiến đội ngũ giáo viên đang công tác tại xã vùng biên Thượng Trạch trăn trở: “Khuôn viên, cơ sở vật chất và các hạng mục bên ngoài còn thiếu nhiều. Ví dụ như sân chơi cho trẻ, các đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. Trường có mười hai điểm trường nhưng chỉ có năm đến bảy điểm trường có đồ chơi ngoài trời, như xích đu, cầu trượt. Một số điểm trường chưa có sân bê tông, hàng rào. Đa số nhà trường phải huy động phụ huynh rào tre nứa tạm thời để tạo khuôn viên tránh gia súc vào trong trường”, Cô Nguyễn Thị Tịnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân - Thượng nói. 

anh-2-5.JPG
Bà con dân bản phụ giúp thầy cô dọn dẹp khuôn viên trường học

Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, đường sá đi lại vất vả, có những em học sinh để đến được trường học phải vượt qua hai đến ba cây số đường rừng, băng qua rất nhiều con suối. Chính vì những lý do đó, rất nhiều em đã nghỉ học ở nhà, theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Nhưng chỉ cần một em vắng mặt, mùa nắng cũng như mùa mưa, thầy cô lại thay phiên nhau đến nhà gọi các em đến lớp. “Trong quá trình đến trường, đường sá đi lại xa xôi, như bản Cờ Đỏ hiện tại, điểm trường có 5 học sinh đi 3 cây số qua khe. Trong những học sinh này, ý thức của các em còn thấp, giáo viên phải đi vận động suốt. Như trước đây, thầy cô ngày nào cũng giống tháng nào, phải đi suốt, 6 giờ đi, 7 giờ về kịp để dạy học, có những bữa nước sâu quá thì phải có người đưa học sinh đi, đưa học sinh về”, Thầy Thương kể. 

anh-3-5.jpg
Các thầy cô giáo phải đến từng nhà vận động các em đến trường

Vận động các em đến trường chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với các thầy cô cắm bản. Công việc đó luôn được duy trì hằng ngày và được thầy cô đặt rất nhiều tâm huyết: “Quá trình vận động không phải thầy cô vào nhà nhà nói đi học là học sinh đi học ngay đâu. Nếu như thầy cô không có tâm huyết, không có sự quyết tâm cao thì không bao giờ làm được. Mình phải khéo léo tác động từ những cái nhỏ nhất, ví dự như cho bố mẹ mì chính, thức ăn. Nếu như hôm nay mình cho bố mẹ thì sáng mai bố mẹ có thể thức con dậy sớm hơn”, Thầy Thương kể thêm. 

…vẫn có niềm tin

Trên những chuyến đi mang tri thức đến với bản làng, các thầy cô luôn chở đầy gạo, muối và chở cả những hy vọng, vượt qua gần 100 cây số đường rừng. Những hy vọng mà thầy cô mang theo không phải là một ngôi trường ba tầng khang trang, rộng rãi, cũng chẳng phải là những bữa cơm có đầy ắp cá thịt như ở miền xuôi. Mà đơn giản chỉ là những giờ lên lớp không vắng bóng học sinh và những bộ quần áo, đôi dép, tập vở mới cho các em đến trường: “Chúng tôi chỉ có mong muốn là khi đánh kẻng, học trò lên lớp, đi học đầy đủ, cha mẹ quan tâm học trò để giáo viên không phải đi vận động từng nhà. Đó là điều mong muốn lớn nhất của giáo viên cắm bản”, cô Chuyên bộc bạch.  

anh-4-4.jpg
Giáo viên vùng cao luôn ân cần, chăm sóc các em học sinh

Thầy Thương, giáo viên đang giảng dạy tại bản Cờ Đỏ, Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cũng có những mong muốn rất đơn giản: “Hy vọng lớn nhất là nhà trường có cơ sở vật chất, đồ dùng học tập đầy đủ cho học sinh. Trong thâm tâm mỗi thầy cô giáo đang công tác ở đây ai cũng mong muốn học trò đến lớp có đầy đủ sách vở, giày dép, quần áo mới”.

“Tất cả vì học sinh thân yêu” giờ đây không chỉ là câu khẩu hiệu, mà còn là động lực, sức mạnh để thầy cô luôn sẵn lòng và sẵn sàng cống hiến vì những thế hệ mầm xanh tương lai của đất nước: “Các thầy giáo, cô giáo đã lên công tác ở vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn thì kỳ vọng lớn nhất là đưa chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao và đạt được kết quả tốt”, cô Tịnh kết lời.  

anh-5-4.JPG
“Tất cả vì học sinh thân yêu” giờ đây không chỉ là câu khẩu hiệu, mà còn là động lực, sức mạnh để thầy cô luôn sẵn lòng và sẵn sàng cống hiến

Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch xã Thượng Trạch đặt rất nhiều kỳ vọng vào giáo dục của địa phương: “Nhằm để khắc phục những khó khăn, trong những năm qua, đảng uỷ chính quyền địa phương cũng đã làm việc với các các cấp để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện cho các em và các thầy cô giáo có môi trường đào tạo thuận tiện hơn. Chúng tôi mong rằng nền giáo dục của xã nhà ngày càng đi lên, giúp cho phụ huynh và các em học sinh nhận thức được vấn đề giáo dục là vấn đề nòng cốt để nhằm tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo.”

Vượt qua những khó khăn về địa lý, thầy cô từ miền xuôi vượt núi, băng rừng, cõng nắng mưa, cõng cả những con chữ lên đôi vai gầy đã nhuốm màu sương gió nơi biên cương để mang đến cho các em những bầu trời tri thức mới. Dẫu biết rằng con đường vận động các em đến lớp không phải ngày một ngày hai, cũng chẳng phải một sớm một chiều. Trên con đường đó, thầy cô phải băng qua rất nhiều con suối, có lúc còn phải là người vén màn sương dày đặc vẫn giăng kín khắp bản làng để kịp giờ cho các em đến lớp. Không biết thầy cô sẽ thêm bao nhiêu lần đến từng nhà, gõ cửa từng bản để đưa các em đến trường. Chỉ biết rằng, trên những cung đường quen thuộc, vẫn có sự kiên trì, bền bỉ và tâm huyết của những người gieo chữ. Với những nỗ lực vượt khó của thầy cô nơi đây, chúng ta có quyền được hy vọng, được tin về một thế hệ trẻ giàu sức sống và một tương lai tươi sáng nơi miền biên viễn. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật20 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN