Thế hệ trẻ yêu nước trong thời đại số - Kỳ 1: Yêu nước bằng “hành động số”
(Sóng trẻ) - Thời đại công nghệ số 4.0 phát triển, các nền tảng mạng xã hội cũng ngày một phát triển, không chỉ là nơi kết nối, chia sẻ thông tin, mà còn là không gian để người trẻ thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành của mình. Nhưng, ngay trong các trào lưu đáng tuyên dương đó cũng còn tiềm ẩn không ít hiểm họa đáng gờm
Thể hiện tình yêu nước theo cách của người trẻ
“Giới trẻ thờ ơ chính trị” đã từng được xem là một vấn đề đáng báo động khi mức độ quan tâm và sự hiểu biết của giới trẻ đối với chính trị nói chung và hoạt động nội chính nói riêng còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan hơn trong một vài năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy rằng, khi đối diện với những vấn đề trọng đại của đất nước, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ vẫn được thể hiện mạnh mẽ. Đặc biệt, trong các vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, giới trẻ đã có những cách thể hiện quan điểm độc đáo và sáng tạo, tạo sức ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp xã hội. Điều này được thể hiện qua các trào lưu yêu nước; các nội dung sáng tạo về lĩnh vực chính trị, câu chuyện lịch sử được chia sẻ rộng rãi và hưởng ứng tích cực qua các trang mạng xã hội.
Hàng loạt trào lưu như “Lá cờ trong mắt”, “Chụp ảnh với cờ Tổ quốc”, “Vẽ quốc kỳ lên mái nhà”... tràn ngập trên mạng xã hội như tiktok, facebook thu hút hàng triệu người quan tâm theo dõi. Bên cạnh đó, xuất hiện rất nhiều fanpage “thần tượng” các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta hiện nay; các nhà sáng tạo nội dung trẻ trên nền tảng TikTok truyền tải những câu chuyện lịch sử, chính trị đầy sáng tạo sở hữu số lượng lớn người trẻ theo dõi như: Trường Lịch sử, Giao Cùn, Vietdonut, Bên lề Chính trị…
Bạn Hoàng Lam Phương, sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Mỗi khi lướt mạng xã hội trong thời gian rảnh, đã có rất nhiều lần mình vô tình xem được video về các câu chuyện lịch sử của ông cha ta khiến mình vô cùng xúc động, những lần như thế mình như được thôi thúc tìm hiểu thêm các video, tư liệu liên quan đến lịch sử. Đặc biệt hơn, mình còn được truyền cảm hứng bởi những vị lãnh tụ vĩ đại của nước nhà qua các video trên mạng xã hội. Thay vì thần tượng các ca nghệ sĩ nước ngoài, mình chuyển dần sang thần tượng các nguyên thủ quốc gia”.
Qua đây, ta có thể thấy rằng giới trẻ hiện thời không chỉ thể hiện lòng yêu nước một cách sáng tạo mà còn tạo nên một làn sóng tích cực, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người. Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa hình ảnh đất nước trên mạng xã hội mà còn thúc đẩy sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc. Những video được đăng tải cùng với các bài viết, câu chuyện lịch sử hay những hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia đã trở thành cầu nối giữa thế hệ trẻ và lịch sử.
Theo Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, chuyên ngành Công tác xã hội, giảng viên Trường đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh): “Thời đại 4.0 mang đến nhiều cơ hội để người trẻ thể hiện lòng yêu nước, thông qua việc tận dụng sức mạnh của khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những hành động thể hiện lòng yêu nước, hành động nhân văn, những video ý nghĩa truyền đi động lực tích cực sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đó chính là sứ mệnh, là trách nhiệm của người trẻ” (nguồn: Báo Nhân Dân cuối tuần)
Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng
Mặc dù với sự phát triển của công nghệ, giới trẻ có thể tiếp cận nhanh chóng nhiều nguồn thông tin, trở thành công cụ hữu hiệu giúp thế hệ trẻ sáng tạo nội dung, từ bài viết, video, hình ảnh đến các chiến dịch truyền thông về lòng yêu nước. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận vẫn còn rất thụ động. Nhiều bạn trẻ chủ yếu đọc báo qua những bài được chia trẻ trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng cụ thể, thay vì chủ động tiếp cận tới các nguồn tin chính thức, tạo ra những hệ lụy khôn lường cho tình hình an ninh xã hội.
Thực tế cho thấy thanh thiếu niên là lực lượng rất nhạy cảm thường rất dễ bị lôi kéo và kích động. Vì thế các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn xem đây là đối tượng đặc biệt để thực hiện các âm mưu “diễn biến hoà bình”. Chúng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, internet để phát tán tài liệu có nội dung phản động, thông tin xấu độc, đồi truỵ để dần “chuyển hoá” giới trẻ nhằm tạo ra một thế hệ trẻ sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, sẵn sàng xét đoán vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Những thông tin xấu độc nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đến tư tưởng, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của thế hệ trẻ đối với Đảng, Nhà nước.
Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Bên cạnh những nội dung sáng tạo, trào lưu ý nghĩa thể hiện lòng yêu nước đáng được tuyên dương và lan toả; giới trẻ cần phải tỉnh táo để có thể nhận diện được các thông tin xấu độc trên không gian mạng tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, tiếp tay cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần có những giải pháp triệt để giúp thế hệ trẻ nói riêng và công dân Việt Nam nói chung “đề kháng” trước thông tin xấu, độc trên mạng xã hội góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.