Thế hệ Y và xu hướng thích “xê dịch” công việc

(Sóng Trẻ) - Nếu nhắc đến thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến năm 1980), cụm từ “sự ổn định” trong công việc, trong lựa chọn nghề nghiệp có thể trở nên quá đỗi quen thuộc nhưng đến thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981 đến năm 2000) thì nó lại nghe có vẻ nhàm chán và không nhận được nhiều câu trả lời Yes (Có) thay vì No (Không) nếu các bạn trẻ ngày nay được hỏi: Bạn sẽ lựa chọn một công việc ổn định chứ? 

Giới trẻ ngày nay và những sự “dịch chuyển” 

Tại Việt Nam, thế hệ Y chiếm tới hơn 35% dân số. Họ là những người nằm trong lực lượng lao động chính của xã hội. Ngày nay, các bạn trẻ thuộc thế hệ Y, họ được tiếp xúc sớm với công nghệ thông tin, phần lớn đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp nhận tin tức, để học hỏi, trao đổi nên dường như chính vì vậy mà họ có tư tưởng, suy nghĩ khác, “bạo dạn” hơn so với thế hệ trước. Họ không ngại khó, không ngại thử thách, sẵn sàng theo đuổi đam mê, hoài bão, ước mơ của mình. Những người trẻ thế hệ Y luôn coi trọng bản ngã cái tôi của họ và luôn sống cho bản thân mình. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện đại đã, đang có xu hướng “xê dịch” công việc nếu đó không thực sự phải đam mê hay môi trường làm việc nhàm chán cùng mức thu nhập không đem lại sự hài lòng.

Bùi Huy Hoàng (22 tuổi) là một bạn trẻ vừa mới xin nghỉ làm tại một công ty. Cậu bạn đã nhảy việc không ít lần này chia sẻ: “Những quyết định nhảy việc của tôi cũng phổ biến giống như bao bạn trẻ khác nài kia. Đó là tôi vẫn đang đi tìm chính mình, đang đi tìm một công việc tôi thực sự thuộc về”. Còn với Trần Ngọc Tú (hiện đang làm thiết kế cho công ty PV&TC), từng thay đổi công việc 7 lần trong 2 năm, nói rằng những lần “nhảy việc” của anh đều vì chưa tìm được một môi trường làm việc phù hợp cũng như mức lương hợp lý. Anh tâm sự: “Có những nơi trả mức lương cao nhưng môi trường làm việc lại quá áp lực. Có những nơi môi trường làm việc ổn, đồng nghiệp thân thiện, nhưng mức thu nhập lại không cao so với công sức mình bỏ ra”. 

Theo một khảo sát của Navis Group, 69% các bạn trẻ thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. Bên cạnh đó, Navis Group nhận thấy yếu tố về tài chính như lương, thưởng là yếu tố hàng đầu để người trẻ đưa ra quyết định tiếp tục làm ở công ty này hay chuyển sang công ty khác. 71% người cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% lại cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn. 

5d44bd3f2_follow_a_survey_of_navis_group0101.png
Nhìn vào những con số trên, đủ để nhận thấy sự “chuyển dịch” công việc của giới trẻ hiện đại đang thực sự được các bạn hưởng ứng. Ấy thế nhưng, như một lẽ tự nhiên, mọi vấn đề đều mang tính hai mặt. Liệu rằng, sự “xê dịch” công việc liên tục có thực sự đem lại những điều như mơ cho các bạn trẻ? 

Sự “dịch chuyển” và tính hai mặt 

Ngồi bên quán cà phê vỉa hè cùng ly cà phê, Trần Ngọc Tú tiếp tục sự chia sẻ về câu chuyện “nhảy việc” của bản thân: “Tôi đã nhận được nhiều thứ từ những lần nghỉ chỗ này, chỗ kia rồi chuyển sang chỗ làm mới. Đó là trải nghiệm về môi trường làm việc mới, những mối quan hệ mới. Nài ra, đấy còn là sự mới mẻ trong việc thay đổi công việc vì mình sẽ được tiếp xúc với những thứ trước đó chưa từng biết đến hay làm bao giờ”. Nhưng sau khi đặt ly cà phê xuống bàn, chàng trai này cũng nói thêm về những mặt hạn chế của “nhảy việc” quá nhiều mà bản thân anh cảm thấy thấm thía. “Khi chuyển đổi công việc liên tục, bạn sẽ hình thành tính cách nhanh chán nơi làm việc đó, dễ dàng xin nghỉ mà thường ít do dự. Thêm nữa, “nhảy việc” nhiều khiến hồ sơ xin việc (CV) của bạn kém đẹp trong mắt các nhà tuyển dụng. Họ bao giờ cũng muốn lựa chọn những người từng có thời gian làm việc lâu dài tại một công ty chứ không phải người làm ở không ít nơi, có kinh nghiệm ở các vị trí song chỉ làm trung bình từ 3-4 tháng”.

Cũng trong một buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: “Bí quyết nhảy việc: “Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa”, tất cả phụ thuộc vào bạn!”, do báo điện tử Trí thức trẻ và CafeF tổ chức, anh Nguyễn Hùng - một người trẻ từng nhảy việc rất nhiều lần, hiện là Founder/CEO của MEG Creative, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người. Anh nói rằng: “Chúng ta sẽ không biết mình biết gì cho tới khi thử. Khi mà có quá nhiều lựa chọn, chúng ta sẽ dễ bị thiếu thỏa mãn. Như thể bạn lên Foody hay LOZI chọn món xong cuối cùng vẫn ra quán ăn quán bún gần nhà và nhảy việc cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta có quá nhiều cơ hội thì lại phân vân giữa các lựa chọn nên cuối cùng lại chọn một công việc quen thuộc...” 

5d44bd3f2_its_national_wine_day_1_copy.png

“Nhảy việc” cũng giống như bao trải nghiệm khác trong cuộc sống, bạn sẽ nhận được cả “trái đắng” và “trái ngọt”, mang tính chất hai mặt. Cũng giống như Tú, các bạn trẻ hiện nay do thay đổi nhiều môi trường công việc nên trở nên “bạo dạn” hơn, có nhiều kiến thức, nhiều mối quan hệ xã hội. Các bạn hiểu rõ hơn bất kì ai hết về việc mình có phù hợp với nơi này hay không và bản thân mình thực sự muốn điều gì nên thay vì lựa chọn một công việc an nhàn, ổn định rồi than thở thì những bạn trẻ ấy sẵn sàng “nhảy việc”, không ngại thử thách, không sợ thất bại. Tuy nhiên, như đã nói, mọi vấn đề luôn có cả mặt tích cực cũng như tiêu cực. Khi dịch chuyển công việc quá nhiều, con người ta dễ bị nhanh chán, dễ có những quyết định nghỉ việc nhanh chóng mà nó đôi khi chưa thực sự đúng đắn, sáng suốt. Nài ra, “nhảy việc” cũng khiến các nhà tuyển dụng khắt khe trong cách lựa chọn bạn. Những người tạo được ấn tượng tốt về tính trung thành, lâu dài trong vị trí công việc đảm đương chắc chắn sẽ thuận lợi hơn người khiến nhà tuyển dụng nghĩ về việc liệu khi mình nhận người này, họ sẽ làm được trong bao lâu đây? 

Vậy thì “nhảy việc” có thực sự nên hay không? 

“Nhảy việc” hay không? Đó là sự lựa chọn của bạn! 

Khi được đưa ra câu hỏi về việc sau khi ra trường, bạn sẽ quyết định lựa chọn một công việc ổn định hay sẽ dịch chuyển nếu thấy phù hợp, bạn Võ Hoàng Hương Giang (sinh viên năm 4 của Học viện Báo chí và tuyên truyền) đã chia sẻ: “Sự ổn định với tôi là việc của tương lai mười năm nữa, còn hiện tại bây giờ nếu có cơ hội được thử sức trong nhiều công việc khác nhau thì tại sao không?. Thử nhiều để tìm ra điều bản thân mình giỏi, cảm thấy đam mê và gắn bó lâu dài. Cái gì xuất phát từ niềm yêu thích của bản thân đều sẽ có thể phát triển, từ đó mới ổn định được”. Shark Hưng – một nhà đầu tư thông minh, đồng thời cũng là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ hiện nay, khẳng định rằng: “Tôi khuyên các bạn nếu thấy công việc không thoải mái, không hợp với bản thân mình thì hãy rút luôn để đổi công việc khác, thậm chí nghỉ luôn ngay khi chưa tìm được công việc mới. Không nên cố gắng níu kéo vì điều đó chỉ làm mất thời gian chúng ta”. 

5d44bd3f2_its_national_wine_day_2_copy.png

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, start trẻ Nguyễn Hùng lại nói: “Tôi nghĩ khái niệm “vùng an toàn”, “sự ổn định” đơn giản là mục tiêu của họ với cuộc sống. An phận và hài lòng với điều mình có. Sao phải gò ép tất cả mọi người đâm đầu vào gian khổ. Không còn thời “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng” nữa, thì giờ phải là “Ai cũng chọn việc gian khổ, nhẹ nhàng biết dành phần ai?””

“Nhảy việc”, xét cho đến cùng, nó không phải một bài toán chỉ có duy nhất một đáp án mà nó có nhiều đáp án, đáp án ấy là gì tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. “Nhảy việc” sẽ không có đúng có sai, có nên hay không nên, nó chỉ có bạn thực sự muốn vậy hay không. Các bạn trẻ hiện đại, vẫn hãy cứ là những người trẻ thuộc thế hệ Y, làm những gì mình dám làm, dấn thân, chấp nhận đương đầu với mọi thứ thách để sống cho tháng ngày thanh xuân rực rỡ. Còn nếu lựa chọn “vùng an toàn”, sự an phận, ổn định, đó cũng là quyết định của bạn, chỉ cần bạn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với nó, như Founder/CEO của MEG Creative Nguyễn Hùng đã nói nếu ai cũng chọn việc gian khổ thì việc nhẹ nhàng sẽ dành cho ai? 

“Mỗi sáng ngủ dậy tôi đều cảm thấy rất vui vì những quyết định và sự lựa chọn của mình”, bạn Bùi Huy Hoàng (22 tuổi) chia sẻ. Và chúng ta, thế hệ trẻ hiện đại ngày nay, cũng chỉ nên cần vậy là đủ rồi hay sao? 


Tại sao được gọi là thế hệ Y? - Vì trong tiếng Anh, Y phát âm giống từ "Why", có nghĩa là Tại sao? Vì sao?. Đây là câu hỏi mà những người trẻ tuổi thuộc thế hệ này thường xuyên đặt ra. Có nhiều cách gọi khác nhau tùy theo từng nước, nhưng nhìn chung, trên thế giới họ được gọi là thế hệ Y

Hà Linh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN