Khủng hoảng đồng trang lứa của Gen Z

(Sóng trẻ) - Áp lực đồng trang lứa là một vấn đề tồn tại từ lâu và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nó đã, đang và sẽ còn là một gánh nặng tâm lý đối với nhiều người, đặc biệt là với các bạn trẻ.

“Mình thật vô dụng…”

Việc tự so sánh hoặc bị so sánh với người khác là một vấn đề phổ biến ở mọi lứa tuổi, gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc và có thể kéo dài suốt cuộc đời. Áp lực này khiến nhiều người cảm thấy tự ti, luôn nghĩ rằng “mình thật vô dụng”, “mình thật bất tài”, “mình thua kém người khác”. Từ đó, họ dần mất niềm tin vào bản thân và nặng nề hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Bạn Đoàn Đức Minh (20 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Mình luôn cảm thấy áp lực khi xung quanh có quá nhiều người giỏi. Mặc dù không ai so sánh mình với họ, nhưng mình luôn cảm giác bản thân không bằng ai cả…”. Minh cảm thấy chán nản khi thấy bạn bè vừa đi làm, vừa học tập và đều đạt kết quả tốt, trong khi bản thân chỉ tập trung vào học tập mà vẫn không đạt được thành tích như mong muốn. Minh cảm thấy vô cùng áp lực khi thấy mình dường như không thể cân bằng cuộc sống tốt như bạn bè.

anh-1-pre.png
Áp lực phải “bằng bạn bằng bè” khiến Minh làm việc quá sức, vừa học vừa làm đủ thứ việc, từ phục vụ đến chạy ship. (Ảnh: Đức Minh).

 

Muốn chứng tỏ bản thân không thua kém ai, Minh đã ôm đồm thêm nhiều công việc, từ học hành đến công việc làm thêm. Kết quả là thành tích học tập sa sút và công việc không đạt hiệu quả như mong muốn, khiến cậu ngày càng mệt mỏi.

Cũng giống như Minh, Bùi Thanh Huyền (20 tuổi, sinh sống tại Thái Bình) ngày càng cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè. Huyền tâm sự: “Mình thường xuyên gặp phải những video với nội dung như: “20 tuổi đã xây nhà cho bố mẹ”, hay “Làm sao tôi có thu nhập 8 chữ số khi mới 19’. Mình cảm thấy áp lực đến mức phải chặn luôn các video đó…”. Huyền cảm thấy chạnh lòng khi nhìn thấy những người bạn của mình đã có thành tựu lớn ở độ tuổi rất trẻ, trong khi bản thân cô vẫn chỉ lo học.

Huyền nhận ra rằng việc không ngừng so sánh bản thân với người khác là vô nghĩa, nhưng cô vẫn không thể ngừng suy nghĩ tiêu cực. Cô rơi vào trạng thái tự ti, luôn ám ảnh tư duy “mình thật thua kém”. Cô tự an ủi rằng “có áp lực thì mới có kim cương”, nhưng điều này không giúp giảm bớt cảm giác tồi tệ. 

Huyền chia sẻ: “Ở nhà, bố mẹ thường xuyên so sánh mình với con nhà người ta. Khi đến trường, giáo viên hay khen ngợi, chỉ trích học sinh khác trước lớp, điều này vô tình tạo ra một áp lực nặng nề trong tâm trí mình".

Từ gánh nặng thành đòn bẩy thành công

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh giải thích: "Áp lực đồng trang lứa là sự ảnh hưởng của nhóm đồng trang lứa đối với các cá nhân để họ tuân theo các tiêu chuẩn và kỳ vọng chung. Mặc dù có thể mang lại những giá trị xã hội hóa tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của cá nhân".

Ai cũng mong muốn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Trong hành trình đó, việc so sánh thường trở thành thước đo để đánh giá sự tiến bộ. Tuy nhiên, khi so sánh trở nên quá mức, nó dễ dàng biến thành một áp lực nặng nề, khiến chúng ta luôn cảm thấy mình chưa đủ tốt và rơi vào trạng thái lo âu, bất an.

Ngoài yếu tố chủ quan, ThS Đức Anh nhận định rằng các yếu tố khách quan cũng góp phần làm gia tăng áp lực đồng trang lứa: "Văn hóa là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ, đặc biệt ở các quốc gia phương Đông, nơi chú trọng vào tinh thần tập thể và những giá trị chung. Tập thể có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến cá nhân trong những nền văn hóa này". 

anh-2-pre.png
Thế hệ trẻ đang phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa ngày càng lớn, khiến họ cảm thấy lạc lõng và cô đơn. (Ảnh: Đức Minh).

 

Mạng xã hội hiện nay với tính năng kết nối và chia sẻ thông tin rộng rãi, vô tình trở thành "vũ khí" làm gia tăng áp lực đồng trang lứa. Những hình ảnh cuộc sống hào nhoáng, thành công của người khác được phô bày, khoe mẽ trên các nền tảng mạng xã hội khiến giới trẻ dễ dàng so sánh bản thân và cảm thấy tự ti. Có thể nói, mạng xã hội như một chiếc gương soi, nhưng đôi khi lại là chiếc gương méo mó, khiến chúng ta chỉ nhìn thấy những hình ảnh không hoàn hảo của bản thân.

Tuy áp lực đồng trang lứa có thể mang lại động cơ để phấn đấu, nhưng phần lớn, nó gây ra nhiều tác động tiêu cực. ThS Đức Anh chia sẻ: "Khi bị áp lực, người ta dễ cảm thấy mệt mỏi và mất tự tin vì không thể đạt được những thành công như người khác. Điều này có thể dẫn đến cảm giác kém cỏi, thất vọng, thậm chí là các rối loạn tâm lý".

Việc không ngừng so sánh bản thân với người khác khiến chúng ta như lạc vào một mê cung không lối thoát. Cảm giác luôn bị tụt hậu, không bằng người khác khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, chán nản và mất đi động lực. Áp lực này còn khiến chúng ta khó đưa ra quyết định và dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy so sánh vô tận. Một số người thậm chí làm việc liên tục, không nghỉ ngơi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong đợi.

Mặc dù vậy, ThS Đức Anh cho rằng áp lực đồng trang lứa cũng có thể có tác động tích cực nếu được kiểm soát tốt. Một mức độ áp lực vừa phải có thể thúc đẩy chúng ta nỗ lực và phát triển thay vì cảm thấy bị áp đảo.

anh-3-pre.png
Theo ThS Đặng Đức Anh, việc dùng điểm yếu của mình để so với điểm mạnh của người khác là một sự so sánh vô nghĩa (Ảnh: NVCC).

 

"Đừng so sánh mình với những người có thành tựu quá lớn. Hãy tự hỏi liệu bạn có đủ khả năng, nguồn lực và nỗ lực như họ không. Quan trọng hơn, hãy so sánh với chính bản thân mình ngày hôm qua để nhận ra sự tiến bộ mỗi ngày",  ThS Đức Anh khuyên.

Khi cảm thấy mệt mỏi và tâm trí bắt đầu chìm vào suy nghĩ tiêu cực, hãy thư giãn, đi dạo hoặc làm điều gì đó giúp đầu óc thư thái. Hãy nhớ rằng, bạn đang tiến bộ mỗi ngày và sự cố gắng sẽ dẫn đến thành công. Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, đừng ngần ngại nghỉ ngơi để phục hồi, vì việc này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn trong tương lai.

Cuộc sống bận rộn sẽ khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức và chán nản. Lúc này, việc dành thời gian thư giãn là vô cùng cần thiết. Hãy tạm gác mọi lo âu để đi dạo, nghe nhạc hoặc đơn giản chỉ ngồi yên và hít thở sâu. Việc nghỉ ngơi không chỉ giúp bạn phục hồi năng lượng mà còn giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Và nên nhớ, để đạt được thành công, chúng ta cần phải có sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Và cuối cùng, để bảo vệ sức khỏe tinh thần, chúng ta cần học cách nói không với những yếu tố tiêu cực. Hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội và tránh những cuộc trò chuyện gây căng thẳng. Đừng ngần ngại chia sẻ với người thân, bạn bè về những khó khăn bạn đang gặp phải và yêu cầu sự giúp đỡ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN