Tìm T, tìm Thuận hay tìm “tôi”?
(Sóng Trẻ) - Sáng ngày 9/3, tại Hội trường trung tâm văn hóa Pháp L’espace đã diễn ra buổi tọa đàm với diễn giả Thuận về tiểu thuyết song ngữ Pháp – Việt “T mất tích” (T a disparu).
"T mất tích" là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của nhà văn Thuận, xuất bản tại Việt Nam năm 2007, bản tiếng Pháp do Đoàn Cầm Thi dịch (nhà xuất bản Riveneuve, Pari) ra mắt độc giả vào 9/2012 tiếp sau thành công của "Chinatown", "Made in Viet Nam", "Pari 11 tháng 8".
Tiểu thuyết là cuộc hành trình tìm kiếm nhân vật, tìm kiếm cách thức mới, cấu trúc mới trong quá trình hoạt động văn chương của nhà văn, cũng là cơ hội để người đọc tìm kiếm chính mình.
Trong buổi tọa đàm, nhà văn Thuận đã cùng độc giả say mê trải nghiệm về cấu trúc mới của tiểu thuyết sau 5 năm phát hành. "T mất tích" gồm 2 phần.
Phần đầu cuốn tiểu thuyết dài khoảng hơn 200 trang, với nhân vật chính là chồng T trong cuộc tìm kiếm vợ. Cuộc sống vẫn trôi qua trong mối quan hệ phi giao tiếp giữa những con người sống cạnh nhau khiến anh dửng dưng, lạnh lùng không hề lo lắng nhưng thực chất anh đang cô đơn, lạc lõng trên cõi đời mà không hề ý thức được. Tự do cá nhân được đề cao, ý thức về việc tôn trọng đời sống riêng tư khiến hầu hết các nhân vật trong “T mất tích” đều ít nói, xa cách, im lặng và không có thói quen bày tỏ cảm xúc. Mọi sự tồn tại trở nên vô nghĩa, gượng ép và phi lí.
Nhân vật T đột ngột biến mất tạo nên bước nặt giúp các nhân vật trong truyện có cơ hội làm một cuộc hành trình tìm lại bản thể, giá trị cuộc sống và ý nghĩa tồn tại của bản thân, về cuộc sống vợ chồng và thân phận con người trong xã hội hiện đại.
Tác giả Thuận giới thiệu về cấu trúc mới của "T mất tích"
Phần sau của tiểu thuyết được viết thêm khi xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Đây được coi là phần vĩ thanh, biến tác giả thành một nhân vật trong chính tiểu thuyết của chị ta. Phần này có dung lượng khoảng 20 trang. Chị ta biến mất ở phần đầu tác phẩm và chỉ quay lại ở phần vĩ thanh, tự xưng là tác giả của “T mất tích” để kể cho người đọc viết chị ta đã viết “T mất tích” như thế nào.
Trong tác phẩm, T có thể coi là một nhân vật bí hiểm, mà mỗi lần xuất hiện không quá ba dòng văn, cũng không được tái hiện trong những cuộc đụng độ hay những tình huống kịch tính. Đến cuối tác phẩm cũng không ai biết được cô đã đi đâu. Với nhà văn Thuận, “T mất tích” không những không làm hài lòng độc giả mà ngược lại, nó quấy rầy họ, buộc họ phải suy nghĩ để tìm ra đáp án và tự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống của chính mình.
Tác phẩm có thể được đọc như một dạng du kí với miền không gian nối liền giữa ba nước Pháp – Việt Nam – Nga với không khí trinh thám xen lẫn với những suy tư nhẹ nhàng mà nhức nhối. Giọng văn hài hước mà lạnh lùng, mỉa mai, chua xót gắn với những câu chuyện bi thảm của cuộc sống tạo nên một thế giới bi hài, cay đắng. Nhà văn có khi giấu mình sau nhân vật, khi lại tách ra để quan sát, chiêm nghiệm tạo nên điểm nhìn trần thuật linh hoạt như chính chị Thuận tâm sự: “Nhà văn không phải ông thánh, nhân vật không phải con rối, nhân vật cũng có sinh linh, không hoàn toàn phụ thuộc”.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, dù nhân vật T vẫn còn là một ẩn số nhưng ta tìm thấy tác giả - một cá tính văn chương độc đáo, tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại và thân phận chính mình trong xã hội hiện đại. T mất tích đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tan rã các mối quan hệ xã hội khi mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao tuyệt đối.
Buổi giao lưu là cơ hội để độc giả hai nước có thêm góc nhìn mới mẻ về 2 nền văn học, tăng cường sự giao lưu văn hóa Pháp – Việt.
Nguyễn Thị Huệ
Báo mạng điện tử K32
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận