Tọa đàm trực tuyến: Hành trang cho sinh viên báo chí khi ra trường

(Sóng trẻ) - 14h 30 ngày 11 tháng 12, trang tin điện tử Sóng Trẻ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hành trang cho sinh viên báo chí khi ra trường” tại Coffee Cây, 137 Vĩnh Hồ, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Đây là cơ hội để sinh viên báo chí được giải đáp những thắc mắc về nghề.

Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo Nguyễn Trương Việt, hiện đang công tác tại Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp và anh Vũ Nhật Linh - Founder JOS Media, giám đốc Marketing của thương hiệu F&B. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Trang tin điện tử Sóng Trẻ News (Songtre.com.vn) và phát livestream trên Fanpage Sóng Trẻ. 

9a0635b58f577e092746.jpg
Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo Nguyễn Trương Việt, hiện đang công tác tại Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp và anh Vũ Nhật Linh - Founder JOS Media, giám đốc Marketing của thương hiệu F&B

Buổi tọa đàm trực tiếp bắt đầu

Là những người đã có những kinh nghiệm nhất định, hai anh đánh giá như nào về vai trò của báo chí-truyền thông đối với đời sống hiện đại ngày nay?

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Báo chí có vai trò rất quan trọng, mang tính chất định hướng dư luận. Những người làm báo phải bám sát sự kiện, có tư duy độc lập và cái nhìn khách quan. Đồng thời, phải có sự phân tích trước rất nhiều luồng thông tin khác nhau.

Anh Vũ Nhật Linh: 

Bản thân mình đã trải nghiệm hai môi trường là báo chí chuyên nghiệp và truyền thông marketing. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống hiện nay, mang nội dung thông tin chính thống, xác thực thông tin đến công chúng, điều này khác với các trang tin xã hội. Với lĩnh vực truyền thông, chúng ta đang sống trong thời đại số, truyền thông marketing hiện đại đóng vai trò đem lại lợi nhuận cho nhãn hàng, chủ đầu tư,..., đem lại công chúng và lợi nhuận cho cho thương hiệu. 

Từng tiếp xúc, làm việc với khá nhiều sinh viên báo chí, nhà báo đánh giá như thế nào về sinh viên báo chí hiện nay, đặc biệt là sinh viên năm cuối?

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều các bạn sinh viên, đặc biệt là các sinh viên báo chí. Phải thừa nhận rằng các bạn trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo với tư duy rất mới và hiện đại. 

Theo anh, sinh viên Báo chí cần có những kỹ năng cơ bản nào để trở thành phóng viên, nhà báo?

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Để trở thành một phóng viên, nhà báo thì đầu tiên phải nắm vững các kiến thức trong trường học. Tiếp theo, phải có kiến thức trong một vài lĩnh vực cụ thể. Phải đọc sách và chịu khó trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Đặc biệt nếu muốn trở thành một nhà báo giỏi thì không được tự ái, bởi nghề này rất nhiều áp lực. 

Nhà báo Nguyễn Thắng (TTXVN): Anh Nguyễn Trương Việt có những chia sẻ rất xác đáng. Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều sinh viên, cảm thấy các bạn có sự sáng tạo hơn chúng tôi rất nhiều. 

Tuy nhiên, cùng với cái nhanh của các em, đâu đó vẫn còn sự bất cẩn trong tác nghiệp. Đôi khi vì cái nhanh mà các bạn bỏ qua chất lượng câu chữ. Kỹ năng giao tiếp của các bạn rất tốt, rất tự tin nhưng đôi khi lại thiếu sự khiêm tốn. 

Thưa anh Vũ Nhật Linh, em được biết anh tốt nghiệp chuyên ngành báo chí đa phương tiện, vậy điều gì khiến anh rẽ hướng sang lĩnh vực truyền thông?

Anh Vũ Nhật Linh:

Trước khi trả lời câu hỏi, mình xin chia sẻ câu chuyện từ thực tế bản thân mình. Trước đây Linh từng công tác ở VTV6 hai năm, đó là môi trường trẻ rất năng động, phù hợp với nhiệt huyết khi mình mới ra trường. Lúc đó thì mình vẫn đánh giá báo chí có nhiều hạn chế, gò ép. Vì vậy mà mình quyết định thử sức, rẽ hướng sang làm truyền thông và mình nghĩ hợp hơn với khả năng của bản thân. Sau này thì mình thấy nhiều bạn rẽ hướng sang truyền thông có nền tảng báo chí cũng có cảm nghĩ như mình.

Với vai trò là một founder công ty truyền thông, anh Nhật Linh có thể chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản cần có để làm việc trong lĩnh vực truyền thông không ạ?

Trong quá trình làm việc cũng có khá nhiều kiến thức kỹ năng cần trau dồi. Đầu tiên là kỹ năng giao tiếp khi làm việc truyền thông, hai là cách mình quản lý công việc. Làm báo đã vất vả rồi nhưng công việc làm truyền thông ngoài chuyên môn, bạn sẽ làm hơi bán chuyên môn chút như giap tiếp với đối tác, bên thứ ba. Tiếp theo là kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng này mình nghĩ các bạn nghĩ hơi thừa nhưng đó là vô cùng cần thiết. Trong môi trường truyền thông, các bạn phải update tiếng Anh thường xuyên, các kiến thức truyền thông bằng tiếng Anh, tiếp xúc nhiều với các đối tác nước ngoài nếu bạn muốn thăng tiến hơn trong công việc.

Kiến thức, nền tảng là ưu tiên. Các bạn nên đọc sách, chọn lọc, tips của mình là đọc sách có kiến thức kèm với ví dụ thực tế. Mình có thể học kiến thức từ sách vở hoặc không có thời gian thì mình hỏi những ng đi trước, có kiến thức đi trước.

Từ một người học báo chí chuyên sâu, khi chuyển sang lĩnh vực truyền thông thì anh Linh có khó khăn và thuận lợi gì? (facebook Dương Trần)

Mình nghĩ từ báo chí sang truyền thông thì cái lợi nhiều hơn khó khăn: khó khăn lớn nhất của mình khi làm truyền thông đó là các bạn cần phải nghĩ nhiều đến con số, mà mình thì không giỏi toán cho lắm (cười); mục đích truyền thông là lợi nhuận, nếu lỗ thì có xứng đáng không, nên mình nghĩ các bạn báo chí nên học thêm các kiến thức về kinh doanh. 

Còn lợi thế lớn nhất là một khi mình đã có nền tảng báo chí, hiểu cách tuyền thông mảng báo chí như thế nào, truyền tải thông điệp ra sao thì mình chỉ cần tìm hiểu thêm truyền thông trên các mảng khác như truyền thông offline,... nữa là có thể làm tốt mảng truyền thông.

Thưa anh Nguyễn Trương Việt, có những khó khăn nào trong quá trình tác nghiệp báo chí mà anh muốn lưu ý cho sinh viên báo chí sắp ra trường? (tài khoản [email protected])

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Đối với những người mới vào nghề báo thường  rất nhút nhát. Trước mỗi cuộc phỏng vấn thường phải nghĩ rất nhiều. Vì vậy, lời khuyên dành cho các bạn là nên chuẩn bị kĩ nội dung trước khi bắt đầu làm một vấn đề gì đó. Nếu từng cộng tác trong các cơ quan báo chí, phải tìm các nhóm để chia sẻ thông tin cho nhau. Học hỏi từ đồng nghiệp là một lợi thế để nâng cao sự tự tin. Các bạn trẻ nên có lòng kiên nhẫn để giải quyết các khó khăn gặp phải.

Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm mà mình nhớ nhất trong quá trình tác nghiệp báo chí của mình?        

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Trong quá trình tác nghiệp, tôi có rất nhiều kỉ niệm. Được phân công theo viết bài Quốc hội, tôi sợ những khoảng nghỉ giữa giờ, chỉ có 10 phút nhưng chưa tìm được đại biểu. Nếu không tìm được thì cũng rất căng thẳng. Nếu không xin được thì phải xin số điện thoại hoặc hẹn ở một quán cafe khác để phỏng vấn.

img_0099.JPG
2 khách mời đã có những chia sẻ thiết thực về lĩnh vực Báo chí- truyền thông

Bạn Ngọc Thụy: “Nhỏ không học lớn làm nhà báo”. Anh có suy nghĩ như thế nào về câu nói này?

Anh Vũ Nhật Linh: Thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ đang nhầm báo chính thống với trang tin điện tử và mạng xã hội. Những nội dung phản cảm trên các trang tin giật tít, câu view, chưa xác thực tính khách quan nên các bạn quy chụp là nhà báo viết. Mình xin đính chính là các bạn hãy biết phân biệt rõ ràng giữa một trang tin điện tử và báo chí chính thống. Tất nhiên, đây là câu nói vui nhưng hiện nay nó lại quá phổ biến, dẫn đến sự quy chụp cho người làm báo. Nhà báo là những người đã đổ mồ hôi công sức để viết bài, tác nghiệp gian khổ, chúng ta không nên đùa cợt như vậy.

Bạn khán giả Hồ Hữu Thi: Học báo mạng áp dụng vào truyền thông như thế nào?

Anh Vũ Nhật Linh: 

Trước đây thì mình học truyền thông đa phương tiện, với đa dạng các loại hình báo chí khác nhau. Khi các bạn học báo điện tử thì có được lợi thế viết tốt, chỉ cần điều chỉnh chút là phù hợp, bên cạnh đó các bạn học báo mạng được tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại nên khi chuyển từ báo mạng sang truyền thông sẽ có nhiều lợi thế đặc thù. Quan trọng nhất là bản thân phải luôn cập nhật, chuyển mình và chọn lọc.

Sinh viên hầu như thường tập trung học và tăng tốc ở một hai năm cuối đại học. Theo anh Việt, như vậy có quá muộn không? (Sinh viên Nguyễn Thị Dung - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải có sự chủ động ngay từ đầu. Từ khi ra sinh viên năm nhất, năm hai cần quan tâm đến chuyên ngành của mình bên cạnh việc đi làm thêm. 

Sau khi xem xong video, theo hai anh, các bạn sinh viên khi mới ra trường hiện nay còn yếu và thiếu những kỹ năng gì để trở thành nhà báo trong tương lai?

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Các bạn còn thiếu tự tin, nhút nhát. Các bạn nên nghĩ đơn giản, không nên để ý những ánh nhìn của người khác. Thay vào đó nên tập trung làm tốt công việc của mình.  

Anh Vũ Nhật Linh: Thật ra các bạn trẻ hiện nay có quá nhiều điểm mạnh và ưu thế. Thời điểm mình làm truyền thông không có nhiều công cụ hỗ trợ còn bây giờ thì rất hiện đại, và xu hướng thì các bạn nắm bắt nhanh và rất tốt. Tuy vậy nhiều bạn vẫn còn thiếu kỹ năng bao quát, khi tiếp cận vấn đề  các bạn chỉ tiếp cận được một khía cạnh, bề nổi thôi và thiếu sự liên kết. Thứ hai, như anh Thắng cũng đã nói, vì nhanh nên sẽ có ẩu, các bạn đưa content xong sẽ cố gắng làm nhanh mà chủ quan. Nhanh thôi chưa đủ, phải đúng và sâu mới đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề và thời đại.

Em là sinh viên khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho em hỏi những sinh viên học trái ngành như em nhưng mong muốn được trở thành phóng viên, nhà báo thì có thể bắt đầu từ đâu và hướng đi nào là tốt nhất ạ? (Facebook Mộc Miên)

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Bản thân tôi cũng làm báo trái ngành. Là một sinh viên Luật, nếu muốn làm báo trước tiên bạn phải có đam mê, phải yêu nghề. Như vậy mới có thể lăn xả, đi nhiều và viết nhiều. Để bắt đầu, bạn có thể đến trực tiếp tòa soạn để tìm kiếm cơ hội trở thành cộng tác viên báo chí.

Hiện nay, nhiều sinh viên không học chuyên ngành báo chí vẫn có thể làm báo. Vì thế, sự cạnh tranh ngày càng lớn, nhiều sinh viên phải chuyển đổi nghề vì số lượng tuyển dụng vào các cơ quan báo chí hàng năm là hữu hạn, trong khi cử nhân ra trường lớn gấp nhiều lần, anh có lời khuyên gì đến cho các bạn trẻ khi quyết định theo nghề?

Nhà báo Nguyễn Trương Việt:  Trước khi chọn cho mình một công việc gì, bạn phải thích thú với nó. Trong công việc, các bạn phải luôn  chủ động, tự tạo ra mối quan hệ, luôn tự tin trong mọi tình huống. 

Trong thời kì công nghệ phát triển, báo chí cũng chuyển mình theo xu hướng Digital. Vậy theo anh, một bạn sinh viên ra trường có nên đầu tư chú trọng vào mặt thiết bị tác nghiệp để theo kịp xu hướng hay có một cách vận dụng nào khác được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của anh? (tài khoản [email protected])

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Theo tôi, chúng ta nên chuẩn bị những thiết bị cần thiết để làm nghề. Nhưng nên mua về đúng mục đích sử dụng để tránh lãng phí. 

Anh Vũ Nhật Linh: 

Mình bổ sung là thiết bị cần thiết mình cũng nên mua nếu nằm trong khả năng. Theo mình thì thiết bị không phải là điều kiện tiên quyết để làm báo, mà cốt lõi vẫn là tư duy. Có điều kiện thì tốt còn không thì nên đầu tư vào trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân mình trước.

Anh Vũ Nhật Linh, theo anh, với một người học chuyên sâu báo chí, để làm trong lĩnh vực truyền thông, có nên học thêm những khóa học truyền thông hay không? (Bạn Vũ Văn Huy)

Anh Vũ Nhật Linh:

Đây là câu hỏi mình nhận được rất nhiều từ mọi người xung quanh, tuy nhiên mình lại có câu trả lời hơi phũ phàng là không học gì cả. Kinh nghiệm duy nhất của mình là mình thích và mình chuyển ngành. Khi bắt đầu công việc mới thì phải hy sinh và sẵn sàng. Cũng được chia sẻ với các bạn là mình làm công việc truyền thông đầu tiên là 300.000/tháng. Khi đó là thực tập sinh trong một công ty truyền thông của Nhật, nhưng có một điều mình tự hào đến bây giờ là mình là 1 trong 20  hồ sơ được chọn trong khi mình chỉ là sinh viên năm nhất. Việc lăn xả để hy sinh là mình đầu tư cho chính bản thân mình, căn bản để đi đường dài, mình nên khả quan với những nội dung vật chất. Khi đó, giá trị tiền bạc không còn quá quan trọng nữa.

9bfb461e09fcf8a2a1ed.jpg
Với vai trò là một founder công ty truyền thông, anh Vũ Nhật Linh đã giúp các bạn sinh viên hiểu rõ về mối quan hệ giữa Báo chí và truyền thông

Anh Việt đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc sản xuất báo chí bằng các thiết bị di động đối với các nhà báo hiện nay? (Bạn Vũ Văn Huy)

Nhà báo Nguyễn Trương Việt: Việc sử dụng các thiết bị di động trong sản xuất báo chí là rất quan trọng. Nhưng theo tôi sử dụng nó như thế nào phải tùy thuộc vào chính các bạn. 

Anh Vũ Nhật Linh:

Thật ra hồi mình học thì không có môn nào yêu cầu sử dụng thiết bị di động. Nhưng trong quá trình học, ví dụ làm phóng sự, tin bài thì mình cũng sử dụng thiết bị di động khi không đủ trang thiết bị. Khi tác nghiệp, các bạn nên chú ý đến chất lượng hình ảnh, video vì chất lượng tin bài khi sử dụng thiết bị di động thường không được tốt lắm.

Theo anh Linh, việc tham gia các Câu lạc bộ hay các hoạt động ở trường có đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên hơn là đi tìm một công việc làm thêm nào hay không?

Anh Vũ Nhật Linh:

Rất cảm ơn vì đã nhắc đến một phần thanh xuân của mình, ví dụ như Sóng Trẻ Festival, Câu lạc bộ Phát thanh Sóng Trẻ, đến bây giờ mình vẫn phải cảm ơn các bạn ấy. Đó là cơ hội cho mình, tạo môi trường cho mình rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp như viết báo, đưa tin  bài khi còn là sinh viên.

Vì vậy nên lựa chọn đối với mình rất khó vì mỗi bên có những ưu điểm khác nhau. Ở Câu lạc bộ, các bạn được thực hành các kỹ năng nhưng không là thực chiến, còn đi làm thêm thì áp lực rất nhiều. Trong Câu lạc bộ thì được học và thực chiến nhưng bên cạnh đó vẫn còn áp lực về deadline, bài tập,... và mình nghĩ các bạn nên dung hòa hai cái đó với nhau. Đó cũng là bước đệm rất tốt và quan trọng cho các bạn sinh viên.

Anh có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên khi lựa chọn tòa soạn để thực tập trong thời gian 3 tháng?

Nhà báo Nguyễn Thắng: Theo quan điểm của tôi, đối với các bạn đi thực tập thì ngay từ đầu phải xác định được thế mạnh của mình. Nếu các bạn mạnh về kinh té thì có thể chọn các tòa soạn chuyên về kinh tế. Nếu các bạn có kiến thức về sức khỏe thì các bạn có thể thực tập tại cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế. Hiện tại tôi đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, là hãng tin hàng đầu trong nước và khu vực. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón các bạn đến thực tập và học hỏi kinh nghiệm.

Nhiều công ty truyền thông khi đăng tin tuyển dụng thường có yêu cầu vài năm kinh nghiệm. Là sinh viên mới ra trường thì điều này rất khó và rất nhiều bạn còn e ngại không dám ứng tuyển. Anh Linh nghĩ sao về điều này?

Anh Vũ Nhật Linh:

Thật ra với vai trò người tuyển dụng, mình cũng gặp những trường hợp vị trí muốn vào mà yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm, yêu cầu các bạn dung hòa giữa đi  học và làm có kinh nghiệm. Cụ thể thì vị trí ứng tuyển của bạn là vị trí nào, các bạn muốn thử sức thì các bạn phải có định hướng từ năm 3-4 rồi, trang bị cho mình. Còn các bạn sinh viên có ít kinh nghiệm, nên lựa chọn vị trí thấp hơn và đi từng bước.

 Anh Vũ Nhật Linh, anh có lời khuyên nào để các bạn sinh viên “ghi điểm” hơn trong mắt nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn không ạ?

Anh Vũ Nhật Linh:

Mình cũng sắp tuyển dụng việc làm truyền thông và có một số lưu ý cho sinh viên báo chí: tiên quyết là các bạn thể hiện các bạn có thể làm được gì. Không phải đã từng làm được cái gì, mà đến trước mặt mình và nói có thể làm được và mình có thể test ngay cho bạn. mình không quan tâm trước bạn đã làm ở đâu. Nó đi kèm với quyết tâm và nhiệt huyết. Thứ hai, có tư duy bao quát công việc. là người quản lý, mình không thể luôn đi theo, các bận phải tự tạo động lực cho mình. Thứ ba, thái độ làm việc. cho dù các bạn chưa có nhiều kỹ năng, nhưng mong muốn học hỏi, trau dồi, cầu thị, không quản ngại vất vả. Đó là điều mà mình đánh giá cao nhất, kỹ năng có thể thiếu nhưng thái độ thì phải có khi làm bất cứ điều gì

59f50dbb78568908d047.jpg
Khách mời chụp ảnh kỷ niệm cùng Ban tổ chức

Tọa đàm kết thúc:

Trang tin điện tử Sóng Trẻ chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin Sóng trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]

Xin trân trọng cảm ơn!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN