Tổng kết diễn đàn: “Truyền hình thực tế phiên bản nhí: Sân chơi, hay đấu trường?”
(Sóng trẻ) – Sau hai tuần mở đường tranh luận, diễn đàn “Truyền hình thực tế phiên bản nhí: Sân chơi, hay đấu trường?” đã nhận được hơn 30 ý kiến của độc giả quan tâm. Trong đó phần lớn ý kiến cho rằng: hỗ trợ phát triển tài năng của trẻ là việc cần thiết, nhưng không nên ép trẻ em làm những việc không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Trong tổng số 32 ý kiến bình luận về chủ đề “Truyền hình thực tế phiên bản nhí: Sân chơi, hay đấu trường?”, có 8 ý kiến (chiếm 25 %) tỏ ra phản đối hoàn toàn việc khoác tấm áo quá rộng lên những tài năng nhí, đẩy các em vào guồng quay khắc nghiệt của giới giải trí thông qua các cuộc so tài như “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” với tính chất hơn thua rõ rệt.
Độc giả tại địa chỉ mail [email protected] chia sẻ thẳng thắn: “Gameshow phiên bản nhí có đông khán giả như vậy, mình nghĩ phần nhiều vì sự tò mò của người lớn! Họ muốn xem những đứa trẻ chỉ “biết ăn biết ngủ” có thể làm đc gì thật “to tát” so với mức phát triển bình thường ở tuổi chúng. Mà xem vì tò mò thì mình không tin vào cái gọi là thưởng thức, đồng cảm, rung động...”
Ngược lại, chỉ có 3 ý kiến (chiếm 9%) ủng hộ việc cho trẻ em tham gia các cuộc thi tài năng lớn từ sớm để rèn luyện bản lĩnh cho các em trước cuộc đời khắc nghiệt và phát triển năng khiếu theo hướng chuyên nghiệp.
Nằm trong luồng ý kiến này, độc giả [email protected] bày tỏ: “Mình thấy chẳng sao cả, cứ cho bọn trẻ con được thể hiện tài năng, rồi luyện luôn khả năng quen với áp lực từ bé. Không nên nâng cao quan điểm. Ở nước nài các bé vẫn tham gia thoải mái mà.”
Đặc biệt, có tới 21 ý kiến (chiếm 65 %) đưa ra quan điểm trung lập, cho rằng các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí này bản chất không xấu và sẽ có tác động tích cực đến trẻ, chỉ cần người lớn không lợi dụng các em vào việc câu khách, vào mục đích kinh tế của riêng mình.
“Cá nhân mình cảm thấy thích được xem các bé trẻ con thể hiện tài năng trên sân khấu. Tuy nhiên, trẻ con đôi khi chịu ảnh hưởng quá lớn của người lớn nên nó mất đi tính vô tư, trong sáng của chương trình. Cái đấy chủ yếu là do người lớn tạo ra, trẻ em không có tội nên cái cần thay đổi phải là thái độ của người lớn.” – độc giả tại địa chỉ [email protected] chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm đó, độc giả [email protected] nêu ý kiến: “Còn nhớ hồi The Voice Kids Vietnam mùa trước, bố bé Lương Thùy Mai còn viết nhật kí "Tôi đưa con đi thi The Voice Kids" để kể về những cực khổ mà bản thân gia đình các bé phải chịu khi tham gia những chương trình kiểu như thế này. Mình là người nài, chỉ nhìn thấy các bé tài năng trên sân khấu thôi nên không hiểu rõ các bé phải trải qua những chuyện gì. Nói chung làm chương trình về trẻ em, cho trẻ em thì nên chú trọng tính nhân văn một chút, đừng để tâm hồn các bé bị ảnh hưởng.”
Có thể thấy, phần lớn độc giả tham gia bình luận đã thể hiện cái nhìn 2 chiều khách quan về những tác động tốt và xấu mà các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí tạo nên đối với những tài năng nhỏ tuổi.
Về cơ bản, những cuộc thi quy mô và hoành tráng như “Giọng hát Việt nhí” hay “Bước nhảy hoàn vũ nhí” được tổ chức với mục đích tìm kiếm và phát triển tài năng cho những trẻ em có năng khiếu thực sự.
Những cái tên nổi lên từ các chương trình này như Nguyễn Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Nguyễn Thiện Nhân (“Giọng hát Việt nhí”) hay Linh Hoa (“Bước nhảy hoàn vũ nhí”) với tài năng xuất chúng không thể phủ nhận của mình đã trở thành những hiện tượng trong dư luận xã hội. Điều đó chứng tỏ, các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí này chính là cơ hội tốt để đưa các tài năng nhí trở thành những ngôi sao nhỏ, tạo điều kiện để các em tỏa sáng bằng thực lực của mình.
Không chiêu trò câu khách, Phương Mỹ Chi ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả bằng những câu dân ca Nam Bộ dung dị. (Ảnh: baihatyeuthich.vn)
Thế nhưng, đối với những tâm hồn ngây thơ thì việc ươm mầm tài năng vẫn cần phải đi kèm với việc ươm mầm nhân cách.
Ban tổ chức các cuộc thi và bản thân gia đình các tài năng nhí cần tránh để những vụ lợi vật chất, những chiêu trò của mình gây ảnh hướng xấu đến nhận thức của trẻ, hạn chế tối đa những tổn thương không đáng có đối với tâm hồn các em.
Để làm được điều đó, những tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em cần có sự giám sát chặt chẽ các cuộc so tài này để kịp thời “tuýt còi” ngăn chặn những việc làm không phù hợp với trẻ nhỏ: mặc cho các em những bộ trang phục diễn phản cảm, để các em hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi hay dùng lợi ích vật chất để lôi kéo các tài năng nhí về đội của mình…
Việc BTC "Bước nhảy hoàn vũ nhí 2014" để cho các thí sinh thực hiện những động tác người lớn cũng cần được chấn chỉnh. (Ảnh: vtv.vn)
Bản thân ban tổ chức của các chương trình này cũng cần trang bị cho những ngôi sao nhỏ tuổi của mình một đội ngũ chuyên gia tâm lý, kết hợp cùng gia đình giải quyết những vấn đề tâm lý của các em nếu phát sinh.
Trên hết, người lớn hãy gạt đi mục đích kinh tế trước mắt để đối xử với thế hệ mầm non của mình một cách nhân văn hơn, để các em được sống đúng với lứa tuổi của mình. Các em cũng giống như những trái non. Đừng ép “trái non” phải “chín” sớm đơn thuần chỉ bởi những “người gieo trồng” quá nóng lòng “thu hoạch”.
Diễn đàn “Truyền hình thực tế phiên bản nhí: Sân chơi, hay đấu trường?” xin được khép lại tại đây. Chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của quý độc giả trong thời gian qua!
Quản Minh Hạnh
Nhóm 5 – Lớp Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận