“Trần gian còn một thứ nghề”: Phóng sự đa sắc về cuộc sống
(Sóng trẻ) – “Trần gian còn một thứ nghề” là tập hợp hơn 30 phóng sự xã hội của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. “Chỉ trong vòng có mấy năm mà Hoàng đi đến… khiếp. Vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, trèo lên biên giới, tới bãi sa bồi, theo tàu ra hải đảo hay chui sâu xuống hầm lò, vào trại giam, lặn lội theo bước chân người pháp y, vào nhà xác, lênh đênh theo những dòng sông…” (Nguyễn Thành Phong, báo Văn nghệ)
Đỗ Doãn Hoàng là cây bút chuyên viết phóng sự, được đặt biệt danh “Người chân dài nhất Việt Nam”. Lý do là bởi anh đi nhiều, đủ mọi vùng từ Nam ra Bắc, đến tận những nơi “chẳng ai ngờ”.
Ngược về những năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi ấy Đỗ Doãn Hoàng vẫn còn là một nhà báo trẻ, nhưng đã kịp theo bước những con người, những câu chuyện… để viết nên các phóng sự xã hội đậm hơi thở cuộc sống. Những năm 1998, 1999 là quãng thời gian Việt Nam vẫn đang dập dềnh trên những con sóng đầu tiên để vươn ra biển lớn. Tập hợp hơn 30 phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng trong quyển “Trần gian còn một thứ nghề” cho ta nhìn lại phần nào đất nước mình vào cái thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ. Gần 20 năm rồi, có phải câu chuyện được kể đã trở nên lạc hậu không? Có lẽ là vỏ bên nài của hiện tượng nay đã khác nhiều, nhưng sự trăn trở về các giá trị nhân văn thì vẫn chưa có lời đáp nào thỏa đáng, nỗi niềm khắc khoải vẫn còn nguyên.
Trên đời có trăm ngàn nghề nghiệp, mỗi nghiệp lại kéo theo nó trăm ngàn con người chìm nổi cùng trăm ngàn câu chuyện vui buồn. Viết về nghề thợ mỏ, nghề “ăn cơm cõi trần làm việc cõi âm”, Đỗ Doãn Hoàng theo kíp thợ đi vào hầm lò, loay hoay với bộ quần áo công nhân đủ mũ, đèn, ắc qui “nặng như đá đeo”; vừa đi vừa “khư khư che chắn” cho máy ảnh. Chặng đường đi trong lò than được miêu tả bằng đủ các tính từ “bức bối”, “ngột ngạt”, “rờn rợn”…, nhưng phải đọc từng câu miêu tả gió trong lò, cái cách thợ mỏ bò trong đường hầm chật hẹp, chớp nhẹ mắt thấy “nham nhám vị than”… thì mới hiểu được phần nào cái hiểm nguy trong lòng đất. Sáng rỡ trong khung cảnh ấy là câu đố dành cho nhà báo: “Nếu đi trên đường phố Hà Nội làm sao mà cậu phân biệt được đâu là trai đất mỏ?”. Anh Hoàng hổn hển: “Thì người ta vẫn bảo, người Quảng Ninh dân than đen ánh một màu than đấy thôi!”. “Không, tớ mách: cậu cứ nhìn cái bước chân thì biết. Quen đi lò, nên người quê mỏ bao giờ cũng đi nhanh và chân bước bao giờ cũng nhấc cao hơn, dứt khoát hơn”.
Trong phóng sự “Dõi cánh chim trời”, Đỗ Doãn Hoàng kể về việc đeo vòng cho chim, giải thích ngắn gọn là để theo dõi dữ liệu của các loài chim di cư, phục vụ cho nghiên cứu. Một công việc “lạ lùng” như vậy, đương nhiên sẽ thầm lặng và cô đơn. Sự say mê của người trong nghề không hiểu phải làm thế nào để đủ cân bằng với nỗi lo kinh phí, cái thờ ơ của người dân tại các khu bảo tồn – những điểm dừng chân của chim trên chuyến đi tìm hơi ấm phương Nam. Thế mới nói những nhà “điểu học” là những con người lãng mạn khi họ miệt mài, say sưa “kiếm tìm bóng con chim giữa mù mịt khơi thẳm của bầu trời”. Nhưng lãng mạn mà có thể vô ưu thì câu chuyện đã không kết thúc bằng cái chết chẳng rõ nguyên do của một chú cò thìa mặt đen ở vườn quốc gia Xuân Thủy.
Tên của sách, “Trần gian còn một thứ nghề” được trích trong tít phóng sự “Coi nhà xác – Trần gian còn một thứ nghề” khi nhà báo đến trò chuyện cũng những nhân viên coi nhà xác của bệnh viện Bạch Mai. Công việc ở khu nhà xác là một điều không thể nào tóm tắt, dù chỉ là gợi lên qua qua trong một đoạn văn ngắn ngủi. Chỉ nhớ nhất Đỗ Doãn Hoàng miêu tả những anh em coi nhà xác thế này: “Da ai cũng xanh mai mái, cùng cái vẻ phờ phạc của chứng thiếu ngủ kinh niên, thần kinh căng thẳng…”. Có anh H. làm ở khu nhà xác bệnh viện mà bị điên luôn, phải nằm ở khoa tâm thần ba tháng mới đỡ, nhưng “vẫn gầy gò, xanh xao, nước da tai tái thiếu ánh sáng”. Anh H. nói: “Ơ, các cậu ghi lời của tôi vào, tôi nói thật đấy mà! Cậu có vẻ là người tinh tường, tớ đố cậu hiện giờ tớ có còn điên không đấy. Nói thật, tớ vẫn hơi rồ đó”.
Mỗi một phóng sự lại mang theo những tâm sự rất đời. Những làng nghề cổ đang xoay xở giữa các giá trị cũ mới lẫn lộn, những công việc khó gọi tên vẫn lặng lẽ tồn tại giữa guồng quay đô thị mấy triệu người xô đuổi nhau… và nhà báo thì vẫn cứ đi để viết. Tái hiện lại cuộc sống trên trang giấy, trong câu từ kỹ lưỡng, bằng tình cảm chân thành và sự tò mò không điểm dừng – có lẽ theo một góc nhìn nào đó, chuyến đi của nghề báo là chuyến đi của vạn nghề trần gian.
Tên sách: Trần gian còn một thứ nghề Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng NXB Thanh Niên Năm xuất bản: 2000 Số trang: 300 trang (khổ 13x19cm) Giá bìa: 27.000 đồng
|
Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận