Vượt trên ngôn từ là sự giao tiếp
(Sóng trẻ) - Đó là cách chúng ta nói những gì ta nói.
Nghiên cứu được bắt đầu từ cách đây 35 năm bởi William Moulton Marston (tiến sĩ ĐH Harvard, người nghĩ ra bài kiểm tra phát hiện nói dối) đã xác định 4 mức độ giao tiếp chính: (1) Nói chuyện để giải quyết các vấn đề và thử thách, (2) Tương tác và ảnh hưởng tới người khác, (3) Duy trì sự vững chắc và logic của cuộc nói chuyện, (4) Nhu cầu được bằng lòng, làm theo đúng lương tâm.
Việc ta đứng ở mức độ nào sẽ quyết định loại giao tiếp ta sử dụng, và không có phong cách nào là tốt hơn hay kém hơn. Vấn đề bắt đầu khi ta sống và làm việc với một người có phong cách giao tiếp khác mình. Ta bị thu hút bởi những người mình thích, và phần lớn chúng ta thì thích những người giống ta! Chúng ta thậm chí không chủ đích làm như vậy; chỉ đơn giản là sẽ dễ dàng hơn khi nói chuyện với một người sau khi ta nhận ra được phong cách giao tiếp của họ và có thể phù hợp với phong cách ấy.
Tại nơi sống và làm việc của riêng mỗi cá nhân, sự đối lập phong cách có thể trở nên rất tiêu cực. Ví dụ về một nhân viên luôn làm “đúng” mọi điều: Họ làm tròn hoặc thậm chí làm việc vượt quá kỳ vọng. Đồng nghiệp phối hợp tốt với họ. Họ hoàn thành vai trò của mình. Nhưng giả sử người này lại đi theo phong cách im lặng và khiêm tốn. Họ không quảng cáo về bản thân mình và họ không có chiều hướng thay đổi cảm xúc lên hay xuống – họ chỉ lặng lẽ xuôi theo dòng chảy và làm những gì được yêu cầu. Phần lớn những người giống họ sẽ thấy dễ chịu, nhưng vấn đề là sếp lại không nghĩ những người này đủ độ năng nổ hay xông xáo cần thiết.
Dĩ nhiên, nếu họ có một người lãnh đạo thấu hiểu và tôn trọng cách làm việc của họ, mọi thứ sẽ ổn cả. Nhưng nếu ông sếp lại là một người thích các cảm xúc mạnh mẽ, một người kiếm tìm kiểu thái độ tự tin “làm tới đi”, cần nhân viên thể hiện lòng nhiệt tình… thì nhân viên được nói phía trên có thể đang gặp rắc rối! Cách nhìn nhận như vậy của người chủ có thể xảy ra trong thực tế, dù cách nhìn nhận này có thể không dựa vào lượng công việc được hoàn thành. Sếp có thể thậm chí không chú ý tới những gì nhân viên đã làm được, bởi cách thể hiện thái độ và sự khác biệt trong giao tiếp của họ còn có tiếng nói lớn hơn năng suất làm việc.
Làm thế nào để phù hợp được với mọi phong cách giao tiếp? (ảnh: Internet)
Điều này cũng xảy ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ta “thích” một người hơn một người khác trong nhiều trường hợp không phải vì một lẽ nào đó logic, mà bởi vì chúng ta cảm thấy thoải mái với những người đó, ta cảm thấy có sư gắn kết với họ và việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn. Thực tế là sẽ dễ hơn khi giao tiếp với một người có phong cách giống mình. Câu chuyện cứ trôi chảy trong lúc ta không hề để ý tới. Khi ta phải trò chuyện với một người có phong cách khác biệt, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để hiểu họ. Chúng ta thường gò ép cách trò chuyện của người khác đi theo phong cách của mình, và tự cho rằng chúng ta hiểu những gì họ nói và những điều họ làm dựa trên điều ta sẽ thực hiện trong tình huống tương tự.
Cần thiết nhận ra rằng sự khác biệt trong cách giao tiếp thực sự tồn tại. Chúng ta có chiều hướng cho rằng mọi người đều suy nghĩ giống mình. Ta có thể thất vọng khi không thể hiểu một người hoặc khi bị người khác hiểu lầm. Hãy nhận thức rõ hơn về phong cách của riêng cá nhân bạn. Quan sát phản ứng của người khác về những điều bạn nói và cách bạn nói. Bạn càng để ý, bạn sẽ càng nhận ra rằng điều quan trọng không phải là ta đang nói gì, mà là ta nói điều đó như thế nào.
Beverly D.Flaxington (Understand Other People)
Dịch: Hạnh Dung
Cùng chuyên mục
Bình luận