Trẻ em bán hàng rong: mơ ước được đến trường
(Sóng Trẻ) Trong khi hàng triệu trẻ em được ăn no, mặc ấm, được đến trường thì vẫn còn đó những trẻ hằng ngày lam lũ khắp đầu đường xó chợ trong cuộc mưu sinh. Hình ảnh các em nhỏ lem luốc, vạ vật ăn xin nơi các giao lộ, đi bán vé số, bán hàng rong… là những cảnh vẫn diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi.
Tình trạng trẻ em đi bán hàng rong có ở khắp nơi từ khu du lịch lớn cho đến những quán ăn nhỏ trên địa bàn nhiều thành phố lớn đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh giống nhau, do gia đình khó khăn nên phải mưu sinh sớm và bỏ dở giấc mơ được đến trường.
Các em tuổi đời còn rất nhỏ, thậm chí nhiều em chỉ mới 5-6 tuổi, nhưng em thì cầm sấp vé số trên tay, em thì ôm rổ kẹo lang thang khắp phố phường…Hễ gặp ai cũng lẽo đẽo theo mời mọc, van xin khách mua hàng. Tuổi thơ của các em không được đến trường, không được ăn ngủ như bạn bè cùng trang lứa. Tuổi thơ của các em bị đánh cắp bởi hoàn cảnh éo le và sự vô tâm của những ông bố, bà mẹ... Tại các khu vực như hồ Hoàn Kiếm, hồ Văn Quán, Ngũ Xã, hồ Trúc Bạch, công viên Hoà Bình… (Hà Nội), hàng ngày có hàng chục em nhỏ đi bán hàng rong với những giỏ kẹo đầy, nặng trĩu đôi vai, gặp ai cũng chào đón, năn nỉ khách mua hàng cho dù bị xua đuổi như thế nào đi chăng nữa. Có lẽ, vì cuộc sống, vì gánh nặng cơm áo đã ghì chặt những đứa trẻ này khiến các em chai sạn hơn những đứa trẻ cùng tuổi được sống trong sự bao bọc của gia đình.
Hà Nội về đêm càng náo nhiệt hơn bởi những con phố ăn đêm, những quán nhậu, quán nước vỉa hè…Đó cũng là thời điểm các em vất vả mưa sinh kiếm tiền. Tôi bắt gặp Trung tại phố Ngũ Xã, một trong những con phố đồ ăn luôn đông đúc người ra vào. 9h tối, trong khi những đứa trẻ khác có thể đã yên giấc trên chiếc giường êm ái hay xem phim thư giãn cùng bố mẹ thì Trung đang phải bưng giỏ kẹo lang thang hết quán này sang quán nọ để chào mời cho được khách mua hàng. Dáng người em gầy gầy, nước da ngăm đen có lẽ vì phải lam lũ bươn trải từ rất sớm. Tôi ấn tượng bởi đôi mắt của em rất sáng, có chút hơi lém lỉnh khi vừa đi em vừa lấy chân đá đá miếng xốp bên vệ đường. Hễ thấy khách đi qua, em chạy lại rất nhanh và khéo léo mời khách mua đồ. Khi được hỏi có muốn đi học không? Trung hồn nhiên trả lời: “ Muốn đi học nhưng bố không cho đi. Bố bắt đi bán hàng kiếm tiền. Bố ở nhà chỉ đi uống rượu thôi”.
Trò chuyện với Trung tôi được biết em quê ở Thanh Hóa, học hết lớp hai em nghỉ học ra Hà Nội đi bán hàng cho nhà bác. Ngày nào em cũng đi bán kẹo từ 5h chiều đến 12h đêm. Một ngày bác trả cho 40 nghìn đúc heo sau đó gửi về cho mẹ. Câu nói của Trung: “Đòi đi học là bố đánh đấy” làm tôi cứ ám ảnh mãi. Câu nói đầy ngây thơ của em nhưng phần nào đã tố cáo sự vô trách nhiệm, nhẫn tâm của bậc làm cha, làm mẹ. Họ nhẫn tâm đẩy con mình vào đời sớm, bắt em kiếm tiền trong khi đáng lẽ em phải được ăn chơi, học hành.
Những đứa trẻ lam lũ ngày đêm bán hàng rong kiếm sống. (Ảnh internet)
Tại một quán ăn ven hồ Trúc Bạch, một bé gái khoảng 11-12 tuổi đang nhẫn nại đứng trước mặt khách, chìa ra bịch kẹo cao su và khăn giấy, năn nỉ khách mua giùm. Đứa trẻ còi cọc, tóc hơi bết lại buộc trễ sau gáy, đôi mắt lờ đờ như thiếu ngủ, ôm giỏ hàng trước bụng có chiếc dây đeo lên cổ . Trước hình ảnh ấy, nhiều vị khách đã móc hầu bao dù họ không có nhu cầu mua đồ. Để có thể tiếp cận, làm cho em bé chịu nói chuyện và trả lời các câu hỏi, tôi phải đồng ý mua cho em một hộp kẹo cao su với giá 25 nghìn đồng. Hải cho biết quê em ở Thanh Hóa, bố mất sớm nên em đã nghỉ học từ lớp 6 và theo chị gái ra Hà Nội bán hàng. Hải tâm sự: “ Cháu đi bán thế này hay bị đuổi lắm, có người còn chửi nữa, những lúc ấy cháu chỉ biết đi ra thôi chứ chả làm gì được họ”.
Để có thể kiếm được chén cơm, manh áo, các em phải chấp nhận sự khó chịu, thậm chí những lời thóa mạ của khách vì bị quấy rầy, mời mọc trong lúc đang ăn. Hải kể thêm: “Có những người say họ mua họ không trả tiền, còn nhiều người tử tế thì họ cho tiền mà không lấy kẹo, nhưng ít khi cháu lấy lắm vì cháu đi bán chứ không phải đi xin”.
Anh Cường – Quản lý quán ăn gần hồ Trúc Bạch cho biết: “Ngày nào mấy đứa nhỏ cũng đi bán kẹo quanh khu vực này. Các em đang độ tuổi ăn học mà lại phải bươn trải kiếm tiền nghĩ cũng khổ. Đêm hôm mà vẫn lang thang bán kẹo vất vả lắm”.
Hình ảnh hai đứa trẻ như trên, không còn hiếm và không mấy mới mẻ đối với một thành phố rộng lớn như Hà Nội. Trung và Hải chỉ là hai trong số rất nhiều em bé đang ngày đêm lầm lũi bán hàng kiếm sống mà không biết đến ngày mai. Các em sẽ trưởng thành ra sao khi tuổi thơ không được học hành, bảo vệ?
Sự xuất hiện của những đứa trẻ bán hàng rong tại các địa điểm du lịch đã tạo nên một hình ảnh không đẹp trong mắt du khách. Đến bao giờ những em bé như Trung, Hải sẽ thôi lang thang khắp hẻm nọ phố kia, lẽo đẽo nài nỉ van xin khách mua hàng? Đến bao giờ Hà Nội và các thành phố lớn sẽ vắng bóng những đứa trẻ bán hàng rong? Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi đó. Dường như, người lớn quá mệt mỏi trong bài toán quẩn quanh mấy chữ cơm áo gạo tiền nên đành bấm bụng cho đám con nít ăn chưa no, lo chưa tới lao vào tính thay. Không hiếm những ông bố bà mẹ chăn dắt chính con ruột của mình vào guồng quay kiếm sống. Bên cạnh đó, nhiều kẻ chây lười không muốn lao động cũng sáng suốt nhận ra, không gì bằng cách "đầu tư" vào lòng trắc ẩn.
Sinh thời Bác Hồ đã từng nói:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là nan”.
Thế nhưng vẫn còn có những đứa trẻ không được đi học, không được ăn ngủ thoải mái như bao đứa trẻ khác. Trái lại chúng còn phải lang thang mưu sinh, bị những kẻ cơ hội bóc lột sức lao động và đau lòng hơn hết bố mẹ những đứa trẻ này đã dìm các em xuống nỗi cơ cực, vứt bỏ tương lai và đáng trách hơn là đánh cắp đi tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên vốn có của các em.
Hà Thị Thu Nhung
Phát thanh – K31
Cùng chuyên mục
Bình luận