“Trẻ em đang sống trong môi trường thiếu an toàn”
(Sóng trẻ) - Các chuyên gia đều khẳng định, hiện nay trẻ đang sống trong môi trường thiếu an toàn vì phải gánh chịu những cơn tức giận của người lớn.
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng vì liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em mầm non. Điều này cho thấy sự bất lực trong phương pháp giáo dục, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên.
Sóng trẻ đã có buổi trao đổi với Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng (Công ty tâm lý Bách Việt) xoay quanh vấn đề này.
Chỉ trong 4 ngày (từ 24/11 – 27/11) liên tiếp xảy ra 4 vụ bạo hành trẻ gây rúng động dư luận. Bà nghĩ gì về điều này?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Bạo hành trẻ mầm non không phải là một vấn đề mới nhưng luôn mang tính thời sự. Số lượng các vụ bạo hành hiện nay đang tăng lên, đặc biệt tại các cơ sở mầm non tư thục đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý phải tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp kịp thời. Mặc dù vào ngày 1/6, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực với nhiều chế tài, quy định bảo vệ chặt chẽ trẻ em. Thế nhưng, tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Bạo hành trẻ mầm non không phải là một vấn đề mới nhưng luôn mang tính thời sự
Theo bà, những việc làm này ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Bị bạo lực liên tiếp khiến trẻ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, sợ hãi trước chỗ đông người. Nếu bị bạo lực thường xuyên, trẻ sẽ có dấu hiệu sang chấn tâm lý, không dám làm chủ bản thân, không tin vào chính mình. Nài ra, khi chứng kiến cảnh bảo lực hoặc trực tiếp bị bạo lực sẽ khiến trẻ có suy nghĩ xử lý mọi việc bằng phương pháp bạo lực.
Còn xét về tính nhân văn của ngành giáo dục thì ảnh hưởng như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Chúng ta vẫn thường ca ngợi rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thế nhưng, với thực trạng hiện nay, cả phụ huynh lẫn học sinh đều phải đến trường trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Những vụ việc như bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh, TP.HCM dùng muôi múc canh, chổi, thanh nhôm,... đánh đập dã man nhiều trẻ nhỏ đã làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục, gieo rắc thêm hoài nghi, lo âu trong lòng mỗi phụ huynh khi đưa con em tới trường.
Theo bà, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đâu?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này là do sự thiếu kiểm soát và giám sát của nhà trường; các sở, phòng Giáo dục. Trong số các vụ bạo hành hầu hết được thực hiện bởi những người không được đào tạo bài bản, không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Những người này thiếu đi tình yêu và sự kiên nhẫn với trẻ nên có xu hướng dùng bạo lực thay vì những kỹ năng sư phạm.
Bên cạnh đó, gia đình cũng chưa có sự quan tâm đúng mực tới con cái. Khi con có những biểu hiện sợ đi học, bầm tím trên cơ thể nhưng cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều trường hơp cha mẹ thiếu hiểu biết về pháp luật nên không thể bảo vệ được con em mình.
Mặc dù Luật trẻ em đã có hiệu lực với việc bổ sung nhiều chế tài, song dường như chưa thực sự hiệu quả. Theo bà, điều cần thiết trong hiện tại để giải quyết vấn đề này là gì?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Để giảm thiểu tình trạng này, trước hết phụ huynh cần sát sao với con em mình hơn. Thay vì phó mặc cho thầy cô, nhà trường, phụ huynh có thể trực tiếp kiểm tra quá trình học của con em thông qua camera lớp học. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể nhờ sự hỗ trợ của các hộ dân xung quanh phát hiện những trường hợp bất thường để xử lý kịp thời. Các cơ quan quản lý cũng cần phải kiểm tra thường xuyên các trường mầm non, đặc biệt là các trường mầm non tư thục.
Để những vụ việc bạo hành trẻ mầm non không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, của tất cả các cấp, các ban ngành, đoàn thể.
Thúy Nga, Trương Vời, Nguyễn Mơ, Đình Nhu, Quỳnh Như, Lan Hương, Dương Nhung, Tạ Hằng
Cùng chuyên mục
Bình luận