Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm (Bài 1): Lựa chọn mới cho người trầm cảm
(Sóng trẻ) - Đây là dự án do Viện Nghiên cứu Lâm sàng về Xã hội, Tâm lý và Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội phối hợp với một số chùa trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện. Sau 2 đợt ứng dụng nhằm hỗ trợ tâm lý cho người trầm cảm, phương pháp này mang lại nhiều hiệu quả tích cực và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới.
Phương pháp trị liệu tâm lý mới được nghiên cứu và ứng dụng tại các chùa Việt Nam
Cuối năm 2023, Viện Nghiên cứu Lâm sàng về Xã hội, Tâm lý và Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội phối hợp với một số chùa trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện dự án “Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm cho người trầm cảm”. Nội dung của dự án bao gồm các buổi tập huấn và ứng dụng “Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm” - Mindfulness based Cognitive Therapy (MBCT) trong hỗ trợ tâm lý cho người bị trầm cảm.
Chương trình được tập huấn và giám sát bởi các chuyên gia về tâm lý hàng đầu tại các trường đại học ở Hoa Kỳ và Việt Nam: TS. Ron Siegel, trường Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ; TS Gina Arons, cựu giảng viên trường Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ; GS.TS Bahr Weiss, Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ; GS.TS. Đặng Hoàng Minh, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và BSCKII. Lâm Tứ Trung, cựu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm - Mindfulness based Cognitive Therapy (MBCT) là phương pháp dựa trên nền tảng “chánh niệm” của Phật giáo kết hợp với tâm lý học hiện đại đã được chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ quản lý và giảm triệu chứng trầm cảm.
Theo GS.TS Bahr Weiss (Chuyên gia tâm lý lâm sàng của Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ) - người từng có 25 năm sinh sống và nghiên cứu các vấn đề sức khỏe tinh thần tại Việt Nam, một thực trạng với những người gặp sức khỏe tinh thần tại nước ta là che giấu vấn đề của mình. Chính vì vậy, ông và các đồng nghiệp tại Việt Nam đã triển khai dự án này tại các chùa để hỗ trợ tâm lý cho người trầm cảm. GS. TS Bahr Weiss cho rằng, chùa là địa điểm lý tưởng để những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể yên tâm gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng cũng như giải quyết các khúc mắc trong đời sống tinh thần một cách thoải mái nhất.
“Nhiều người rất ngần ngại hoặc xấu hổ khi mà phải đến bệnh viện tâm thần hay phòng khám điều trị tâm lý. Không phải chỉ đi Việt Nam đâu mà ngay cả ở Mỹ hay châu Âu cũng có tình trạng tương tự. Vậy nên mục tiêu của dự án là mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần một cách thoải mái ở nơi họ có thể tin tưởng. Ví dụ như là những ngôi chùa”, GS.TS Bahr Weiss chia sẻ.
Trao đổi với Sóng trẻ, PGS. TS Đặng Hoàng Minh cho biết: “Ở Việt Nam rất ít những mô hình này. Vậy nên, chúng tôi thử nghiệm mô hình chuyển giao nhiệm vụ, tức là đào tạo, tập huấn cho những người bán chuyên nghiệp để thực hiện công tác hỗ trợ tâm lý. Cụ thể ở đây là những nhà tu hành”.
PGS. TS Đặng Hoàng Minh cho biết thêm, dự án đến nay đã trải qua 2 đợt trị liệu và có kết quả tích cực và rất khả thi. Bên cạnh trị liệu bằng “chánh niệm”, dự án còn đang thực hiện hỗ trợ người gặp vấn đề về sức khỏe, tâm lý bằng phương pháp thiền định. Hai phương pháp được thực hiện ở các chùa khác nhau, đều mang chủ thể là ngôi tự viện, nhằm đảm bảo tính khoa học cũng như đem lại sự so sánh, kết luận chính xác, từ đó tìm ra hướng đi tốt nhất có thể. Trong thời gian tới, dự án sẽ được triển khai rộng rãi.
Trị liệu dựa trên “chánh niệm” là như thế nào?
Những ngày này, Đại đức Thích Quảng Ngộ (Thạc sĩ tâm lý học, Trưởng nhóm điều hành dự án “Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm cho người trầm cảm” tại chùa Linh Thông, TP. Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị cho đợt trị liệu thứ 3 của dự án. ĐĐ. Thích Quảng Ngộ cho biết, “chánh niệm” hiện nay đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó sử dụng trong trị liệu tâm lý đã ứng dụng nhiều năm qua ở phương Tây - được đánh giá là vô cùng hiệu quả trong việc giảm và điều trị trầm cảm. Tại Việt Nam, liệu pháp này chưa được ứng dụng nhiều nên chưa có nhiều người biết tới và được trị liệu.
“Chúng tôi may mắn được tham gia dự án này tại Việt Nam trong lần đầu tiên được nghiên cứu ứng dụng tại các chùa. Chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn bài bản, kỹ lưỡng từ các giáo sư, bác sĩ của Trường Đại học Y Harvard đã thực hành nhiều năm. Bản thân chúng tôi cũng thấy được lợi ích, giá trị to lớn sau khi tập huấn và thực hành cùng kết quả sau 2 đợt trị liệu vừa qua cho người bệnh rất tích cực. Người tham gia đã có sự thay đổi trong nhận thức, giảm mức độ bệnh trầm cảm”, ĐĐ. Thích Quảng Ngộ bày tỏ.
Theo ĐĐ. Thích Quảng Ngộ, trong chương trình này, nhóm điều hành sẽ có 7 phiên làm việc theo 7 bài MBCT-VN với nhóm thân chủ. Nội dung bao gồm các hoạt động thực hành tâm lý trị liệu chánh niệm nền tảng, chánh niệm ngắn, giáo dục tâm lý và thực tập các bài tập chánh niệm: Giáo dục tâm lý về trầm cảm, lo âu và thực hành chánh niệm với vật thể; Thực hành chánh niệm với hơi thở; Thực hành chánh niệm hòa mình với cơ thể; Thực hành chánh niệm với suy nghĩ; Chấp nhận yêu thương từ bản thân và người khác; Thực hành ý thức chánh niệm với cảm xúc; Thực hành giãn cơ chánh niệm và chuẩn bị cho tương lai.
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm - Mindfulness based Cognitive Therapy (MBCT) khuyến khích người tham gia tập trung vào hiện tại, giải phóng những suy nghĩ tiêu cực và hiểu rõ hơn về chính mình. Không gian thiền định yên bình của các chùa là môi trường rất lý tưởng, tăng thêm tính hiệu quả trong việc thực hành MBCT, giúp người bệnh kết nối với nội tâm, làm dịu tâm trí và đẩy lùi đau khổ. Bên cạnh đó, liệu pháp chánh niệm mang ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cá nhân và cộng đồng đạt đến sự bình an và sức khỏe tinh thần bền vững.
Đối với người trầm cảm, chánh niệm hỗ trợ họ nhận diện và quan sát những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực mà không phán xét, từ đó giúp giảm bớt áp lực và căng thẳng. Bằng cách sống trọn vẹn với hiện tại, chánh niệm giúp người trầm cảm xây dựng lại niềm tin, cảm giác an lành và cải thiện tâm lý. Khi được áp dụng rộng rãi, chánh niệm không chỉ giúp người bệnh mà còn tạo nên một cộng đồng lành mạnh, biết lắng nghe, chia sẻ, thấm nhuần tinh thần từ bi và hiểu biết sâu sắc hơn về con đường tâm linh của Phật giáo trong chăm sóc sức khỏe tinh thần.