Nhiều nhân chứng trong vụ cháy nhà 112-114 Âu Cơ cho rằng việc xe chữa cháy đến chậm và thiếu nước, công tác chữa cháy thiếu chuyên nghiệp đã khiến đám cháy vượt tầm kiểm soát.
Trong khi đó, một chiến sĩ cảnh sát chữa cháy (xin được giấu tên) cho biết: “Việc chữa cháy cũng đòi hỏi kiến thức, cần xác định hướng gió và dự đoán bước đầu nguyên nhân cháy thì mới có phương án chữa cháy hiệu quả; không phải cứ cầm lăng nước lao vào đám cháy là sẽ dập được lửa.
Các chiến sĩ PCCC tại hiện trường vụ cháy cửa hàng nội thất hôm 11-3
(Ảnh: Tùng Lâm)
“Với vụ cháy lớn, xảy ra tại một nơi xa trạm cứu hỏa, không gần trạm nước, mà lại chất đầy các vật liệu dễ bắt lửa như vậy thì việc giữ cho đám cháy không bị lan ra đã là nỗ lực lớn…”
Liệu nguyên nhân đám cháy gây thiệt hại nặng là bởi công tác chữa cháy chuyên nghiệp còn yếu, hay đó là do chính bản thân người dân không biết bảo vệ tính mạng, tài sản của mình?
Lửa hàn – “tội đồ” quen thuộc
Từ khoảng 12h trưa 11-3, ngọn lửa bùng phát từ số 114 - ngôi nhà 5 tầng rộng khoảng 250 m2, lan nhanh ra hơn 10 nhà dân xung quanh. Nguyên nhân của vụ hoả hoạn ban đầu được xác định do các thợ hàn khi sửa chữa nhà, đã vô ý để xỉ hàn rơi bắn xuống tầng 1 làm cháy đệm mút, đồ gỗ nội thất và các thùng keo dán gỗ.
Chưa đầy một tuần trước đó, vào sáng 5-3-2013, một xưởng chuyên gia công nệm mút rộng hàng trăm mét vuông ở số 11/1Q đường Tô Ký (huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng bị “bà hỏa” thiêu rụi hoàn toàn. Thông tin ban đầu cho biết, một công nhân hàn thiết bị trong xưởng đã để tia lửa bắn vào đống nệm mút cũ gần đó và ngọn lửa đã nhanh chóng bùng phát.
Như vậy, dễ thấy rằng đây không phải lần đầu tiên xảy ra hỏa hoạn xuất phát từ việc sửa chữa, hàn xì kim loại.
Còn nhớ, vào ngày 29-7-2011, một vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại một xưởng may ở Hải Phòng làm 13 người chết tại chỗ và hàng chục người bị thương. Thợ hàn được thuê tới để sửa chữa cột thu lôi đã làm rơi các hạt xì có nhiệt độ rất cao xuống các nguyên phụ liệu may dễ cháy.
Những vụ cháy tang tóc trên khiến người ta dễ liên tưởng tới vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế - ITC xảy ra cách đây hơn 10 năm tại thành phố Hồ Chí Minh, làm chết 60 người, bị thương 70 người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nguyên nhân gây cháy ở ITC được xác định là là do lửa hàn bắt vào lớp mút cách âm của vũ trường Blue.
Phòng cháy luôn hơn là chữa cháy
Một điểm chung dễ nhận thấy ở các vụ cháy khủng khiếp trên, đó là: nài tác nhân gây cháy – vụn hàn xì, còn có sự có mặt của các vật liệu rất dễ bắt cháy như gỗ, vải may, các loại mút (mút cách âm, mút độn sa-lông, đệm ngủ…).
Nhận định về khả năng gây cháy của các vật liệu này, kỹ sư xây dựng Trường Linh (Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng) cho rằng: “Trong mọi công trình đều có thể tồn tại các vật liệu có khả năng bắt cháy như mút xốp cách âm, cách nhiệt; các loại cốp pha, xà gỗ, bao bì… Người thợ thường luôn biết rõ vì mọi công trình đều yêu cầu học-tập huấn An toàn lao động; thậm chí công trình lớn còn có hẳn Ban an toàn chuyên đi kiểm soát các việc này”.
Hiện trường vụ cháy ITC năm 2002 (Ảnh: CAND)
“Bình thường, mọi vật liệu khi được sản xuất ra đều được gia tăng khả năng chống cháy. Vụn hàn xì nhiều khi không đáng kể và không phải lúc nào cũng gây cháy ngay. Tuy nhiên đáng ra khi hàn nhiều như thế, vụn hàn rơi nhiều, họ phải tập trung chú ý, cẩn thận hơn. Cái chính vẫn là ở con người!”
Theo phân tích của Sở cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, ở nước ta phần lớn thợ hàn, cắt chỉ được đào tạo ngắn hạn và được tuyển dụng vào làm trong những cơ sở vừa và nhỏ, thường không có kiến thức về bảo hộ lao động.
Trong quá trình hàn, cắt, người lao động chỉ làm theo sự phân của người quản lý mà chưa quan tâm đến những đặc tính gây cháy, nổ từ của vẩy hàn. Khi xảy ra sự cố, họ không biết cách xử lý tình huống ngay từ lúc ban đầu dẫn đến mất bình tĩnh gây cháy lan, cháy lớn.
Rõ ràng là, nếu như tại các cửa hàng, xưởng sản xuất trên đều có trang bị sẵn phương tiện chữa cháy; nếu như các chủ xưởng và thợ hàn đều cẩn thận, đề phòng trong quá trình hàn, sửa… thì đã không có ngọn lửa nào bùng lên. “Phòng cháy hơn chữa cháy” dường như vẫn là một thói quen xa lạ với nhiều người dân Việt.
Một số khuyến cáo của
Sở Cảnh sát PC&CC thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo an toàn tính mạng và tài
sản:
- Khi hàn cắt kim loại
phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy
ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để xỉ than hàn tiếp xúc với các
vật liệu dễ cháy vì xỉ than hàn sinh ra nhiệt trong khi hàn cắt có nhiệt độ lớn
hơn 20000 C;
- Trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi và phải có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt trước khi kết thúc việc hàn cắt nhằm phát hiện vẩy hàn tàn lửa chưa được dập tắt;
- Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí đảm bảo kín; đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện…
- Trang
bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có
thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra;
- Đối với thợ hàn cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động, sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn. Khi tiến hành hàn cắt trên cao (từ 1,5 mét trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới….
Ngọc Bích