Phương pháp tiếp cận đa chiều – Chìa khóa cho giảm nghèo bền vững
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 16/10, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và sứ quán AiLen đã tổ chức “Diễn đàn giảm nghèo – Tầm nhìn tương lai” nhân ngày “Quốc tế chống đói nghèo” và “Ngày vì người nghèo” của Việt Nam (17/10) nhằm thảo luận về tiến độ giảm nghèo và các phương pháp đo lường hỗ trợ giải quyết các thách thức trong thời gian tới.
Các đại biểu của Bộ LĐTBXH, Liên Hợp quốc và sứ quán Ailen tham dự diễn đàn.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống dưới 10%. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững của các kết quả đã đạt được. Nguy cơ tái nghèo còn cao, các vùng nghèo và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nói: “Nhiệm vụ Giám sát tối cao về Giảm nghèo của Quốc hội trên toàn quốc trong giai đoạn 2005 -2012 là cơ hội tốt để đánh giá lại các kết quả thực sự đạt được trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và tìm ra phương hướng, phương pháp đo lường nghèo nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường vai trò chủ động của người nghèo trong việc tự thoát nghèo và áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại diễn đàn.
Được sự hỗ trợ của Liên Hợp quốc, Việt Nam trở thành một trong số 20 quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đo lường nghèo đa chiều để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng nghèo và thiết kế các chính sách, chương trình mục tiêu phù hợp hơn.
Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hoan nghênh Nghị quyết 80 đã đề ra những hướng mới tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh giảm nghèo ở những huyện, xã, thôn, bản khó khăn nhất. Bà khẳng định: “Để thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo tất cả các nhóm dân cư đều đạt được Mục tiêu Thiên Niên kỷ vào năm 2015, việc xây dựng một kế hoạch toàn diện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên Niên kỷ ở những vùng còn thiếu sẽ là bước tiếp theo cần triển khai”.
Liên Hợp quốc đã và đang hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh vai trò của người dân, các tổ chức đoàn thể, giúp người nghèo và người gặp hoàn cảnh khó khăn vượt qua các rào cản kinh tế xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.
Trần Thị Thu Trang
Báo Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận