Văn chương lập thể trong “Thành phố bị kết án biến mất”
(Sóng trẻ) - “Thành phố bị kết án biến mất” là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt. Trong đó, người đọc phải lần tìm nhân vật và sự kiện không chỉ bằng con mắt và tư duy của một người đọc sách mà còn bằng võng mạc của đôi mắt một người thưởng thức tranh.
Lần này, tác giả Trần Trọng Vũ xuất hiện dưới tư cách một nhà văn nhưng lại mang hồn cốt của hội họa. Cuốn sách được nhà sách Đông Tây giới thiệu như một phần của dự án nghệ thuật “Những đề nghị của lời và hình”.
Trong nghệ thuật tiểu thuyết của Trần Trọng Vũ, nhân vật chỉ mang những cái tên giả (X, người đưa thư, nàng…), và hòa lẫn vào thế giới sự vật đầy màu sắc, hình khối, chuyển động của các vật thể. Và những biểu tượng đặc biệt như: “chủ nhật”, “hơi nước”, “lý thuyết”, thoát khỏi vai trò sự vật và dự phần vào các sự kiện với tư cách ngang hàng với các nhân vật con người. Điều này gợi nhớ đến trào lưu nghệ thuật Noveau Roman (Tiểu thuyết Mới) ở Pháp, qua các tiểu thuyết của Robbe-Grillet như La Jalousie hay Dans Le Labyrinthe. Trọng tâm của tiểu thuyết Trần Trọng Vũ là miêu tả sự thành hình của con người thông qua việc nhấn mạnh vào tiếp xúc của họ với thế giới vật thể. Sự “biến mất” của các vật thể được kết án ở đây là sự biến mất của nhận dạng con người đã chìm khuất giữa thế giới cơ học.
Bìa sách Thành phố bị kết án biến mất
Tác giả Trần Trọng Vũ là nghệ sĩ hoạt động thị giác
Rất dễ bắt gặp trong “Thành phố bị kết án biến mất” những đoạn miêu tả như sau: “X bắt đầu gõ cửa với nỗi kinh ngạc và xúc động ấy. Lúc đầu bằng một cái gõ cửa của một đầu ngón tay. Cánh cửa im lặng. X gõ cửa lần thứ hai bằng ba khớp ngón tay thứ hai của ba ngón tay”. Sự kiện được kể trong tiểu thuyết dường như rất vớ vẩn, nhưng được miêu tả rất chi tiết kỹ càng, sắc sảo, tinh tế có phần trừu tượng. Đó là một dụng pháp của tác giả Trần Trọng Vũ: làm chậm thời gian và miêu tả thuần túy, không cần xét đến tầm quan trọng của sự kiện. Đó cũng là cách tác giả làm mờ nhân dạng và tạo nên một thứ văn chương của thị giác: văn chương lập thể.
Cuối cùng, người đọc sẽ thấy mình thất bại trong việc truy tìm và khám phá ý nghĩa của tác phẩm, của cốt truyện nếu bám vào mốc thời gian và sự kiện như tiểu thuyết truyền thống. Ở Trần Trọng Vũ, tư tưởng của nhà văn được gửi gắm qua sự cố ý sắp đặt các hình khối, cũng như tước bỏ hết sức tính trừu tượng của nội tâm nhân vật.
“Thành phố bị kết án biến mất” không đơn thuần là bức tranh lập thể của ngôn từ. Tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị văn chương của mình: một thông điệp rất rõ ràng về cuộc sống của con người trong kỷ nguyên văn minh đô thị. Con người ồn ào nhưng cô đơn, trở nên khó hiểu với chính mình. Tính thể con người trở nên mờ nhạt giữa bộn bề của cuộc tồn sinh, bị giản ước vào những thói quen sinh hoạt tầm thường trong đời sống và tư tưởng.
Đức Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận