Vấn đề tác quyền âm nhạc: Cách hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương có đáng trách?
(Sóng trẻ) - Sau vụ lùm xùm về tiền tác quyền trong đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã vấp phải nhiều lời chỉ trích từ dư luận. Theo bạn, cách hành xử của nhạc sĩ có đáng bị chỉ trích hay không? Đâu là phương án giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền đang tồn tại hiện nay?
Những ngày qua, những tranh cãi xung quanh vấn đề thanh toán tiền bản quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong Liveshow Khánh Ly diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Cuộc tranh cãi này bắt đầu nổ ra hai tuần trước, trong đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội, khi nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - tuyên bố “sẽ nhảy lên sân khấu để đòi bằng được chương trình phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền với nhạc sĩ”. Tiếp đó, ngay sát giờ mở màn đêm nhạc Khánh Ly ở Đà Nẵng, nhạc sĩ đã có mặt tại đây và tranh cãi gay gắt với ban tổ chức chương trình về việc thực hiện thủ tục bảo vệ tác quyền âm nhạc.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương tới Đà Nẵng để làm việc với Ban tổ chức Show Khánh Ly Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Hành động quyết liệt này của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, có người ủng hộ việc làm của nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC, có người lại cho rằng việc làm của nhạc sĩ giống như đi “đòi nợ thuê” và đồng tình với phía các đơn vị tổ chức.
Đồng cảm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan trả lời phỏng vấn Tri thức trực tuyến: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đích thân tới các show diễn để làm việc với Ban tổ chức - việc mà lẽ ra phải có một bộ phận riêng làm - cho thấy sự đau đáu và quyết tâm của ông trong việc đòi công bằng cho người nhạc sĩ. Điều này làm tôi cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi thấy dư luận ồ ạt lên tiếng chỉ trích ông với nhiều lời lẽ rất thiếu hiểu biết. Trong khi những điều ông và VCPMC mang lại cho nhiều nghệ sĩ là không thể phủ nhận”.
Một khán giả yêu nhạc cho ý kiến: “Tôi cảm giác người Việt Nam, đại đa số vẫn còn coi nhẹ công sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Nếu như ở Mỹ, có hẳn luật bảo vệ quyền tác giả với hơn 11 chương và hơn 1100 điều được ban bố rộng rãi, thì ở Việt Nam hầu như ít ai biết đến luật này. Một trong những người đầu tiên đứng ra lên tiếng bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Dù sao đi nữa, ông đáng được ghi nhận cho những đóng góp của mình thay vì bị dư luận hùa nhau đả kích. Cá nhân mình, tôi luôn ủng hộ ông”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Trung lại không đồng tình với cách làm của nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC. “Đã gần 20 năm xây dựng văn hóa tôn trọng bản quyền ở Việt Nam thì đến nay cảnh vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn tràn lan, các quan hệ vẫn như kiểu chợ búa” - nhạc sĩ trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet - “Hình ảnh của một ông giám đốc Trung tâm “bảo vệ” bản quyền ăn vạ như vậy thì dễ dàng hình dung được quy mô năng lực của họ đến đâu. Hãy tự đặt một câu hỏi đơn giản là tại sao VCPMC lại phải “vất vả” như vậy?... Nếu họ nắm vững luật pháp và thẩm quyền của mình thì đơn giản cứ mang Ban tổ chức hay bầu show ra tòa mà kiện. Không những thu được tiền mà còn được đền bù nhiều hơn, họ hoàn toàn có thể làm điều đó”.
Cũng có ý kiến cho rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương đang tự làm xấu hình ảnh của chính mình: “Việc nhạc sĩ Phó Đức Phương đến tận nơi đòi tiền tác quyền giống như “xiết nợ” vậy, cho dù ông có bức xúc trước thái độ chây ì và thiếu tôn trọng của các đơn vị tổ chức Liveshow Khánh Ly đến đâu. Nếu ông bình tĩnh giải quyết và kết hợp với cơ quan chức năng thì sự việc có lẽ không đến mức rùm beng như bây giờ”.
Còn bạn, bạn thấy cách hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương có đáng bị chỉ trích hay không? Và một câu hỏi lớn hơn là bạn có đề xuất gì để việc bảo vệ bản quyền âm nhạc ở Việt Nam trở nên hiệu quả hơn?
Xin mời độc giả gửi các bình luận về vấn đề này bằng cách bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về hòm thư: [email protected]
Ngọc Lan
Nhóm 4 - Lớp Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận