Viết phóng sự (1)
Phóng sự hay nằm ở công phu, tâm huyết về đề tài độc, muốn có những cái đó thì phải đầu tư, đầu tư thì phải được toà soạn hay cơ quan chủ quản ghi nhận. Nếu không ghi nhận thì người viết sẽ chỉ lao vào những đề tài dễ dãi, lặp lại, ăn xổi ở thì, viết cũng không chết ai mà không viết cũng không chết ai...
1. Tôi thích câu trong từ điển, viết: “phóng sự là một thể văn…”. Tất nhiên, câu mấu chốt là ở vế sau dấu ba chấm, tức là một thể văn như thế nào đó. Văn vẻ trau chuốt, hay là gảy gót chi tiết để làm văn, hay là nói một cách văn chương hình ảnh về những đề tài nóng, đề tài đáng quan tâm của xã hội, của nhân tình thế thái (như các cách định nghĩa khác). Nói như thế nghĩa là, gì thì gì, phóng sự có thể nói về bất cứ cái gì dù to dù bé nhưng phải nói một cách có hình ảnh, có chi tiết, có giọng điệu, có chiều sâu. Tôi không bao giờ tin lại có một bài phóng sự chỉ dài dưới 1300 chữ. Đó sẽ là bài phản ánh hoặc một cái gì đó chứ không thể là phóng sự. Phóng sự là phải tạo ra được góc nhìn cho vấn đề sự kiện mà mình đang đề cập. Nêú không nó sẽ trở nên vô duyên và tẻ nhạt. Nói chung, để nói về một quan niệm đầy đủ thì rất khó!
2. Vị trí của phóng sự trên tờ báo bao giờ cũng giữ vai trò là trọng pháo trong bài binh bố trận. Có thể nói phóng sự theo kiểu này, kiểu khác, gu này hay gu khác, nhưng không báo nào là không có phóng sự. Bởi phóng sự, ký sự, ghi chép hay phóng sự điều tra…, nói thẳng ra là các người bày cỗ ở các toà soạn người ta cũng ít quan tâm phân biệt cho rạch ròi. Nhiều tờ báo người ta ghi tên thể loại cũng phiên phiến. Lý do là khi phục vụ độc giả thì các thể loại này cũng có giá trị như nhau: ấy là đi sâu vấn đề, khía đau vào vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đích đáng, “hả hê” nhất. Nhất là những phóng sự điều tra, đánh tiêu cực, phóng sự thân phận, phóng sự về các vùng đất kỳ thú, phóng sự về sự khập khiễng bất cập của chính sách vào cuộc sống, về sự vô ý thức của người dân với cộng đồng và môi trường…! Đó là những vấn đề ăn khách, và chỉ có phóng sự hay những thể loại có độ dài, độ sâu, độ “khoét vấn đề” tương đương mới tải nổi. Đó là lý do để phóng sự được tôn vinh. Hầu như tất cả các tờ báo lớn hiện nay đều mở các cuộc thi bút ký phóng sự là vì thế, là vì họ muốn “câu” các cây viết phóng sự về báo mình, là vì họ thấy rõ sức mạnh trọng pháo của phóng sự.
Một thế mạnh nữa của phóng sự trong thời đại chết nghẹn thông tin này là phóng sự có giọng điệu, có góc nhìn riêng thú vị và tâm đắc cho độc giả. Thông tin được định hướng rất rõ ràng, cụ thể, nhiều khi bốp chát qua sự dấn thân, cũng như qua cái Tôi của chính người viết!
3. Duy trì mục phóng sự trên báo luôn luôn là một điều khó khăn. Vì người viết phóng sự không nhiều, trong khi các tờ báo lực bất tòng tâm trong việc nuôi các cây viết phóng sự. Nuôi một cây viết phóng sự là chấp nhận họ không làm tin bài cập nhật, họ không có định mức theo chỉ tiêu ăn lương, thậm chí họ viết được hay không là do ngẫu hứng, do cuộc sống va đập vào họ có nảy ra cảm xúc hay không… Trong thời buổi cạnh tranh thông tin này, ít tờ báo nuôi các cây viết phóng sự một cách có bài bản là bởi vì những lý do trên.
Khi không nuôi dưỡng các cây phóng sự một cách có ý thức thì sẽ gây ra mấy điều nguy hiểm sau:
- Mục phóng sự của tờ báo đó sẽ bị ăn đong, khi nào cộng tác viên gửi đến thì mới có phóng sự để đăng, tự nhiên thể loại phóng sự trên báo không được tôn vinh nữa.
- Còn phóng viên hầu hết chạy theo thời sự và các sự việc vụn vặt, đến lúc họ đá vào phóng sự là hầu hết họ viết ẩu, viết vội, ẩu với vội sinh ra không chau chuốt, thế thì không còn là phóng sự nữa rồi. Nhiều lắm nó trở thành bài điều tra đánh đấm!
- Thứ ba, khi anh không nuôi dưỡng cây viết phóng sự thì dù người viết có năng khiếu, có tài đến mấy, rồi họ cũng hết vốn, hết đề tài tâm đắc mà mai một đi thôi. Người viết phóng sự bao giờ cũng phải có điểm dừng để nạp kiến thức, nạp cảm xúc, nạp đề tài và nạp cách nhìn vấn đề cho “cao tay” hơn. Mất điều đó, là bi kịch đáng tiếc cho những người làm phóng sự trẻ như chúng tôi.
4. Báo chí hiện đại bây giờ đã tiếp thêm sức mạnh cho phóng sự báo chí, vì phóng sự bây giờ bao giờ cũng đánh thẳng vào hiện thực. Đã hết thời phóng sự quá nhềnh nhàng (tất nhiên, phóng sự văn chương và cảm xúc văn chương thì vẫn còn); bây giờ, yêu cầu của độc giả là người viết phải dấn thân, phải điều tra, phải nói thẳng ý tứ quan điểm của mình với tư cách một công dân có trách nhiệm, một nhà báo có trách nhiệm. Đụng vào vấn đề gì bằng giọng văn phóng sự, nhưng là người thật việc thật, với độ tin cậy cao. Đáp ứng được những yêu cầu đó, phóng sự sẽ là cầu nối rất gần giữa mặt báo và cuộc sống. Sự sâu sát đó, lại thêm vị trí trọng pháo, với diện tích “đất” và sự trình bày bắt mắt với hệ thống ảnh, sơ đồ, biểu đồ sinh động nữa, vai trò của phóng sự là rất lớn. Khi phản ánh và phân tích, kiến nghị từ cuộc sống, phóng sự đã được tôn vinh!
5. Báo Lao Động đã tạo được thương hiệu cho phóng sự của mình, cho nên trong các cuộc thi, họ không trương biển phóng sự dự thi mà thôi, mà hơn thế họ treo biển cuộc thi Phóng sự Báo Lao Động. Điều này hình như ở nước ta chưa tờ báo nào làm được, ít ra là trong khát vọng với ý tưởng thực hiện. Chỉ tiếc rằng gần đây, các cây viết phóng sự nổi tiếng của báo Lao Động ít viết phóng sự hơn. Một lý do mà rất nhiều người nói là, báo ra quá dày kỳ như thế thì rất khó một ngày chọn ra một phóng sự theo phong cách Lao Động. Đấy là chưa kể, chủ trương mấy năm nay của tờ báo này là rút ngắn số chữ cho mỗi phóng sự của báo đi có vẻ như đã gọt tỉa mất ít nhiều hồn cốt và phong cách của các cây viết.
Tờ Tiền Phong cũng còn ít đất cho phóng sự, sự thưa vắng dần các cây viết đã một thời làm mưa làm gió.
(Còn nữa)
Đỗ Doãn Hoàng
(Báo Lao Động)
Cùng chuyên mục
Bình luận